Nhà bia Khu di tích Ban thường trực Quốc hội.
Thời kỳ đầu, Ban Thường trực Quốc hội do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban, cụ Tôn Đức Thắng làm Phó ban. Cuối năm 1948, do cụ Bùi Bằng Đoàn bị ốm nặng, cụ Tôn Đức Thắng được cử giữ chức Quyền Trưởng ban. Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội gồm các vị: Tôn Quang Phiệt (Tổng Thư ký), Hoàng Quốc Việt, Trần Văn Cung, Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Thục Viên.
Với trọng trách là cơ quan lập pháp, Ban Thường trực Quốc hội tham dự nhiều phiên họp Hội đồng Chính phủ và nhất trí để Hội đồng Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng về bổ nhiệm cán bộ cao cấp và thành lập các cơ quan của Chính phủ, như Sắc lệnh số 206-SL ngày 19-8-1948 về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; Sắc lệnh số 126-SL ngày 4-11-1949 quy định nghĩa vụ quân sự cho nam công dân từ 18 đến 45 tuổi.
Ban Thường trực Quốc hội luôn cùng Chính phủ duy trì mối quan hệ trực tiếp với nhân dân và chính quyền các cấp ở địa phương. Tháng 9-1949, Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ; tháng 10-1949, làm việc với Đoàn đại biểu Nam Bộ; góp ý xây dựng các chính sách lớn của Chính phủ như chính sách tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, phát động quần chúng giảm tô, giảm tức, chính sách ruộng đất. Ban Thường trực Quốc hội cũng đã đặt mối quan hệ với Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các nước bạn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Ban Thường trực Quốc hội cùng Chính phủ tổ chức nhiều phái đoàn đi về các địa phương Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV phổ biến đường lối, chủ trương và chính sách của Chính phủ trong kháng chiến. Quốc hội đặc biệt quan tâm động viên và xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, nhận đỡ đầu Trung đoàn 101 chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên.
Trên cơ sở Hiến pháp được Quốc hội thông qua và thực tiễn kháng chiến, được sự thỏa thuận của Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ đã ban hành khoảng 400 sắc lệnh và nhiều nghị định, thông tư để điều hành kháng chiến.
Ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 72/SL thành lập Hội đồng Tu luật gồm có đại diện Chính phủ, đại biểu đoàn thể nhân dân và đại diện Ban Thường trực Quốc hội do Bộ Tư pháp chủ trì. Từ năm 1950, Hội đồng Tu luật đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng chí Tôn Đức Thắng chủ trì một tổ công tác thảo luận về luật cải cách ruộng đất trong Hội nghị liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa I và Mặt trận Liên Việt tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương ngày 25-2-1953.
Ngày 25-2-1953, Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên - Việt toàn quốc để thảo luận về bản đề án “Phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức” của Đảng Lao động Việt Nam, triển khai thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, củng cố khối liên minh công nông, củng cố Mặt trận Liên - Việt.
Từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa I thông qua Luật cải cách ruộng đất, nghị quyết tín nhiệm Chính phủ, nghị quyết biểu dương các đại biểu Quốc hội đã từ trần vì nước.
Ngày 27-7-1954, Ban Thường trực Quốc hội tổ chức Hội nghị mở rộng của Ban Thường trực Quốc hội với một số đại biểu của Ban Thường trực Ủy ban Liên Việt toàn quốc và Ban Thường trực Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam để thảo luận bản hiệp định đình chiến.
Ngày 28-7-1954, Ban Thường trực Quốc hội ra Lời kêu gọi về việc ký kết các hiệp định đình chiến ở Đông Dương sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công.
Gửi phản hồi
In bài viết