Nhu cầu vật liệu tăng cao
Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang được xây dựng tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) với tổng diện tích xây dựng khoảng 13,8 ha; tổng mức đầu tư 1.796,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường bệnh, gồm đầy đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn của bệnh viện đa khoa hạng I cấp tỉnh.
Đồng chí Phạm Quốc Chương, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ đầu tư dự án cho biết, là một trong 11 công trình trọng điểm của tỉnh, quy mô xây dựng lớn nên nhu cầu vật liệu rất cao. Chỉ tính riêng đất, ước tính cần khoảng 500 nghìn m3 để phục vụ đắp nền, đường công trình. Hiện tại các mỏ được cấp phép khai thác phục vụ công trình mới chỉ đáp ứng được trên 400 nghìn m3, vẫn còn thiếu trên 60 nghìn m3 đất đắp. Nguồn cung cấp đất đắp khó khăn khiến cho các hạng mục san nền, đường giao thông, vận chuyển vật liệu cấp thuộc các gói thầu số 14, 15 đang bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án và các gói thầu.
Tại gói thầu số 19 Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn (từ km 0 đến km 23) thuộc địa phận xã Chân Sơn, Lang Quán (Yên Sơn) nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng thi công công trình đang làm đau đầu nhà thầu. Anh Nhữ Xuân Hải, Phó Chỉ huy trưởng công trường gói thầu 19 chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu san lấp và nâng cốt nền tại một số điểm trên tuyến, công trình cần khoảng 1 triệu m3 đất đắp, chưa tính lượng đất tận dụng được điều chuyển từ chỗ dư thừa để đắp vào chỗ thiếu trong gói thầu.
Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang đang bị thiếu đất đắp san.
Hai phương án được nhà thầu đưa ra, trong đó 1 là khảo sát các vị trí gần dự án để xin điều chỉnh mở rộng đưa vào khai thác tránh đội chi phí đầu tư; phương án 2 điều chuyển từ gói thầu có nguồn đất dư thừa trong tuyến để bổ sung, tuy nhiên phương án này sẽ làm đội chi phí rất lớn cho nhà thầu - Phó chỉ huy trưởng công trường gói thầu 19 Nhữ Xuân Hải khẳng định.
Các dự án lớn, các dự án quy mô nhỏ, dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhu cầu về vật liệu xây dựng đặc biệt là nguồn đất đắp rất lớn như các tiểu dự án thuộc các dự án lớn như: Dự án tái định cư thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang trên địa bàn huyện Yên Sơn, Hàm Yên; dự án xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Theo các chuyên gia về xây dựng, nhu cầu vật liệu sẽ tiếp tục gia tăng khi các dự án đã và đang được xây dựng với quy mô ngày càng lớn.
Tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nguồn vật liệu phục vụ xây dựng
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 5180/UBND-KT ngày 18/10/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, khảo sát, cấp phép, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường, ngày 8-4, Sở đã có văn bản số 722/STNMT-KS về việc nguồn cung cấp vật liệu san lấp cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Sở đã thực hiện rà soát các dự án khai thác khoáng sản có đất, đá làm vật liệu để cung cấp cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.
Tính đến hết tháng 3-2024, trên địa bàn tỉnh có 8 mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp còn thời hạn khai thác với tổng trữ lượng còn lại là 1,2 tỷ m3, tổng công suất khai thác 513,8 nghìn m3/năm. Dự kiến trong năm 2024 và thời gian tới thực hiện cấp mới các mỏ khoáng sản và tận dụng đất đá thải, dư thừa của 15 dự án sử dụng làm vật liệu san lấp, với tổng trữ lượng khoảng 18 triệu m3.
Công ty cổ phần đầu tư Hồng Phát (Chiêm Hóa) san lấp mặt bằng xây dựng Dự án chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao tại thôn Điểng, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa).
Trong quy hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố giai đoạn 2021 - 2030, được UBND tỉnh phê duyệt, cũng đã xác định các khu vực đã khoanh định để khai thác đất đắp trên địa bàn tỉnh là 76 khu vực/618,98 ha. Trong đó, thành phố Tuyên Quang 5 khu vực/108,06 ha; huyện Sơn Dương 17 khu vực/146,06 ha; huyện Yên Sơn 23 khu vực/174,16 ha; huyện Hàm Yên 16 khu vực/160,2 ha…
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, với chức năng nhiệm vụ, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh đưa ra đấu giá các mỏ khoáng sản mới khi đủ điều kiện. Đôn đốc các chủ dự án khai thác khoáng sản xem xét khả năng để tăng quy mô dự án (như: tăng công suất khai thác, chế biến theo tiến độ công trình, đa dạng hóa các sản phẩm trong một dự án...).
Đối với các công trình trọng điểm, các sở, ban ngành, cơ quan quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố kịp thời tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, đá làm vật liệu san lấp để thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho các công trình, dự án.
Gửi phản hồi
In bài viết