Địa danh Sa Huỳnh là phạm trù danh xưng văn hóa dân gian dùng để chỉ một vùng đất có cửa biển Sa Huỳnh. Vùng lõi trung tâm là thương cảng Sa Huỳnh có truyền thống giao thương hàng hải từ lâu đời, bao quanh là làng biển kéo dài từ phía bắc đầm An Khê (Phổ Khánh) đến phía nam là Châu Me, Tấn Lộc kéo dài giáp với Bồng Sơn (Bình Định). Nổi bật ở đây là dải cồn cát vàng chạy dài ven biển theo hướng bắc nam, có các di chỉ khảo cổ cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Champa. Nguồn gốc danh xưng Sa Huỳnh có thể bắt nguồn từ thời văn hóa Champa.
Đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ người Pháp như M.Vinet, M.Colani, O.Jansee, J.Maleret, J.Labarre đến khảo sát phát hiện, khai quật các khu mộ chum của cư dân tiền sử. Năm 1909, M.Vinet đã phát hiện và thông báo trong Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (B.E.F.E.O) về một kho chum tìm thấy ở Sa Huỳnh, khoảng 200 chiếc bên trong chứa những chiếc nồi, bình bằng gốm và những đồ trang sức bằng đá quý, thuỷ tinh.
Năm 1923, bà La Barre khai quật tại Phú Khương, Thạnh Đức và H.Parmentier chỉnh lý và công bố trên B.E.F.E.O, định danh là “kho chum Sa Huỳnh" (Dépôts de jarres à Sahuynh). Năm 1934, bà M.Colani đã đến khảo sát và khai quật 55 chum ở Thạnh Đức, 187 chum ở Phú Khương, Phú Lu, Đồng Phú (Sa Huỳnh - Quảng Ngãi), Tăng Long (Bình Định). Kết quả khai quật được bà nghiên cứu và công bố rải rác trong hội nghị Tiền sử Viễn Đông, họp tại Manila (Philippin) năm 1935 và đăng trong Tập san của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp.
Năm 1936, trong bài viết "Ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình", nhân phát hiện mộ chum ở Cổ Giang và Cương Hà đăng trên tạp chí "Những người bạn Huế xưa", bà M.Colani lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Văn hóa Sa Huỳnh". Bà viết như sau: "Bằng vào các tóm tắt và các mô tả trên, người ta thấy rằng nền văn hóa cạnh Đồng Hới này có những điểm gần gũi với văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn".
Như vậy, thuật ngữ Văn hóa Sa Huỳnh mà bà M.Colani đề xuất nhằm để chỉ dạng văn hóa vật chất của cư dân tiền sử với đặc trưng táng tục mộ chum chôn thành các nghĩa địa lớn được khai quật ở vùng đất Sa Huỳnh (nay thuộc phường Phồ Thạnh, TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Hiện nay, có 3 di tích khảo cổ quan trọng là Long Thạnh (phường Phổ Thạnh), Phú Khương (xã Phổ Khánh), Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh) cùng phân bố trên dải cồn cát ven biển chạy theo hướng bắc nam, phía đông là Biển Đông, phía tây là dải Trường Sơn hùng vĩ.
Tại Quảng Ngãi, bắt đầu từ năm 1977, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khảo sát phát hiện, khai quật di chỉ cư trú ở ngay tại Sa Huỳnh. Đó là địa điểm khảo cổ Long Thạnh, nằm ở phía đông bờ đầm An Khê. Điểm di tích còn có tên gọi là gò Ma Vương.
Tại đây, vào tháng 4/1977, Nguyễn Thành Trai, Trịnh Dương và Đỗ Đình Truật (Viện Khảo cổ), đã khảo sát và đào thám sát một hố 6m x 4m = 24m2, tầng văn hóa hố thám sát cho thấy có hai lớp cư trú sớm - muộn. Theo những người thám sát, từ độ sâu 0m đến 1,37m là lớp cư trú muộn, từ 1,78m đến 2m là lớp cư trú sớm, hai lớp cư trú ngăn cách với nhau bởi lớp cát vô sinh dày 0,41m. Từ phát hiện này đã đem lại thông tin mới về một giai đoạn sớm của Văn hoá Sa Huỳnh gây xôn xao giới khoa học.
Nhiều bí ấn tiếp tục được khám phá
Đến tháng 5/1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật 2 hố đào, với diện tích 300m2. Hố thứ nhất nằm ở phía nam gò, hố thứ hai nằm ở phía bắc gò, trong một cuộc khai quật này đã phát hiện 3 mộ chum ở hố hai và một mộ chum ở hố một. Những người khai quật đã ghi nhận tầng cuối cùng ở độ sâu 1,80m của hố một chứa một số mảnh gốm, di cốt động vật, vỏ sò ốc, than tro nên khó xác định đây là nơi tạm cư hay là cư trú lâu dài của chủ nhân di tích này.
Năm 1978, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật Long Thạnh ở hai hố đào có diện tích 150m2 tìm thấy khu cư trú có tầng văn hoá dày trên 2m và một khu mộ táng với 16 mộ chum gốm. Kết quả khai quật năm 1978 phát hiện lớp cư trú giai đoạn sớm của Văn hóa Sa Huỳnh, hay còn gọi là tiền Sa Huỳnh Long Thạnh, với một số nhận định khoa học sau:
Tầng văn hóa dày và rõ ràng, thể hiện sự cư trú lâu dài của chủ nhân di tích. Giữa 2 tầng văn hóa tồn tại lớp cát vô sinh ngăn cách dày khoảng 30 – 40cm, phản ánh chủ nhân di tích này chuyển cư dân đi đâu đó thột thời gian, sau đó về cư trú lại, sự cư trú này đã phá hỏng một số mộ chum đã chôn trước đó. Đặc trưng về gốm trong tầng văn hóa có sự phát triển ổn định, đồng nhất, có nhiều loại hình đồ gốm đặc trưng cho giai đoạn sớm sơ kỳ đồng thau, là cơ sở về loại hình, kiểu dáng tồn tại và phát triển trong giai đoạn sắt sơ kỳ.
Mộ táng chum gốm chôn theo từng cụm, với sự so sánh về tài liệu dân tộc học, người ta nhận thấy đều đó phản ánh quan hệ thân tộc trong đời sống của cư dân cổ Sa Huỳnh. Nơi ở và khu mộ táng không tách biệt nhau, mà tồn tại trên một địa điểm, một chu vi. Mộ chum ở đây có hình trứng và hình cầu thuộc giai đoạn sớm, văn thừng trang trí toàn thân, nắp đậy chum là những bát bồng lớn có chân để trang trí văn chắc vạch và in răng sò khá đẹp.
Bộ sưu tập hiện vật tại Long Thạnh có mang yếu tố giao lưu với các di tích sớm trong thời đại kim khí, như Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Tràng Kênh... Về niên đại tương đối của di tích Long Thạnh ở vào giai đoạn hậu kỳ đá mới sơ kỳ đồng thau. Niên đại tuyệt đối qua mẫu C14 (độ sâu 1,4m) có niên đại là 3070 ± 40 năm cách ngày nay. Qua niên đại Long Thạnh cho thấy, đây là di tích mang đặc trưng giai đoạn sớm, đại diện cho một giai đoạn văn hóa sơ kỳ đồng thau tiến lên giai đoạn sơ kỳ sắt của Văn hóa Sa Huỳnh.
Làm sáng tỏ những nhận định trước đây
Tháng 5/1994, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hợp tác với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trở lại đào 2 hố thám sát tại Gò Ma Vương (Long Thạnh). Hố thám sát 1 đã xác định tầng văn hóa của khu cư trú dày 0,90m đến 1,10m. Tại hố đào này đã phát hiện được tầng vô sinh ngăn cách giữ 2 lớp văn hóa dày từ 0,16m đến 0,20m. Gốm trong hố đào là những mảnh vỡ của dụng cụ sinh hoạt: nồi, bát, bình... đặc trưng văn hóa về loại hình, hoa văn diễn biến từ sớm đến muộn.
Ngoài ra, trong hố thám sát 1 phát hiện trong tầng cư trú 1 lưỡi cuốc đá bị vỡ còn phần thân lưỡi và con dấu tròn, bề mặt khắc rãnh vòng, đường kính 2 cm. Con dấu này tìm thấy khá phổ biến ở văn hóa Hoa Lộc. Hố thám sát 2 phát hiện một chum gốm nằm sâu 0,4m (từ mặt đất đến miệng chum), chum có dạng hình trứng, có nắp đậy bát bồng lớn, thân chum trang trí văn thừng, đồ tùy táng trong chum gồm: 4 bình lọ hoa gốm hình con tiện, một lưỡi câu hình thang và 1 vòng trang sức bằng đá.
Đầm An Khê (TX.Đức Phổ) là một trong 6 địa điểm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Đầm An Khê (TX.Đức Phổ) là một trong 6 địa điểm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim NgânNăm 1994, Phạm Đức Mạnh ở Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cùng A. Reinecke phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trở lại đào thám sát văn hóa Sa Huỳnh tại Gò Ma Vương. Cuộc đào thám sát này đã bổ sung nhận định trước đây là mộ táng và nơi cư trú liền nhau.
Năm 2010, thực hiện dự án Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, ông Đoàn Ngọc Khôi phụ trách thăm dò khu vực di tích Long Thạnh nhằm xác định vị trí khu mộ táng và khu cư trú của di tích để xây dựng bảo tàng ngoài trời. Kết quả thăm dò xác định 2 vị trí cư trú và mộ táng để tôn tạo, về nhận thức diễn biến tầng văn hóa Long Thạnh cũng giống như các đợt khai quật trước đó, hiện vật thu được là bôn đá hình răng trâu, sinh thực khí nam.
Nơi xác lập tên gọi Văn hóa Sa Huỳnh
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh là nơi phát hiện đầu tiên và xác lập tên gọi Văn hóa Sa Huỳnh, được các nhà khảo cổ học khai quật nghiên cứu trong suốt thế kỷ 20. Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí có táng thức cơ bản là mộ chum, không gian phân bố rộng, từ phía bắc Quảng Bình vào đến phía nam Bình Thuận; từ triền Đông Trường Sơn liền với Tây Nguyên vươn ra các đảo gần bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Bình Ba, Phú Quý, Thổ Chu...
Tuy nhiên, vùng lõi trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh vẫn là Quảng Ngãi, Quảng Nam và bắc Bình Định. Trong đó, quần thể di tích Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức giữ vai trò trung tâm, là nơi phát hiện đầu tiên về Văn hóa Sa Huỳnh và lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa này.
Di chỉ cư trú Long Thạnh Văn hóa Sa Huỳnh qua địa tầng đã đưa ra bằng chứng khoa học xác thực để khẳng định tính bản địa của Văn hóa Sa Huỳnh. Đây là dòng chảy văn hóa tiền Sa Huỳnh phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt, từ đó khẳng định tính bản địa của Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ được hình thành, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam; là cơ sở khoa học quan trọng để bác bỏ lý thuyết du nhập văn hóa hay trôi dạt văn hóa của các nhà khảo cổ học Phương Tây trước đây khi nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh.
Giao lưu với các trung tâm văn hóa khác
Từ các di tích Văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh, qua nghiên cứu đã đem lại nhận thức về quan hệ giao lưu văn hóa rộng mở của trung tâm Sa Huỳnh với các trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á trong thời đại kim khí.
