Quang cảnh Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Công viên văn hóa Đống Đa, ngày 26-1-2023.
Ảnh: Nhật Nam
80 năm vẫn vẹn nguyên giá trị
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức tháng 2-1943 là một văn kiện quan trọng, mang nhiều ý nghĩa. Là cương lĩnh đầu tiên, tuyên ngôn khai sáng của Đảng ta về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng, Đề cương về văn hóa Việt Nam khẳng định tầm nhìn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
1. Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc. Học thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản, những tư tưởng triết học của phương Tây… tràn vào đời sống xã hội, tạo ra nhiều ảo ảnh, khiến không ít trí thức Việt Nam lầm đường, lạc lối. Chán ghét tư tưởng cũ nhưng giới văn chương, nghệ thuật không biết đi theo hướng nào. Khủng hoảng tư tưởng, văn hóa kéo theo nhiều nguy cơ, tác động đến sự tồn vong của dân tộc.
Ý nghĩa quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo trước hết là tìm đường, nhận đường, nói cách khác là sự khai phóng về tư tưởng văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam từ góc nhìn biện chứng cùng đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân trong sự cố kết của cộng đồng đã mang đến luồng gió mới cho người làm văn hóa Việt Nam. Tư tưởng cứu quốc khơi dậy khát vọng độc lập trong mỗi con Lạc, cháu Hồng, trở thành mệnh lệnh của thời đại. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, tạo nên thế giới quan, nhân sinh quan mới, hướng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đến với cách mạng và trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới. Và cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng ấy là sứ mệnh của toàn dân tộc, của mỗi người Việt Nam.
Có thể nói, tư tưởng cứu quốc và tinh thần phục hưng văn hóa dân tộc thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, cho thấy tầm nhìn của Đảng ta không chỉ với cuộc cách mạng xã hội trong bối cảnh nửa phong kiến, nửa thuộc địa mà còn tạo nền tảng, giá trị tinh thần cho xã hội tương lai.
Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Ảnh: Miên Hạo
2. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 nêu rõ 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Khoa học hóa là “chống lại những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Đây là phương châm, là định hướng cho một nền văn hóa mới, cũng là thái độ nhất quán của Đảng ta về văn hóa.
Dù được định hướng khi chưa rõ hình hài, nhưng cái mới đã tràn đầy sức sống, đúng đắn và đáp ứng những yêu cầu từ cuộc cách mạng xã hội vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân… Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã chỉ rõ nền tảng của một nền văn hóa là gắn bó chặt chẽ với truyền thống dân tộc, phục vụ nhân dân, được tiếp cận với một thái độ khách quan và nhãn quan khoa học…
Khẳng định tính chất, bản chất của một nền văn hóa mới, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trải qua thăng trầm biến động lịch sử, đã bén rễ trong đời sống dân tộc và cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là một trụ cột phát triển. Văn hóa có trách nhiệm mở đường và là một bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng xã hội. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đề cập đến tính chất “cách mạng” của một nền văn hóa và sự cần thiết của văn hóa trong đời sống xã hội; đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và văn hóa phỉnh dân” để “phát huy văn hóa dân chủ”. Cùng với tư tưởng, học thuật, nghệ thuật cũng được nhấn mạnh. Những thành tố này có quan hệ biện chứng bổ sung cho nhau, tạo nên một nền tảng tư tưởng văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, một nền học thuật giàu tính khoa học, một nền nghệ thuật chất chứa tinh thần nhân văn. Đây là nguồn lực và cũng là động lực để xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.
Từ 3 nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa được đề cập tại Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là hệ điều tiết phát triển kinh tế - xã hội. Tư duy lý luận về tư tưởng, văn hóa của Đảng ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn. Không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử và hoàn toàn có thể khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên sức sống với dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết