Là người đam mê đào Thất Thốn, năm 2018, anh đã về vựa đào Nhật Tân (Hà Nội) mua giống đào Thất Thốn về trồng. Dù hiểu đặc tính kiêu kỳ, đỏng đảnh của đào Thất Thốn là thường nở muộn, chỉ bung nở rực rỡ dịp Rằm tháng Giêng, dù dáng đào thấp nhỏ, gốc cành “cổ kính”, xù xì, khó chăm, trồng 3 - 5 năm mới ra hoa... nhưng anh vẫn quyết tâm, kiên trì với niềm đam mê của mình.
Anh Chẩu Xuân Bính bên vườn đào Thất Thốn của gia đình.
Xưa, đào Thất Thốn biết đến là giống đào quý, “vương giả” nhất trong các giống đào, không chỉ bởi quy trình trồng và chăm sóc trong thời gian dài, đòi hỏi khá kỳ công mới có được cây đào đẹp, mà còn ở sự độc đáo của dáng đào, hoa đào.
Đào Thất Thốn là giống đào dáng thấp, cây chỉ cao chừng 50 - 70 cm, dáng thế hoàn toàn tự nhiên. Đào Thất Thốn có nụ to, mập mạp, cho hoa kép, sắc thắm, cánh hoa lụa là, tươi tắn hơn bích đào, hoa bền hơn hoa đào thường. Đặc biệt, giống đào này không theo quy trình trổ hoa thông thường, đào Thất Thốn có thể bất ngờ trổ bông ở bất kỳ vị trí nào trên thân, gốc của cây. Chính điểm khác biệt đó đã khiến loài hoa này ngày càng được ưa chuộng.
Ngày nay, đào Thất Thốn đã được thuần chủng, đưa vào trồng khá đại trà như một giống đào thương phẩm để phục vụ nhu cầu thưởng thức hoa của người dân mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, quy trình trồng và chăm sóc cây lâu năm, số lượng đào thương phẩm có thể trụ được và đơm hoa đúng dịp Tết không nhiều, giá thành khá cao nên không phải người dân nào cũng có điều kiện để chơi loại đào này.
Để chăm sóc tốt cây đào Thất Thốn, ngoài sưu tầm kiến thức và kinh nghiệm trên mạng Internet, anh Bính còn cất công sang tận Sơn La, Lai Châu “tầm sư học đạo”. Khi được hỏi công đoạn nào là “khó” nhất trong việc trồng và chăm sóc giống đào này, anh Bính bảo: trọn gói cả quy trình luôn, từ lựa mua cây giống, phân gio, ánh nắng, giữ ẩm, phương pháp chăm sóc đến việc phòng trừ sâu bệnh, cứ vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm. Công phu nhất ở độ kiên trì, vì giống đào này phải từ 3 - 5 năm mới đơm hoa.
Nhớ lại những ngày đầu “chinh phục” giống đào Thất Thốn, anh phải tỉ mỉ về Nhật Tân, lựa mua những mắt đào khỏe, về lắp ghép trên cây gốc, nghe ngóng, quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, nhạy bén nắm bắt diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp, giúp cây thích nghi dần. Đào Thất Thốn ưa đất thoáng, khô ráo, độ ẩm vừa phải, hợp khí hậu lạnh, qua quá trình lai tạo, đến nay, vườn đào Thất Thốn của anh đã sớm thích nghi với thời tiết, thổ nhưỡng tại Tuyên Quang.
Đào Thất Thốn đòi hỏi người chăm sóc phải tốn nhiều công sức và yêu cầu độ tỉ mỉ cao.
Kiên trì, tỉ mỉ chăm đào từ năm nọ qua năm kia, nhưng đào rất lâu trổ bông, những gốc đào nhỏ xinh như của nghệ nhân đào Thất Thốn nổi tiếng Lê Hàm ở Làng đào Nhật Tân (Hà Nội) trồng trung bình từ 3 - 5 năm, luôn có giá dao động từ 3 - 5 triệu/1 gốc, ngay như vườn đào của anh Bính, trồng 500 gốc, nhưng sau 5 năm trồng và chăm sóc, năm nay, may mắn là năm nhuận, vườn đào của anh cũng chỉ có chừng 200 gốc đào kịp đơm hoa đúng thời điểm Tết Nguyên đán kịp cung ứng cho thị trường Tết.
Chỉ với 500 gốc đào Thất Thốn trên diện tích gần 2 sào ban đầu, năm 2024 anh Bính và gia đình đã phát triển, mở rộng thêm khoảng 1.500 gốc đào Thất Thốn, nâng tổng số gốc đào Thất Thốn của gia đình anh lên gần 2.000 gốc. Ngoài niềm đam mê đào Thất Thốn, gia đình anh còn trồng được 1.000 cây quất; 1.500 cây đào phai và đào bích. Năm 2022, trừ chi phí, việc trồng đào và quất đã mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Rời vườn đào của anh Bính khi những nụ đào Thất Thốn đã chớm nhú ra những đốm lửa ấm áp đầu tiên, tôi thầm mong cho công sức của những người tiên phong trong hành trình chinh phục những giống hoa quý sẽ sớm được thị trường đón nhận, chúc cho những nguyện ước tốt lành của người trồng vườn về một năm mới yên bình, ấm no và sung túc sẽ sớm trở thành hiện thực.
Gửi phản hồi
In bài viết