Trong giai đoạn tiền Sa Huỳnh Long Thạnh, bộ sưu tập hiện vật tại Long Thạnh có mang yếu tố giao lưu với các nơi khác. Cụ thể là, về công cụ cuốc đá dạng lưỡi mèo là công cụ đặc trưng của cư dân nơi đây, giống với loại hình cuốc giai đoạn sớm của di tích Hoa Lộc (Thanh Hóa), Mỹ Tường (Thuận Hải). Rìu đá có vài kiểu “răng trâu” gặp nhiều ở di tích Bàu Tró (Quảng Bình). Rìu đá hình tam giác đốc hẹp là loại rìu phổ biến ở các di tích lưu vực sông Đồng Nai. Rìu hình thang cỡ nhỏ giống rìu của văn hóa Phùng Nguyên. Bàn mài để mài mặt trong của vòng trang sức tương đồng với bàn mài cùng loại ở địa điểm Tràng Kênh (Hải Phòng). Con lăn dùng in hoa văn giống con lăn di tích Hoa Lộc. Lưỡi câu xương ở đây khác với lưỡi câu An Sơn (Đồng Nai) được dũa cong không tạo móc. Dọi xe chỉ khá độc đáo, hình lõi ống chỉ chưa thấy ở các địa điểm khác.
Đồ đựng bằng gốm có nhiều loại hình phong phú, độc đáo. Đó là những chum hình trứng khá lớn, trang trí văn thừng thô, những bát bồng đủ cỡ, dáng đẹp miệng loe rộng, trên thân trang trí văn in răng sò, những chiếc nồi trang trí văn vạch toàn thân. Đặc biệt, những bình gốm hình dáng cân xứng, miệng loe, bụng phình, cổ eo chân có đế, trên thân phủ đầy hoa văn trang trí được tô chì. Đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc trưng của chủ nhân Sa Huỳnh. Ngoài ra, trong sưu tập đồ gốm Long Thạnh còn có bộ sinh lực khí nam gồm 2 chiếc, sinh thực khí nữ 1 chiếc hết sức độc đáo không tìm thấy ở các di tích khác.
Về đồ trang sức Long Thạnh gồm khuyên tai, vòng tay chế tác từ đá nephrit được gia công, trau chuốt công phu. Những chiếc vòng tai dẹt hình vành khăn khá phổ biến ở các lớp di tích Phùng Nguyên muộn và những ống chuỗi xâu đeo cổ, tay phổ biến ở các cư dân cổ Đông Nam Á, những vòng tai đá mấu khắc đuôi cá Long Thạnh hiện nay những dân tộc ít người Philippin vẫn dùng. Đồ trang sức là một trong những đặc trưng phản ánh tính cộng đồng tộc người, là một chỉ số dân tộc học quan trọng để xác định văn hóa trong khảo cổ học. Đồ trang sức Long Thạnh vừa biểu hiện nét chung ở cộng đồng dân tộc vùng Đông Nam Á, vừa biểu hiện nét riêng tính chất tộc người của chủ nhân, dấu ấn tính chất biểu hiện đậm nét trong loại hình khuyên tai có mấu đuôi cá.
Giai đoạn Sa Huỳnh Phú Khương và Thạnh Đức. Đây là các di tích được phát hiện, khai quật và nghiên cứu từ rất sớm được công bố bởi các học giả H.Parmentier, M.Colani, O.Janse, L.Malleret .... Trên cơ sở phân tích về loại hình chum táng và đồ gốm Sa Huỳnh, O.Janse đưa ra khái niệm "Phức hợp Sa Huỳnh" (Sa Huynh Complex). Từ đó, xác lập quan hệ giao lưu của Văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa thời tiền sử ở khu vực Đông Nam Á hải đảo. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện các hiện vật đặc trưng của Văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai 3 mấu Sa Huỳnh (O-lingling) có mặt ở vùng Đông Nam Á hải đảo, khuyên tai hai đầu thú Sa Huỳnh có mặt ở văn hóa Đông Sơn (Việt Nam), Bản Chiềng, Non Nok Tha (Thái Lan)...
Giá trị thẩm mỹ cao và đa dạng
Bộ sưu tập di vật Văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh đạt trình độ thẩm mỹ cao, phong phú đa dạng, trong đó bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Bộ sưu tập di vật tiền Sa Huỳnh Long Thạnh bao gồm nhiều loại hình đa dạng. Đó là bộ sưu tập đồ trang sức chế tác từ đá quý nephrit, như vòng ống chuỗi hình đốt trúc, vòng tay khắc hình đuôi cá, khuyên tai hình vành khăn bản dẹt. Bộ sưu tập bình gốm hình lọ hoa có dáng miệng nở, cổ eo, bụng phình, chân đế thấp, trên thân trang trí đồ án hoa văn sóng biển, chữ S nằm ngang, phối hợp trang trí tô đỏ và tô ánh chì graphit. Bộ sưu tập nồi minh khí từ lớn đến bé; dạng chum hình trứng có nắp đậy hình lồng bàn úp được tạo dáng và trang trí đẹp, tinh tế.
Bộ sưu tập đồ trang sức Sa Huỳnh sơ kỳ sắt Thạnh Đức, Phú Khương với loại khuyên tai 3 mấu chế tác từ đá nephrit, thủy tinh, hạt chuỗi mã não, ống chuỗi nephrit. Bộ sưu tập đồ gốm đặc trưng với loại đèn gốm Sa Huỳnh cùng các loại đồ đựng khác như nồi, bình, vò, bát bồng mà W.G.SolheimII đã tìm thấy quan hệ giao lưu về kỹ thuật và loại hình với gốm Kalanay (Philippin).
Như vậy, từ Long Thạnh hay giai đoạn Long Thạnh sơ kỳ đồng thau tiền Sa Huỳnh phát triển lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt, tiến trình này các nhà khảo cổ học Việt Nam gọi là “Con đường Sa Huỳnh” đã mang lại khối lượng di tích, di vật vô cùng đồ sộ, đem lại nhiều thông tin tư liệu hết sức có giá trị, ý nghĩa trong nghiên cứu Văn hoá Sa Huỳnh. Thông qua các di tích tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh được phát hiện và nghiên cứu, các nhà khảo cổ Việt Nam chứng minh rằng, Văn hoá Sa Huỳnh từ nguồn gốc đa tuyến, đó là tuyến Tây Nguyên tràn xuống duyên hải miền Trung vào khoảng cuối hậu kỳ đá mới gặp gỡ với tuyến Bàu Tró và các tuyến văn hóa khác để tạo nên Văn hoá Sa Huỳnh.
1. Địa điểm di tích Long Thạnh
Di tích Long Thạnh còn gọi là Gò Ma Vương, thuộc thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia năm 1997; phía đông giáp biển, phía tây giáp đầm An Khê, phía bắc giáp ranh giới thôn Phú Khương, phía nam giáp núi Yàng của tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh...
2. Địa điểm di tích Phú Khương
Di tích này thuộc thôn Phú Long, xã Phổ Khanh. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia năm 1997; phía Đông giáp biển, phía tây giáp đầm An Khê, phía nam giáp tổ dân phố Long Thạnh, phía bắc giáp ranh giới thôn Phú Long, xã Phổ Khánh...
3. Địa điểm di tích Thạnh Đức
Nằm ở tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh. Đây là nơi M.Vinet phát hiện đầu tiên khu mộ chum 200 chiếc vào năm 1909, đánh dấu mốc là năm phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh. Đến năm 1934, bà M.Colani khai quật và công bố trên các hội thảo, tạp chí. Năm 1936, M.Colani đưa ra thuật ngữ Văn hóa Sa Huỳnh trong bài báo khoa học với ghi chú tiền sơ sử Quảng Bình trong tạp chí “Những người bạn Huế xưa” năm 1936. Di tích Thạnh Đức phía đông giáp biển Vũng Bàng, phía tây giáp khu dân cư tổ dân phố Thạnh Đức, phía nam giáp núi Trảng Bàng, tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh...
