Cung điện Hoàng gia Kyoto là một biểu tượng cho sự thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Nhật Bản.
Người dân Nhật Bản vẫn nói rằng, để hiểu về truyền thống của đất nước Mặt trời mọc, hãy đến cố đô Kyoto, nơi vẫn được xem là vùng đất ẩn chứa chiều sâu văn hóa, là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa. Tại Kyoto không có các tòa nhà chọc trời, công trình hiện đại. Bù lại, cố đô còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Trong hơn một thiên niên kỷ, Kyoto là nơi cư ngụ của Thiên hoàng và là trung tâm văn hóa, tôn giáo, chính trị của Nhật Bản, bắt đầu từ thời Heian (794 - 1185) kéo dài đến các thời Kamakura (1192 - 1333), Muromachi (1336 - 1573), Azuchi-Momoyama (1573 - 1603) và Edo (1603 - 1868). Vậy nên trong hơn 1.000 năm này, lịch sử Kyoto chính là lịch sử của Nhật Bản.
Cung điện Hoàng gia Kyoto, còn được gọi là Kyoto Gosho, từng là nơi ở của Hoàng gia Nhật Bản cho đến khi kinh đô được dời đến Tokyo dưới thời Minh Trị Duy Tân. Trong thời kỳ đầu, cung điện được xây dựng chủ yếu theo phong cách ảnh hưởng của nhà Đường (Trung Quốc) với mái ngói và các cột trụ đầy màu sắc, song vẫn duy trì các nét kiến trúc Nhật Bản cổ xưa như mái nhà bằng vỏ cây bách và kết cấu gỗ đơn giản. Do sử dụng nhiều vật liệu bằng gỗ, Cung điện Hoàng gia Kyoto đã nhiều lần bị hỏa hoạn, buộc phải sửa chữa. Trong quá trình này, khuôn viên hoàng cung cũng được mở rộng và phiên bản hiện tại được hoàn thành năm 1855, phần lớn theo kiến trúc thời kỳ Kansei (1789 - 1801). Ngay từ thời điểm đó, người đứng đầu đất nước đã rất cẩn trọng trong quá trình tu bổ, giúp cung điện giữ được tính thẩm mỹ truyền thống và đảm bảo tuổi thọ.
Quần thể hoàng cung được bao bọc bởi tòa thành hình chữ nhật cao 2,5m, dài 1.300m, rộng 700m, trải dọc theo hướng bắc - nam, với 48 công trình gồm cung điện và lầu gác nguy nga, kết nối với nhau bởi hệ thống hành lang và các ngự viên lớn nhỏ. Trong khuôn viên của hoàng cung còn có vườn thượng uyển với nhiều ao hồ, cầu nối thơ mộng. Cung điện Kyoto luôn xanh tươi và rực rỡ suốt 4 mùa với hàng trăm loại cây như thông, hoa anh đào nở vào mùa xuân, hoa tử đằng vào đầu mùa hè và bạch quả vào mùa thu. Năm 1877, Thiên hoàng Minh Trị đã ra lệnh bảo tồn Hoàng cung Kyoto với nhiều đền đài và phục hồi các nghi lễ thời Heian như lễ hội Kasuga hay Kamo. Trong Thế chiến thứ II, một số tòa nhà đã bị dỡ bỏ để ngăn ngừa thiệt hại do hỏa hoạn từ các cuộc không kích; các công trình này sau đó đã được phục hồi.
Ngày nay, các nỗ lực bảo tồn được thực hiện sau quá trình nghiên cứu tỉ mỉ kết hợp với tay nghề khéo léo của các nghệ nhân làng nghề mộc và hội họa truyền thống nhằm đảm bảo cung điện luôn là đại diện cho di sản kiến trúc của Nhật Bản. Ngoài việc sửa chữa vật lý, nỗ lực bảo tồn cũng tập trung vào các khu vườn quanh cung điện để duy trì sự phản ánh hài hòa giữa cung điện và khung cảnh thiên nhiên. Các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tầm quan trọng của việc bảo tồn Cung điện Hoàng gia Kyoto. Thông qua các chương trình giáo dục, hội thảo và các chuyến tham quan có hướng dẫn, du khách được khuyến khích tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa văn hóa của di sản nhằm bồi đắp ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và gìn giữ báu vật quốc gia.
Bên cạnh công tác bảo tồn định kỳ Hoàng cung Kyoto, chính quyền Nhật Bản cũng ban hành nhiều đạo luật để cải thiện cảnh quan cố đô Kyoto để nâng cao giá trị di sản, thu hút du lịch. Kế hoạch tôn tạo cảnh quan được ban hành năm 2005 và sửa đổi năm 2007 dựa trên Đạo luật cảnh quan tập trung vào các mục đích đảm bảo sự hài hòa giữa văn hóa truyền thống trong thời đại mới.
Thành phố Kyoto chỉ định 38 khu vực cần bảo tồn và tạo ra cảnh quan phối cảnh. Các khu vực này được chia thành 3 loại (Không gian phối cảnh, Thiết kế góc nhìn tầm ngắn và Thiết kế góc nhìn tầm xa) tùy thuộc vào quy định và đặc điểm của từng địa điểm. Tại 38 khu vực bảo tồn, bất kỳ công trình xây dựng nào cũng cần được thị trưởng chấp thuận dựa trên những tiêu chí về chiều cao, hình dạng, thiết kế và màu sắc của các công trình nhằm tránh làm hỏng cảnh quan chung.
Chiều cao của các tòa nhà tại cố đô Kyoto được quy định theo chính sách cơ bản về kiểm soát chiều cao của thành phố. Là cố đô lịch sử, Kyoto bao gồm nhiều khu vực khác nhau như khu dân cư gần vùng di sản, khu nhà ở lịch sử và khu vực bờ sông. Có 6 cấp độ hạn chế chiều cao theo đặc điểm của từng khu vực. Giới hạn chiều cao ở khu vực đô thị gần di sản là 10m, ở khu vực đô thị xa hơn là 15m và dọc theo các tuyến đường chính của khu thương mại là 31m.
Cung điện Hoàng gia Kyoto là minh chứng cho sự thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Nhật Bản. Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn về mặt lịch sử mà còn tiếp sức cho các hoạt động gìn giữ văn hóa gắn liền với triều đình.
Gửi phản hồi
In bài viết