Công tác tiêm chủng: Nhìn từ sự bùng phát dịch sởi

- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, trong những ngày qua, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi. Mục tiêu chung của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và không để tử vong do bệnh sởi.

Trên 80% số ca mắc sởi chưa tiêm và chưa tiêm đầy đủ vắc-xin sởi

Suốt 2 tuần nay, vợ chồng chị G.T.C, xã Yên Lâm (Hàm Yên) phải nghỉ làm phụ hồ để cùng chăm sóc con nhỏ Đ.V.T, 7 tuổi bị bệnh sởi. Chị C. cho biết: cách đây 2 tuần, bé bị sốt cao, ho, sổ mũi, chị C. mua thuốc cho uống nhưng không đỡ. Khi thấy sức khỏe con ngày càng nặng, phát ban khắp người vợ chồng chị lật đật đưa con đi khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi. Rất may, gia đình đưa cháu đi khám, được điều trị kịp thời nên hiện tại sức khỏe của cháu đã được ổn định, chị G.T.C. - nói. Khi được hỏi chị C, cháu Đ.V.T. con chị đã tiêm phòng sởi chưa, chị C. “vô tư” trả lời chưa, vì tiêm vắc xin về con hay quấy, sốt nên gia đình không đưa cháu đi tiêm.

Bé trai C.M.T, sinh năm 2020, xã Thượng Nông (Na Hang) phải nhập viện sau khi sốt cao, nổi ban đỏ khắp người. Đưa con đi khám bệnh, chị  H. mẹ của cháu bất ngờ khi được các bác sĩ cho biết con trai mình mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, khi được hỏi thì chị H. cho biết con trai chị đến nay đã được 5 tuổi, nhưng chị chưa cho cháu tiêm mũi vắc - xin sởi nào.

Lãnh đạo Sở Y tế giám sát công tác tiêm chủng tại trường Tiểu học Hữu Thổ, xã Đội Bình (Yên Sơn).

Ngoài bé C.M.T, hiện các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Na Hang đang điều trị cho 14 trẻ khác mắc bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Thế Phương, Phó Giám đốc, Phòng khám Đa khoa khu vực Yên Hoa (Na Hang) cho biết: Từ đầu tháng 3 đến nay, phòng khám tiếp nhận gần 60 trẻ mắc sởi. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhi này đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi. Một phần do chưa đến tuổi, con lại phần lớn phụ huynh chưa cho đi tiêm. “Những đối tượng này rất dễ gặp nguy hiểm khi bị sởi tấn công”, bác sĩ Phương nhận định.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 30-3, toàn tỉnh ghi nhận 172 ca mắc sởi (riêng trong tháng 3 ghi nhận 162 ca), trong đó huyện Na Hang ghi nhận 68 ca, Hàm Yên 57 ca, Yên Sơn 19 ca, thành phố Tuyên Quang 12 ca, Chiêm Hóa 9 ca, Lâm Bình 5 ca và Sơn Dương 2 ca. Qua điều tra dịch tễ, trong số 172 ca mắc thì có đến trên 80% ca mắc là chưa tiêm và chưa tiêm vắc xin đầy đủ. Đáng lưu ý là có 50% số ca mắc đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi nhưng chưa tiêm mũi nào.

Tăng tốc tiêm phòng vắc - xin

Nhìn trên tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh, bác sĩ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Bác sĩ Tái cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp là nguyên nhân bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin quay trở lại. “Khi tiêm phòng không đúng, không đủ thì chỉ cần một vài ca bệnh thì nguy cơ sẽ lây lan thành dịch.

Virus sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng như trẻ em chưa đủ tháng để tiêm, những người không thể tiêm phòng như trẻ bị bệnh tim, trẻ mắc bệnh mạn tính… Để phòng ngừa nguy cơ bệnh sởi bùng phát thành dịch thì cần khẩn trương tiêm bù nhanh nhất có thể”, bác sĩ Tái nói.

Bác sĩ Phòng khám Đa khoa khu vực Yên Hoa (Na Hang) thăm khám bệnh nhân mắc sởi.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành Y tế đang khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi. Mục tiêu cụ thể của chiến dịch phấn đấu có 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi 
vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin chứa thành phần sởi và đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định.

Đối tượng trong chiến dịch lần này gồm: Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi. Trẻ từ 6 đến 10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi. Trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi thì được tiêm bù mũi.

Theo rà soát, toàn tỉnh có 12.375 trẻ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi tiêm phòng đợt này, trong đó huyện Sơn Dương có 2.870 trẻ, Yên Sơn 2.498, Hàm Yên 1.916 trẻ, thành phố Tuyên Quang 1.635 trẻ, Chiêm Hóa 1.559 trẻ, Lâm Bình 1.109 trẻ và huyện Na Hang 788 trẻ.

Quyết liệt chiến dịch tiêm chủng

Không riêng bệnh sởi, để phòng chống nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, hằng năm ngành Y tế tỉnh triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng các bệnh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản, lao, viêm gan B, tả, thương hàn... Nhờ đó, tỷ lệ mắc do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm rõ rệt. Được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định của Bộ Y tế sẽ góp phần lớn vào việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ nhỏ được tiêm chủng đúng lịch thì đáp ứng miễn dịch tốt nhất. 

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống bệnh sởi, lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận kết quả phòng, chống sởi ở Tuyên Quang chưa đạt như mong muốn, còn một số tồn tại và xác định rõ nguy cơ dịch sởi bùng phát là do tỷ lệ tiêm chủng thấp; đồng thời, xác định chỉ có tiêm chủng mới ngăn ngừa, không để bùng phát thành dịch.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương kiểm tra vắc-xin sởi trước khi phân bổ đi các xã, thị trấn.

Để ngăn chặn dịch sởi bùng phát, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch sởi, trong đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng vắc-xin sởi, sởi - Rubella. Sở Y tế đã ban hành các Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng sởi cho trẻ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi thuộc phạm vi tiêm chiến dịch.

Ngoài việc cung cấp đủ vắc-xin và các vật tư cần thiết cho các đơn vị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng chống bệnh sởi và tiêm chủng mở rộng, tiêm chiến dịch trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có số ca mắc tăng. Đơn vị đã cử nhiều lượt đoàn công tác đến các điểm nóng của dịch bệnh sởi để giám sát, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc và trực tiếp hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch và triển khai tiêm chủng vắc-xin.

Tại huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường truyền thông, vận động người dân có con em trong độ tuổi đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Bác sĩ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 19 ca mắc sởi. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi, tại các trạm y tế xã, nhân viên y tế trạm thông tin bằng nhiều hình thức như kích hoạt tin nhắn, thông tin trên nhóm zalo, thông tin trực tiếp... đến các gia đình có trẻ trong độ tuổi đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Theo thống kê, toàn huyện có 2.188 trẻ là đối tượng tiêm trong đợt này. Tính đến hết ngày 31-3 (kết thúc chiến dịch) toàn huyện có 2.158 trẻ được tiêm vắc xin trong chiến dịch, đạt 98,6% kế hoạch.

Tại xã Bình An (Lâm Bình) trong đợt triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi toàn xã có trên 196 trẻ trong độ tuổi. Trước khi chiến dịch diễn ra, nhân viên y tế tổ chức tuyên truyền, vận động đến các hộ gia đình, tuyên truyền diễn biến phức tạp và các biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi giúp người dân nâng cao ý thức về bệnh và chủ động cho con em đi tiêm chủng đầy đủ. Bác sĩ Nguyễn Thị Thơ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình An cho biết: “Chúng tôi tổ chức tiêm tại trạm cho các thôn lân cận và một số trường học gần trạm và tổ chức điểm tiêm chủng tại điểm trường cho các thôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn xã. Kết thúc chiến dịch  tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi của toàn xã đạt 96,8%”.