4. Địa điểm quần thể di tích Champa
Trong không gian Sa Huỳnh bao gồm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, Cầu Đá, miếu Champa (miếu Thổ Chủ), bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Champa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ. Các di tích văn hóa Champa trong không gian Sa Huỳnh được xem là sự tiếp nối truyền thống cư trú, cảnh quan sinh thái nhân văn từ Sa Huỳnh – Champa, sau này là Đại Việt trong một môi trường sống: Biển Đông – Đầm (hồ nước ngọt) An Khê – Đồng muối Tân Diêm – cửa biển vũng vịnh Sa Huỳnh – Rừng Trường Sơn...
5. Địa điểm Đầm An Khê
Đây là đầm nước ngọt sát biển lớn nhất Việt Nam, đầm ở phía đông nam tỉnh Quảng Ngãi, cách TP.Quảng Ngãi khoảng 55km. Đầm An Khê thuộc xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ, phía tây giáp Quốc lộ 1 và một phần đất sản xuất nông nghiệp thuộc thôn Diên Trường; phía đông giáp với dãy rừng phòng hộ ven biển, có lạch thoát nước chạy về phía bắc và đổ ra biển, phía bắc giáp thôn Diên Trường và thôn Phú Long, xã Phổ Khánh; phía nam giáp tổ dân phố Long Thạnh 1 và Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh. Theo số liệu đo đạc năm 2015, đầm An Khê có diện tích tự nhiên 347,6ha; là hồ nước nửa kín nửa hở, chiều sâu mực nước trong đầm từ 0,5m đến 4m...
6. Địa điểm Lạch An Khê – sông Cửa Lỗ
Lạch An Khê còn gọi là sông cửa Lỗ nối thông từ đầm An Khê để chảy ra cửa biển. Đoạn sông này có diện tích 58,5 ha, cửa sông ra biển là Cửa Lỗ, cửa này hầu như đóng kín quanh năm, chiều rộng của cửa biển là 200m. Vào mùa mưa lũ nước trong đầm dâng cao hơn so với mùa kiệt nước khoảng 1m, gây ngập phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nhà dân sống ven đầm thuộc thôn Phú Long, lúc này người dân sống ven đầm khơi thông cửa đầm cho nước thoát ra biển...
Năm 1939, khi O. Janse đến khảo sát khai quật Sa Huỳnh, ông mô tả như sau “Sa Huỳnh là một làng chài có bến nước tự nhiên rất an toàn, ở đó có những dãy núi xanh vươn ra biển, hai bên bờ cát đẹp tuyệt vời. Ngôi làng với bãi cát dọc bờ biển này được bao bọc bởi một cánh đồng lúa trải dài về phía những dãy núi cao gần đó, dải núi Trường Sơn”. Nghĩa là, địa hình vùng phân bố di tích Sa Huỳnh là núi lan ra biển, dải cát vàng chạy dài thoai thoải theo hướng bắc nam, từ Phú Khương cho đến Thạnh Đức đã ngăn cách biển và khu đầm nước ngọt An Khê, hoặc nước mặn Tân Diêm ở phía bên trong. Đây là cảnh quan cư trú của người Sa Huỳnh, ngoài giá trị di tích khảo cổ, vẻ đẹp của thắng cảnh Sa Huỳnh đã thu hút các nhà khảo cổ học Phương Tây.
Hàng nghìn năm qua, dải cồn cát Sa Huỳnh, nơi chứa đựng các di tích khảo cổ học mang tầm quốc tế và khu vực vẫn giữ nguyên vẹn vẻ nguyên sơ, chưa có những tác động xâm hại. Trên dải cồn cát Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức là rừng cây phi lao phòng hộ chắn gió cát ven biển, phía trong là đầm nước ngọt An Khê có diện tích khoảng 100 ngàn hecta, là nguồn nước ngọt phong phú cùng các loại thủy sản cung cấp cho cuộc sống của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh sống trên dải cồn cát ven bờ đầm.
