Những ngày giữa thu, thời tiết xứ Tuyên đỏng đảnh mưa gió, cơn này chưa tan cơn khác đã tới, hiếm hoi lắm mới có một buổi chiều nắng. Không đợi chờ thời tiết, tạm gác tất cả mọi thứ, tôi vội vàng xách ba lô ngược rừng. Bởi đã có lời hứa với thầy cô ở các điểm trường lẻ xã Xuân Lập (Lâm Bình) rằng sẽ lên thăm các thầy cô, để hiểu hơn những gì được gọi là “cắm bản dạy học”.
Cơn mưa đêm hôm trước khiến con đường dốc lên các điểm trường lẻ thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng càng thêm lầy lội, trơn trượt khó đi. Cũng từng nhiều lần băng rừng, vượt núi cao, suối sâu để đến thăm các điểm trường hẻo lánh vùng sâu, vùng xa, nhưng chưa khi nào cung đường hơn 10km từ trung tâm xã Xuân Lập đến các điểm trường của xã Xuân Lập lại khiến tôi... ớn đến vậy. Những con đường ngoằn ngoèo quanh co, dốc lên dựng đứng, dốc xuống thăm thẳm với những đá hộc gồ ghề, lởm chởm, những con suối trơn trượt, cả những ổ gà, rãnh đá đáng sợ.
Bao nhiêu lần chiếc xe chệch bánh, hãi hùng vì ngay đó là vực sâu thăm thẳm. Vậy mà các thầy cô vẫn nói rằng “Không sao, đừng sợ. chúng tôi đã như vậy không biết đến bao nhiêu lần rồi mà chưa ai... rớt xuống vực đâu”. Đành vậy, cố gồng người và cố tin lời thầy cô... Đây cũng chính là con đường đến trường mà thầy cô hàng ngày phải trải qua để ươm, gieo “mầm chữ”.
Đến được điểm trường Mầm non thôn Khuổi Trang lúc này tôi cũng vã hết mồ hôi như vừa bị trận mưa dội vào người. Vừa nhìn thấy có người đi tới, nước mắt cô Nguyễn Thị Diễn, giáo viên tiểu học tại điểm trường thôn Khuổi Trang, như đã trực chờ để lăn xuống, cô bộc bạch:
Có lẽ, khó diễn tả được cảm xúc của những thầy cô cắm bản ở những điểm trường. Họ phải học làm quen với không khí, đèo dốc và bà con dân bản.
Thầy Hỏa Văn Xuyên, sinh năm 1974, hiện đang công tác tại Trường mầm non Xuân Lập đã gắn bó với trẻ mầm non hơn 22 năm.
Có mặt tại điểm trường Khuổi Trang, nơi thầy Xuyên đang giảng dạy, chứng kiến thầy Xuyên đang hướng dẫn cho trẻ mầm non tập thể dục, chơi các trò chơi và múa hát với những động tác mềm mại không khác gì các cô giáo.
Thầy Xuyên vừa là người anh, người cha, người mẹ dạy trẻ đọc viết, múa hát và chăm sóc các em trong bản. Thầy Xuyên tâm sự “Hiện nay, lớp thầy dạy 19 em, là con em trong thôn Khuổi Trang, các em chủ yếu là dân tộc Mông, chỉ có vài em là dân tộc Nùng. Để tiếp cận và thuận lợi trong việc giảng dạy, tôi còn học thêm tiếng của của các dân tộc nơi đây”.
"Bụi phấn còn bay tóc sương quăn lại/ Nụ cười thầy, cô neo vào tay lái...”. Đó chính là cảm xúc chân thật nhất của những người từng là giáo viên vùng cao. Chỉ có họ mới hiểu cảm giác "dầm mưa, người ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, đường gập ghềnh, trơn trượt, tối và mù, đèn xe không sáng...”.
Với các thầy, cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Xuân Lập, cảm giác ấy không xa lạ. Bởi ai cũng đã từng trải qua. Như cô Long Thị Thu từng vượt đèo với những hốc đã lởm chởm trong đêm mưa bão bùng khi gia đình có việc phải về gấp. Hay như thầy Quan Văn Đồng trong cơn cảm một mình nằm chơ vơ tại điểm trường. Và không hiếm những câu chuyện "phó thác cho số phận” trên hành trình đi gieo chữ của các thầy, cô ở vùng đất Xuân Lập.
Trò chuyện với chúng tôi, dù trên môi vẫn nở nụ cười, nhưng có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn thầy Quan Văn Đồng đang thắt lại những nỗi buồn. Thầy bảo: “Nói chuyện với các nhà báo không phải chúng tôi kể khổ. Mà ở đây, chúng tôi chỉ muốn được chia sẻ cho nhẹ lòng. Thực lòng, khi được phân công về đây chẳng ai không thấy nản. Khi từ nhà đến trường là một hành trình cực kỳ vất vả. Đường chủ yếu là dốc đá, gập ghềnh, trơn trượt. Trường tôi có 20 thầy, cô đã từng đến các điểm trường thì cả 20 người đều đã từng bị ngã trên đường lên trường. Ai cũng có sẹo. Sẹo cũ chưa lành thì lại có thêm sẹo mới vì ngã xe...”
Cố giấu đi nỗi buồn, cô giáo Long Thị Thu cho biết: Những ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa đường trơn trượt, thậm chí sạt lở, xe máy chỉ dắt bộ hoặc đẩy chứ có đi được đâu. Đến nơi, gặp cũng chỉ hỏi nhau có ngã nhiều không? Đau ở đâu? Rồi lại vội vã thay quần áo để kịp giờ lên lớp... "Tuy khổ nhưng chúng tôi vẫn thấy vui” - cô giáo Long Thị Thu lạc quan.
Đó là điều mà nhiều thầy, cô giáo tại các điểm trường xã Xuân Lập đã chia sẻ với chúng tôi. Chính từ tình yêu nghề, tình yêu mảnh đất này mà họ đã không quản gian khó, gieo từng con chữ vào lòng đá. Điều mà từ trước đến giờ chưa ai từng làm được vì nó... quá khó. Có những người bạn của tôi đã từng cất công trèo đèo, lội suối theo chân cùng tôi và các đồng nghiệp trải nghiệm thú vị về "lớp học trên mây” đã phải thốt lên: Quả thực là khó khăn.
Nhưng thật sự đáng khâm phục và trân trọng, cô Vàng Thị Xúa, giáo viên trường Mầm non Xuân Lập, hiện đang nhận nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường Khuổi Trang chia sẻ.
Rời các điểm trường khi ánh điện đã sáng trong mỗi nếp nhà. Trên con đường dốc đá gập ghềnh trơn trượt, tôi còn nghe vẳng đâu đó tiếng đánh vần i, tờ. Nhịp nhàng, đều đặn, vang xa như tiếng "dương cầm” vọng vào đá. Qua đêm tối, ngày mai vùng "thung mây” này lại sáng. Vì ở đó, vẫn còn có những người đang lặng thầm gieo từng con chữ vào đá... như một câu chuyện "cổ tích”.
Hình ảnh cứ vương vấn trong tâm trí chúng tôi là ánh mắt long lanh khi lật giở từng trang sách của các em học sinh người Mông, người Dao; hình ảnh tối tối, các cô giáo miệt mài soạn giáo án, rồi những tiếng côn trùng kêu thanh thảnh bên tai. Con đường tương lai của các em nhỏ ở đây, còn lắm khó khăn vất vả, nhưng đủ thắp sáng ước mơ và hoài bão của các em: học con chữ để thoát khỏi đói nghèo...
Gửi phản hồi
In bài viết