Qua tuyên truyền, nhiều người dân ở xã Bình An đã chủ động đưa con em đến tiêm chủng. Chị Chẩu Thị Hiến, thôn Chẩu Quân, xã Bình An chia sẻ: “Nghe cán bộ thông báo nên hôm nay tôi đưa con đến tiêm chủng để phòng bệnh sởi. Không chỉ tôi mà nhiều người dân trong làng cũng đưa con em tới tiêm”.

Với quyết tâm: Tiêm đúng, tiêm đủ và kịp thời, sau 7 ngày ra quân thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ (từ ngày 25 đến 31-3), toàn tỉnh có hơn 11 nghìn trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi được tiêm vắc-xin, đạt tỷ lệ 95,8%.

Minh Hoa


Đồng chí Nguyễn Trọng Đoan
Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Công tác tiêm chủng trên địa bàn huyện đã được thực hiện nghiêm túc, 95% trẻ đã được tiêm vắc - xin sởi theo quy định, thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, các xã, thị trấn đã tập trung rà soát, lập danh sách chính xác, không bỏ sót đối tượng. Trung tâm Y tế huyện phối hợp chặt chẽ với các Trạm Y tế trong hướng dẫn, kiểm tra hệ thống tiêm chủng điện tử.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, đảm bảo cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm và báo cáo kịp thời. Huyện sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra trước, trong và sau triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo tiêm chủng đúng quy định.


Bác sỹ Nguyễn Thanh Loan
Thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh

Hằng năm, tỉnh Tuyên Quang được phân bổ 11 loại vắc-xin trong Chương trình TCMR. Từ tháng 1-2025, tỉnh được bổ sung thêm vắc-xin phòng tiêu chảy Rota virus, nâng tổng vắc-xin trong Chương trình TCMR là 12 loại. Sau khoảng thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19 cũng như một số thời điểm thiếu vắc-xin sau đại dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng Trung tâm y tế các huyện, thành phố đã thực hiện tiêm bù, tiêm vét ngay khi vắc-xin được cung ứng đủ. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh luôn đạt chỉ tiêu, trong nhiều năm trên địa bàn không xuất hiện các bệnh đã được vắc-xin bảo vệ như ho gà, bạch hầu, bại liệt, uốn ván sơ sinh. 


Bác sỹ Nguyễn Văn Dương
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Yên (Lâm Bình)

Khó khăn trong việc tuyên truyền cho người dân

Là địa phương có số dân hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, quá trình tuyên truyền cho người dân hiểu rõ yêu cầu cấp thiết trong việc tiêm chủng đối với trẻ em trong độ tuổi còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó chủ yếu vẫn là nhận thức của người dân. Để phủ rộng diện tiêm phòng cho trẻ em trên địa bàn xã, Trung tâm Y tế xã đang tích cực phối hợp với trưởng thôn và giáo viên ở các nhà trường trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người dân theo dõi lịch tiêm chủng, cho con em tiêm đầy đủ, đúng lịch, đủ liều và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.


Anh Hoàng Văn Dế
Dân tộc Mông, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên)

Không chủ quan với dịch bệnh

Vừa qua trên địa bàn xã có một số trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Qua phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền của cán bộ Trạm Y tế xã, vợ chồng tôi đều hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh sởi. Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh sởi chủ yếu là do trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc - xin.

Không chủ quan với bệnh sởi, gia đình tôi đã đưa các con đi tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời, luôn quan tâm, chăm sóc về dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho các con. Vợ chồng tôi cũng chủ động làm tốt việc vệ sinh cá nhân, theo dõi, kiểm tra sức khỏe con mỗi ngày. Trường hợp nếu các con có biểu hiện sốt, ho, phát ban… vợ chồng tôi sẽ sớm đưa đi khám, điều trị kịp thời.

Tin cùng chuyên mục