Một góc đầm An Khê và bờ biển Sa Huỳnh. Ảnh Minh Thu
Một góc đầm An Khê và bờ biển Sa Huỳnh. Ảnh Minh ThuHiện nay, Bộ VH-TT&DL đầu tư dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực xóm Cát, tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, TX. Đức Phổ. Dự án gồm bảo tồn tại chỗ di tích và xây dựng nhà bảo tàng.
Dự án đã tôn tạo di tích Long Thạnh (gò Ma Vương) đã phục hồi hai hố khai quật năm 1978. Đó là hố số 8 và hố số 10 thuộc dự án (tức hố H1 và hố H2 do Viện Khảo cổ khai quật năm 1978), hố số 8 trưng bày nguyên trạng diễn biến tầng văn hóa Long Thạnh, hố số 10 là hố phục chế lại khu mộ chum khai quật của hố H2 năm 1978. Cả hai hố trưng bày ngoài trời đều có mái che và lối đi lại tham quan cho du khách. Dự án còn xây dựng bia di tích cho các di tích Văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có di tích Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức nhằm giới thiệu cho du khách tham quan biết đến di tích.
Về Nhà bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, dự án đã đầu tư xây dựng nhà bảo tàng có quy mô lớn, nằm bờ nam của đầm An Khê và nằm liền kề với di tích, bên trong nhà bảo tàng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tài liệu gồm ba phần: Lịch sử phát hiện, nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh, giới thiệu những nhà khoa học có công phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh và các di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam giới thiệu di tích, di vật, chủ nhân, niên đại và đặc trưng của Văn hóa Sa Huỳnh. Và mối quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh và các văn hóa ở khu vực Đông Nam Á.
Mối quan hệ giữa di tích và nhà bảo tàng trong một không gian liền cạnh nhau sẽ tăng thêm sức hấp dẫn của di tích đối với khách tham quan. Khu vực nhà bảo tàng và di tích văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với không gian đẹp bên đầm nước ngọt An Khê, tương lai được nối với đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ tạo điều kiện cho du khách đến tham quan di tích.
Hiện nay, đường đi đến di tích rất thuận lợi, có đường nối liền QL 1 vào Khu di tích Sa Huỳnh. Tương lai, sẽ hình thành tuyến du lịch tham quan trên đầm An Khê và Khu di tích Sa Huỳnh bằng phương tiện ghe xuồng, ca nô đi lại trên mặt đầm.
Bảo tồn và phát huy những tiềm năng của di tích
Đối với hai hố khai quật có nhà bao che tại di tích cần bổ sung hình ảnh các cuộc khai quật từ khi phát hiện văn hóa Sa Huỳnh cho đến nay. Hình ảnh cần trưng bày dọc theo vách của lối đi, giúp khách tham quan hiểu hơn về lịch sử và giá trị của di tích khảo cổ. Đối với hệ thống vách hố cần có chế độ phun keo bảo quản định kỳ để chống bong tróc nứt vỡ. Với nhà trưng bày, cần nâng cấp xây dựng quy mô hơn nữa, bổ sung thêm hiện vật qua các cuộc khai quật khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh. Tổ chức các cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ trên dải cồn cát Sa Huỳnh, nhằm phát hiện các điểm di tích mộ chum, cư trú, tiến hành khai quật bảo tồn tại chỗ, nhằm tăng giá trị xác thực cho di tích.
Bảo tồn nguyên vẹn không gian hoang sơ của dải cồn cát Sa Huỳnh cùng với các hoạt động sinh sống của cư dân. Nghiên cứu kỹ để tránh đưa ra các kiến trúc hiện đại không phù hợp cảnh quan vào không gian di tích, dẫn đến phá hỏng môi trường sinh thái vốn có tồn tại từ lâu đời của di tích. Phát huy du lịch nghỉ dưỡng gắn với cộng đồng. Phát huy du lịch xanh với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ của không gian di tích Sa Huỳnh, bao gồm dải cát vàng, rừng phi lao, biển xanh với các mỏm núi đá tuyệt đẹp; đầm An Khê bình lặng như muôn đời vốn có; làng chài Long Thạnh, Phú Khương với những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng dưới rừng dừa xanh êm đềm... Nếu được bảo tồn nguyên vẹn sẽ tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Hiện nay, con đường du lịch văn hóa Sa Huỳnh nối liền Quốc lộ 1 đến Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh. Đây là điều kiện tốt để tăng lượng khách tham quan đến di tích, tham quan bảo tàng và tham quan đồi cát ven biển. Khi tuyến đường Dung Quất – Sa Huỳnh hoàn thành sẽ kết nối di tích với các điểm tham quan khác gần đó, từ đó tăng thêm lượng khách tham quan du lịch đến với di tích. Tăng cường quảng bá di tích trên các phương tiện truyền thông báo đài, mạng Internet, nhằm đưa di tích đến với công chúng, thu hút, hấp dẫn họ đến với di tích.
Phải có tầm nhìn chiến lược
Tiếp tục có những cuộc khai quật khảo cổ mới theo phương pháp mới tại Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh, nhằm bảo tồn tại chỗ các khu mộ táng, cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Bảo tồn nguyên vẹn con đường cổ đi lại của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Khai quật các đền tháp Champa, bảo tồn, phục dựng cầu đá, mương dẫn nước cổ, hệ thống giếng cổ. Cùng với đó là thành lập Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Sa Huỳnh tại Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh, nhằm quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh. Bởi lẽ, đây là Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh thuộc loại hình di tích khảo cổ.
Nâng cấp Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh nhằm đáp ứng trưng bày đầy đủ tài liệu, hiện vật theo nội dung đề cương trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đã được Bộ VH-TT&DL thẩm định và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt. Hướng đến hình thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh mang tầm khu vực quốc gia và quốc tế. Triển khai công tác cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích, nghiêm cấm mọi hoạt động xâm hại đến di tích bảo vệ nguyên trạng di chỉ di tích khảo cổ và cảnh quan bao quanh di tích.
Đầm An Khê đẹp như một bài thơ Đường vào buổi hoàng hôn khi mà những chiếc thuyền câu buông lưới trong không gian tĩnh lặng, phía tây ráng chiều, bóng núi soi xuống mặt đầm phẳng lặng, hiếm có nơi nào mà cảnh đẹp nên thơ như vậy. Đầm An Khê là điểm đến du lịch lý tưởng trong tương lai.
Tổ chức các sinh hoạt du thuyền, lễ hội, hoạt động thể thao trên đầm An Khê, gắn với tái hiện cảnh sinh hoạt cổ xưa của cư dân Sa Huỳnh, Champa. Tổ chức các hoạt động lễ hội bả trạo, sắc bùa, bài chòi xung quanh không gian Khi di tích văn hóa Sa Huỳnh. Ven theo bờ đầm An khê, tạo con đường đá sỏi dùng cho du khách tản bộ, đi xe đạp ngắm cảnh xung quanh đầm, tiếp cận cuộc sống nông chài của người dân địa phương.
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh cần tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, cùng với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường Di sản Văn hóa Sa Huỳnh” ở miền Trung Việt Nam. Trong không gian Sa Huỳnh, đầm nước ngọt An Khê, đồng muối Sa Huỳnh, Biển Đông với các mỏm núi, vũng vịnh tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp nguyên sơ hiếm có, đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Sa Huỳnh sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan nghiên cứu, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng.
Gửi phản hồi
In bài viết