Để không bị lừa đảo khi đi xin việc

- Sau đại dịch Covid-19, số người thất nghiệp tăng, cuộc sống của các gia đình gặp không ít khó khăn... Lợi dụng tâm lý cần việc làm, cần có thu nhập, nhiều đối tượng đã lập công ty, dùng chiêu trò để chiếm đoạt tiền của nhiều người dân.

Gần 5 tỷ đồng là số tiền mà Nguyễn Thị Hằng, trú tại TP. Tuyên Quang; Đào Trọng Hiếu trú tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và Hoàng Lâm Tùng trú tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) đã chiếm đoạt của hàng trăm người dân nhẹ dạ trên địa bàn tỉnh trong vòng hơn 1 năm (từ tháng 5-2018 đến 9-2019). Các đối tượng đã lợi dụng chương trình thực tập kỹ thuật Nhật Bản do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức cho người lao động sang Nhật học tập và làm việc, tự cấu kết thành lập Công ty Việt Phát, chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đưa ra thông tin gian dối là chương trình phải có chi phí để làm hồ sơ, đặt cọc với bên đối tác... để tư vấn, thu tiền bất chính.

Một vụ án liên quan đến nhận tiền, hồ sơ xin việc ảo được đưa ra xét xử.

Có mặt tại phiên tòa, bà Trịnh Thị Xim, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) kể lại: Sau khi nắm bắt được nhu cầu gia đình muốn cho anh Trần Quyết Thắng đi du học Nhật Bản, Hằng đã liên hệ, tư vấn và khoe mình có mối quan hệ rộng. Do tin tưởng, bà Xim đã đưa cho đối tượng 392 triệu đồng, có giấy biên nhận tiền có dấu đỏ của công ty. Mặc dù có tìm hiểu thì thấy các đối tượng có cả chi nhánh công ty tại Tuyên Quang nên gia đình hoàn toàn tin tưởng. Hiện giờ bà chỉ đợi được đền bù số tiền theo bản án nhưng cũng không biết đến bao giờ.

Theo thống kê, mỗi năm tỉnh ta có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hoặc phải làm trái nghề. Các đối tượng chủ động tiếp cận, đưa ra những thông tin hoặc mang các loại giấy tờ chứng minh có dấu đỏ, khoe các mối quan hệ với cấp trên… làm người dân dễ dàng tin tưởng và bị “mắc bẫy”... Anh Lý Nguyên Bình, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết: Anh mới từ Bắc Ninh trở về địa phương cũng đang đi tìm việc làm, nhưng anh lại chọn những Trung tâm giới thiệu việc làm uy tín do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp. Anh chia sẻ, nên tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh mất tiền oan và không có kết quả.

Ông Nguyễn Tiến Đường, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra, Kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết: Các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, các giao dịch nhận tiền đều có giấy viết tay nhưng không phản ánh nội dung mục đích để làm gì. Các đối tượng sẽ dần thoái trách nhiệm hoặc bỏ trốn. Nếu có trình báo cơ quan Công an cũng không dễ đòi lại tiền, bởi là giao dịch dân sự ghi rõ là vay sử dụng cho mục đích cá nhân.

Nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo nhận tiền, hồ sơ xin việc, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Na Hang thường xuyên tổ chức các phiên giới thiệu việc làm để người dân dễ dàng tiếp cận và có cơ hội đi học, đi làm với ưu đãi tốt nhất. Anh Nguyễn Quốc Luân, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Pháp luật quy định nhà tuyển dụng, đơn vị cung ứng nhân lực không được phép thu bất kỳ khoản tiền nào của người tìm việc. Nếu tìm việc người dân cần đến Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, huyện, thành phố để được giới thiệu hoặc tới thẳng công ty nộp hồ sơ, gọi điện vào tổng đài doanh nghiệp để được tư vấn. Anh Luân nhấn mạnh, việc trúng tuyển vào một vị trí nào đó còn tùy thuộc vào sức khỏe, trình độ, tay nghề, không nên tin những giấy tờ, lời nói của các đối tượng để tránh mất tiền oan.

Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan tuyển dụng cần đưa thông tin, điều kiện tuyển dụng công khai lên các phương tiện thông tin, số điện thoại đường dây nóng... để người dân dễ tiếp cận. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên hạn chế tìm việc làm qua mạng và nộp tiền khi chưa gặp trực tiếp đại diện công ty hoặc có sự bảo trợ của cơ quan chức năng. Muốn an toàn hãy đến các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được kết nối công việc phù hợp, tìm nhà tuyển dụng tin cậy.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục