Quyết tâm
Trong căn nhà 2 tầng khang trang, nằm ngay trục đường chính dẫn vào trung tâm xã Thanh Tương, chị Đặng Thị Sen, thôn Nà Né đang tất bật gói những đơn hàng sau một phiên “livestream” qua mạng xã hội. Chị Sen hồ hởi, nhìn cơ ngơi như ngày hôm nay, ít ai nghĩ vợ chồng chị đã từng có thời gian đi “xuất ngoại” lao động.
Chị kể, quê ngoại ở huyện Hàm Yên, năm 2006, chị đi làm công nhân may ở Malaisia và gặp anh Ma Văn Truyền, thôn Nà Né là chồng chị. Năm 2009, 2 vợ chồng kết hôn, về nước và sinh con. Ngày đấy kinh tế vẫn khó khăn, sau vài tháng, một mình anh Truyền quay lại xứ người gồng gánh đi làm để nuôi vợ con. Năm 2013, anh chị đã xây được căn nhà trị giá hơn 800 triệu đồng khang trang nhất thôn, để sẻ chia bớt khó khăn với chồng và cũng muốn sớm ổn định, năm 2016, chị Sen một lần nữa gạt nước mắt gửi 2 con cho bà nội và lên đường để làm kinh tế.
Mô hình homestay của gia đình chị Triệu Thị Nhi, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).
Chị bảo, mãi đến năm 2023, mới quyết định về lại quê hương để lập nghiệp, còn chồng sẽ bám trụ nốt năm 2024 theo đúng thời hạn hợp đồng. Dự định cuối năm nay, gia đình sẽ triển khai làm thêm mô hình kinh tế VACR trên những mảnh đất được mua bằng tiền tích góp trong quá trình xuất ngoại. Chị chia sẻ, đi xuất khẩu lao động nếu thạo việc sẽ có mức lương gần 30 triệu đồng mỗi tháng, nếu biết chi tiêu dành dụm, chỉ cần vài năm sẽ có một số vốn nhất định để ổn định cuộc sống.
Bên tủ đồ bày bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chị Sen dí dỏm, nhiều người cứ bảo đi xuất khẩu lao động là đánh đổi tuổi thanh xuân, nhưng cái nhận được lại chính là tư duy làm kinh tế, sự tự tin trong giao tiếp... như chị bằng việc bán hàng qua mạng và làm các video quảng bá. Trừ chi phí mỗi tháng chị cũng có thu nhập trên 10 triệu đồng, đủ chi tiêu cho các con ăn học và duy trì cuộc sống ở nông thôn.
Những trái ngọt từ xuất khẩu
Đang tất bật chăm sóc những cây bưởi Soi Hà đặc sản, chàng trai 9x Nguyễn Khắc Biên, thôn Yên Trung mới trở về từ Nhật Bản nhiệt tình tiếp đón chúng tôi.
Năm 2018, sau khi được tham dự phiên tư vấn, giới thiệu việc làm, anh Biên đã bàn với gia đình vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 200 triệu đồng, tham gia học tiếng và đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Ban đầu cũng lo lắng và bỡ ngỡ bởi ngôn ngữ, cách làm kinh tế và thời tiết khắc nghiệt, anh Biên kể, nhiệt độ bên đó khô và lạnh, trồng cây dưới thời tiết âm độ là sự thử thách với đa số người Việt khi sang, nhưng bù lại với mức lương khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng khá xứng đáng với công sức bỏ ra.
Đầu năm 2023, anh Biên trở về quê nhà với hơn 1 tỷ tiền tích góp, anh trả hết nợ ngân hàng và có số vốn tương đối lớn để làm kinh tế. Cuối năm 2023, chàng trai trẻ nhận thầu sân bóng nhân tạo Hang Khào tại thị trấn Na Hang, hiện doanh thu từ hoạt động cho thuê sân khá ổn định, dự tính, cuối năm nay, anh Biên sẽ thuê thêm một phần đất nông nghiệp của bà con trong thôn, cải tạo để ứng dụng làm nông nghiệp sạch nâng cao thu nhập.
Anh Nguyễn Khắc Biên, thôn Yên Trung, xã Thanh Tương (Na Hang) chăm sóc cây bưởi của gia đình.
Nằm tận thôn Bản Bung, cách trung tâm xã Thanh Tương gần 8 km, căn nhà sàn mới khang trang có tên homestay Bản Bung của gia đình chị Triệu Thị Nhi được cải tạo bằng tiền đi xuất khẩu lao động. Chị Nhi chia sẻ, năm 2022, sau khi được tư vấn việc làm về nghề chế biến thực phẩm ở Nhật Bản, chị mạnh dạn xin ý kiến gia đình và quyết định đi xuất khẩu lao động. Sau khi sang lao động, mức lương mỗi tháng khoảng hơn 30 triệu đồng đã giúp chị vừa bảo đảm chi tiêu vừa tiết kiệm để có chút vốn.
Đầu năm 2023, trong một lần về thăm nhà chị và gia đình quyết định cải tạo căn nhà sàn đang ở thành homestay đầu tiên của Bản Bung. Những ngày đầu năm nay, lượng khách du lịch đến lưu trú khá đông, chị cho biết: Dự định hết năm 2024, chị sẽ hoàn thành hợp đồng lao động và khi trở về chị sẽ tập trung làm các sản phẩm thực phẩm đặc sản, giúp quảng bá du lịch tại quê hương.
Từ năm 2021 đến nay, xã Thanh Tương đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Na Hang tổ chức tư vấn cho hơn 1.000 người có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Riêng trong 3 năm trở lại đây trên địa bàn xã có khoảng trên 30 người đi xuất khẩu lao động, nhiều tấm gương đi xuất khẩu lao động đã vươn lên thành hộ khá, giàu như anh Nông Văn Thuy, thôn Nà Mạ đi lao động Nhật Bản hiện đã có nhà ở khang trang; chị Nông Thị Mụi, thôn Đon Tâu đi xuất khẩu Đài Loan với mô hình kinh tế VACR; chị Trương Thị Phương, thôn Nà Mạ đi lao động tại Đài Loan với mô hình kinh tế dịch vụ vận tải…
Đồng chí Nông Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân trong xã có điều kiện làm việc, có thu nhập, góp phần nâng cao đời sống, UBND xã chủ động phối hợp với các công ty tuyển dụng tổ chức các đợt học hỏi kinh nghiệm, tư vấn trực tiếp để giúp người lao động biết cách chọn lựa các công việc phù hợp với sở trường, năng lực và tránh được những rủi ro, bất trắc.
Xã nông thôn mới Thanh Tương đã thay da đổi thịt, khắp các ngả đường, hẻm ngõ nhiều căn nhà mới khang trang mọc lên bừng sáng cả một vùng quê. Xuất khẩu lao động không chỉ giải quyết phần nào tình trạng thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn, mà còn mang lại những giá trị tích cực trong đào tạo nghề, đa dạng ngành nghề khi quay lại quê hương để làm kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết