Bỏ phố lên núi
Gần 3 giờ chiều, bước ra từ chiếc xe hơi bóng loáng đỗ ngay trong khoảng sân trống ở trang trại, anh Phạm Duy Tuấn, ở tổ dân phố Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cười tươi nói: Các anh chị thông cảm, ban chiều tôi tranh thủ lái xe chở ít cám cho đàn lợn, rồi tiện ngó cửa hàng xem nhân viên đã chuẩn bị tiệc tối nay ổn chưa.
Nói rồi, anh mời chúng tôi vào nhà uống nước. Nhâm nhi chén trà nóng, anh Tuấn chia sẻ, thực ra anh không hẳn là nông dân. Anh Tuấn tự nhận mình là “nông dân nửa mùa”. Anh lý giải, mình có một cửa hàng giò chả và 2 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nằm ngay tại thị trấn Sơn Dương - địa điểm sầm uất bậc nhất khu vực huyện Sơn Dương. Nghề này theo anh từ những năm 2000. Bán giò chả, rồi kinh doanh nhà hàng, nguồn thu từ những nghề này đủ dư dả để anh tạo dựng cơ ngơi khang trang, chăm lo cho con cái theo cách tốt nhất.
Anh Phạm Duy Tuấn, tổ dân phố Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) vệ sinh chuồng nuôi lợn.
Làm kinh doanh, nhưng ngày vắng khách, anh lại lang thang xách xe máy đến những nhà làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt trong huyện để ngắm. Anh Tuấn bảo, chẳng hiểu sao, anh lại yêu cái nghề trồng rừng, chăn nuôi này đến thế. Lúc nào anh cũng chỉ ước có một mảnh vườn để trồng cây, nuôi con gà, con lợn cho thỏa niềm yêu thích.
Ước mơ thành sự thật, khi anh và vợ quyết định tìm mua đất làm trang trại để dưỡng già. Anh tìm mua được một mảnh đất trên núi Lõng Ông Văn thuộc thôn Trầm, xã Hợp Thành (Sơn Dương). Gọi là mảnh, nhưng diện tích cũng ngót nghét hơn 11 ha. Để việc đi lại thuận tiện, anh tiếp tục đầu tư cả trăm triệu làm đường lên tận đỉnh núi để ô tô có thể vào, rồi đặt nền móng làm các trang trại chăn nuôi; làm 1 nhà chòi bằng tôn sắt khá kiên cố vừa để thức ăn cho gia súc, vừa để anh và nhân công có chỗ nghỉ ngơi. Việc làm này của anh khiến nhiều người cho là kỳ cục, chẳng khác gì đem tiền đổ vào núi. Nhưng vì đam mê, anh vẫn quyết tâm theo đuổi.
Thế rồi anh bắt tay vào vạch vẽ đường đi nước bước. Theo đó, trên toàn bộ diện tích 11 ha đã được anh Tuấn quy hoạch và phác thảo, anh thuê người và phương tiện cùng thực hiện công cuộc cải tạo đất hoang, đồi trọc. Toàn bộ phần diện tích núi đồi có địa hình dốc ngược được quy hoạch trồng keo, bạch đàn. Lùi xuống mé đồi là những vạt nương cỏ voi, chuối... Tận dụng nguồn nước từ khe núi chảy ra quanh năm, anh đào 1 cái ao với diện tích hơn 3.000 m2. Lẫn trong những quả đồi, rừng cây, ao cá là các khu chăn nuôi, nhà kho, nhà ở của anh và công nhân. Cứ thế, luôn chân luôn tay, cuốn theo từng mùa từng vụ, từ một “thương nhân”, anh Tuấn trở thành một “nông dân lớn” từ lúc nào không hay. Anh bảo, làm rồi mới biết, cái “máu” làm nông dân của mình hóa ra nhiều hơn cái “máu” làm giàu.
Khu trang trại chăn nuôi dê của anh Phạm Duy Tuấn.
