Mục tiêu của đề án này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc; hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, đội tàu, dịch vụ, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, chuyên nghiệp.
Định hướng đến năm 2045, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tiếp tục khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa đã được quy hoạch trong giai đoạn đoạn 2030-2045 phát triển mạng lưới đường thủy từ bờ ra đảo liên kết với các địa phương khu vực phía nam, phía bắc và khu vực miền trung-Tây Nguyên; khai thác hoạt động du lịch bến du thuyền.
Xây dựng hệ thống bến thủy nội địa được xếp hạng tương đồng với hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn và các dịch vụ du lịch khác. Phát triển đa dạng với các loại hình mới của đội tàu du lịch; đầu tư hoàn thiện các điểm đến du lịch, các khu vực biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ bán lẻ, chuỗi nhà hàng đặc sản, khách sạn gần các bến thủy nội địa để du khách có thể tiếp cận dễ dàng từ du thuyền cá nhân.
Cụ thể, phát triển du lịch đường thủy gắn liền với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021. Phát triển du lịch trên toàn địa bàn thành phố gắn với các hình thức du lịch biển; du lịch thủy nội địa; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch đô thị; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp, mua sắm; du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe. Phát triển các tuyến đường thủy: Sông Hàn-sông Cổ Cò-sông Thu Bồn, sông Hàn-sông Vĩnh Điện-sông Thu Bồn; tuyến từ vịnh Đà Nẵng đi hòn Sơn Trà Con, Cù Lao Chàm.
Khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch; bổ sung quy hoạch một số tuyến đường thủy từ bờ ra đảo đến một số địa phương khu vực miền trung, Tây Nguyên, kết nối tuyến đường thủy từ sông Hàn-Hội An, tỉnh Quảng Nam. Định hướng đến năm 2045, lượng khách du lịch đường thủy nội địa tăng khoảng 30%-50% so với năm 2030;…
UBND thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Hiện nay Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu đang hoạt động, sức chứa hơn 2.000 chỗ, bảo đảm tiêu chuẩn quy định, được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Theo Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng xác định phát triển du lịch bằng đường thủy nội địa theo 2 phương thức gồm: vận tải khách du lịch trên sông đến các điểm du lịch được áp dụng cho tất cả các tuyến vận tải thủy; du thuyền trên sông được áp dụng cho tuyến đường thủy nội địa trên sông Hàn mục đích ngắm cảnh các công trình ven sông, đặc biệt về đêm.
Thành phố cũng quy hoạch 8 tuyến vận tải du lịch gồm 4 tuyến (Tuyến cầu sông Hàn-Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn-cửa biển-bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn-Hòn Chảo (đảo Ngọc), tuyến sông Hàn-Cù Lao Chàm) và 4 tuyến mở mới (tuyến sông Hàn-Ngũ Hành Sơn, tuyến sông Hàn-Cẩm Lệ-Túy Loan-Thái Lai, tuyến sông Cu Đê-Trường Định, tuyến sông Hàn-Vĩnh Điện).
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch trên các sông: sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện (đoạn qua địa phận Đà Nẵng), sông Quá Giáng (Bầu Sấu), sông Cổ Cò.
Gửi phản hồi
In bài viết