Chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số

- Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở thực hiện chuyển đổi số; xác định chuyển đổi số là mục tiêu cho sự phát triển mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh. Sau gần 1 năm thực hiện việc chuyển đổi số, các hoạt động công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Khối đã có những kết quả tích cực.

Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh đã đề ra; chỉ đạo cơ sở đưa nội dung chuyển đổi số vào các buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Đảng bộ bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Về hạ tầng số, hệ thống truyền hình trực tuyến được kết nối từ Trung ương đến cấp xã. Các cơ quan nhà nước sử dụng hiệu quả các hệ thống dùng chung để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo từ cấp tỉnh tới cấp xã.

Theo đồng chí Mai Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2022 Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cung cấp, triển khai 1.427 dịch vụ công trực tuyến, trong đó: có 444 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 66 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 917 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Qua đó nâng cao các chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính.

Về chính quyền số, 100% các cuộc họp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến cấp huyện, cấp xã triển khai bằng hình thức trực tuyến của tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành do VNPT Tuyên Quang cung cấp, đảm bảo kết nối và chỉ đạo, điều hành thông suốt từ Đảng ủy Khối tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Đảng bộ.

Tọa đàm chuyển đổi số do Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức.

Đảng bộ Công ty Điện lực đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thực hiện số hóa các quy trình nghiệp vụ: Thực hiện trạm biến áp 110 kV không người trực; chương trình tự động hóa lưới điện trung áp DMS; Quản lý lưới điện trên bản đồ hành chính GIS; phần mềm Hệ thống quản lý thông tin mất điện OMS, phần mềm tính toán tổn thất NEMO, số hóa quy trình Kỹ thuật - An toàn, phần mềm quản lý an toàn (ECP),…

Về lĩnh vực kinh tế số, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, thúc đẩy toàn diện thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiếp cận, tham gia mua, bán trên sàn thương mại điện tử. Phát biểu tại Hội nghị Tọa đàm chuyển đổi số trong cơ quan, doanh nghiệp, đồng chí Hoàng Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh báo cáo: Từ tháng 4/2022 ngành Thuế đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, bắt buộc áp dụng từ ngày 01/7/2022 thay cho hóa đơn giấy. Công tác triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thành công. Tính đến hết tháng 7/2022 toàn tỉnh đã có 2.787 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng đã đăng ký thực hiện.

Về xã hội số, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Trong thời gian qua đơn vị đã hoàn thành gắn mã địa chỉ bưu chính Vpostcode gắn với bản đồ số quốc gia Vmap đối với 223.589 địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn và từng nhà dân trong tỉnh. Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ nông sản nhanh và tiếp nhận thông tin, hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn; đưa sàn TMĐT Postmart.vn trở thành một trong các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam. Hiện nay, Viễn thông Tuyên Quang đang quản lý gần 500 nhà trạm Viễn thông, BTS di động; quản lý trên 7.000 km cáp quang các loại gồm cáp quang đường trục và cáp quang truy nhập cùng với hơn 15.000 điểm kết cuối để cung cấp dịch vụ FiberVNN và MyTV cho khách hàng, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Chuyển đổi số bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng, tác động toàn diện đến sự phát triển của Đảng bộ Khối. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Còn có cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về tính tất yếu, sự cần thiết và lợi ích của chuyển đổi số trong thời kỳ 4.0, trong cạnh tranh và trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; chưa chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số; chưa xây dựng kế hoạch, lộ trình để tiến hành chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn vị, doanh nghiệp... Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh quy mô còn nhỏ, còn thiếu các hệ thống về an toàn an ninh thông tin, hệ thống máy chủ dự phòng, hệ thống sao lưu dữ liệu,... Nền tảng dùng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấptỉnh (LGSP) chưa kết nối với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành,...

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong toàn Đảng bộ, thời gian tới Đảng ủy Khối sẽ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nâng cao nhận thức về tính tất yếu, sự cần thiết, lợi ích thiết thực cả trước mắt và lâu dài của chuyển đổi số; tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xây dựng và thực hiện kế hoạch Chuyển đổi số.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ tình hình thực tế, cần nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số để đổi mới phương thức hoạt động, điều hành, điều chỉnh mô hình, chuyển dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống sang các phương thức dựa trên các nền tảng số để từng bước thực hiện Chuyển đổi số theo lộ trình; thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính VPostcode trong hoạt động thương mại điện tử và Logistics. Chú trọng đầu tư trang thiết bị, các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi số. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng sử dụng các ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số, kịp thời phát hiện, kiến nghị, xử lý, khắc phục những hạn chế, bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

Phạm Thị Mai
(Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh)

Tin cùng chuyên mục