Trang trại bạc tỷ
Trang trại của gia đình anh Tuấn nằm trên đỉnh núi Lõng Ông Văn cao hơn 500m. Con đường lên trang trại của anh vắt vẻo từng khúc cua, hai bên đường rợp mát bởi tán của những hàng keo, bạch đàn độ 4, 5 năm tuổi. Ở trên độ cao hơn 500m, sự chật chột ồn ã nơi phố thị nhường chỗ cho những rừng cây vi vu gió thổi. Hơn 11 ha chỉ có rừng, cây thức ăn chăn nuôi và những ô chuồng men theo từng quả đồi là thành quả của người đàn ông thành thị bỏ hơn 3 tỷ đồng chỉ với ước muốn được sống với núi rừng và có thể kiếm tiền từ rừng.
Những tưởng với một trang trại có quy mô lớn như vậy thì anh Tuấn phải áp dụng quy trình kỹ thuật khắt khe lắm nhưng ngược lại. Cách mà anh làm hoàn toàn tự nhiên. Anh Tuấn cho rằng, thực chất đó là mô hình trang trại hữu cơ. Soi vào kỹ thuật sản xuất thì thấy mô hình của gia đình anh đúng như những kỹ thuật được khuyến cáo.
Theo đó, anh trồng ngô, cỏ voi, chuối chính là thức ăn cho dê, bò, cá. Toàn bộ phân xanh, phân chuồng ủ mục là nguồn phân hữu cơ cho cây trồng. Tận dụng diện tích rừng, anh nuôi thả hơn 60 con dê và 7 con bò. Khu đất rộng anh xây dựng chuồng trại nuôi gần 60 con lợn và hơn 50 con chó. Tận dụng nguồi nước khe núi anh thả các loại cá như mè, trôi, trắm, chép.
Tổng diện tích khu trang trại, rừng trồng của gia đình anh Phạm Duy Tuấn lên tới hơn 11 ha.
Anh Tuấn khẳng định, khí hậu, thổ nhưỡng trên núi Lõng Ông Văn chính là môi trường lý tưởng cho việc phát triển chăn nuôi. Gần như các loại bệnh dịch không bao giờ bén mảng. Nếu không may có con vật nuôi nào bị chết non chủ yếu là do ngã núi, ăn quá no hoặc kẹt chuồng... Tổng hợp các nguồn thu, sau khi trừ chi phí, trang trại cho số lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.
Vì trang trại lớn lại áp dụng nhiều loại cây trồng, vật nuôi nên anh Tuấn phải thuê thêm 1 người làm thường xuyên và hơn 20 công nhân thời vụ với các công việc như phát, chăm rừng, chăn dê, bò, lợn...
Một ngày ở trên núi Lõng Ông Văn, tham quan trang trại của gia đình anh Tuấn, tôi chẳng nỡ về. Tôi nhẩm tính, hiện anh Tuấn đang sở hữu 9 ha keo, bạch đàn từ 4-5 tuổi, chỉ 2 năm nữa khi được thu hoạch sẽ cầm chắc trong tay số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chưa kể, mô hình chăn nuôi của vợ chồng anh sắp tới cũng hái ra bạc triệu. Anh không nói ra nhưng tôi biết, giờ cái biệt danh “Tuấn gàn” mọi người đặt cho anh khi mới vào tận cùng núi đá làm trang trại đã không còn, thay vào đó là sự cảm phục về tinh thần lao động hăng say, dám nghĩ dám làm đáng học hỏi của vợ chồng anh chị.
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sơn Dương nhận xét, mô hình kinh tế của anh Phạm Duy Tuấn khá hiệu quả bởi sự đa dạng về đối tượng cây trồng, con vật nuôi và chuồng trại được đầu tư bài bản, doanh thu cũng khá tốt. Ngoài tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương, mô hình còn là địa chỉ tin cậy để bà con đến học tập kỹ thuật cũng như lựa chọn cây giống có chất lượng.
Gửi phản hồi
In bài viết