Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm, tổng khách lưu trú ước đạt 8,67 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 163% cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,17 triệu lượt, tăng 30%, bằng 134% so cùng kỳ năm 2019; Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng 26%, bằng 135% cùng kỳ năm 2019; trong đó, doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 37%, bằng 152% so cùng kỳ năm 2019.
Về cơ cấu khách quốc tế, so với thời điểm năm 2019, tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới: Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,1%, Ấn Độ tăng 4,2%, Australia tăng 1,1%, Nga tăng 1,4%...
Thực tế này phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới, đồng thời cũng thể hiện rõ hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế với các nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường;
Khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông, quảng bá điểm đến Đà Nẵng của Thành phố... nhằm duy trì và tăng trưởng lượng du khách đến Đà Nẵng.
Tốp 10 thị trường khách quốc tế như sau: Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 41,3%), Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Nga.
Ngành du lịch Đà Nẵng cũng nêu ra những khó khăn, thách thức đối với ngành như các biến động kinh tế chính trị quốc tế, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cạnh tranh điểm đến quốc tế rất mạnh mẽ từ Thái Lan, Trung Quốc; sản phẩm du lịch mới còn thiếu, hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, du lịch đường thủy phát triển chưa tương xứng tiềm năng...
Năm 2025, Đà Nẵng dự kiến tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%, khách nội địa ước đạt hơn 6,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 ước đạt 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, lữ hành kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm đưa ngành du lịch tiếp tục phát triển và giữ vững thương hiệu điểm đến hàng đầu. Thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận giải quyết các thủ tục hành chính liên quan...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng với những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm. Những kết quả này có được là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố, vai trò chủ chốt của ngành du lịch và sự phối hợp của các ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là sự đồng hành, sẻ chia và ủng hộ rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú…
Bí thư Thành ủy yêu cầu sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị thành phố, sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và sự chung tay của người dân.
Ban cán sự Đảng, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác phối hợp cho các doanh nghiệp, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và xác định rõ nhiệm vụ mục tiêu trong năm 2025;
Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động du lịch, các kiến nghị, vướng mắc, đề xuất đã nêu, đặc biệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch mới đặc thù, khác biệt mang tính lan tỏa cho sự phát triển của thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mong muốn ngành du lịch tiếp tục giữ vững các thành quả đạt được đồng thời xác định, năm 2025 thành phố tiếp tục đánh giá, dự báo là năm tiếp tục khó khăn ở tình hình kinh tế của thế giới và trong nước.
Để giữ vững được các thương hiệu, ngành du lịch Đà Nẵng cần đổi mới mô hình tăng trưởng; làm mới những sản phẩm đang có; nâng cao chất lượng của các cơ sở lưu trú, hoạt động dịch vụ, sự kiện đang có; tạo ra những sản phẩm mới.
Đề nghị ngành du lịch tham mưu sớm để điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn 2045 gắn với định hướng phát triển của thành phố vừa được quốc hội thông qua; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch.
Các doanh nghiệp phải chủ động làm mới sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao, một số đề xuất thì mạnh dạn làm nghiên cứu thí điểm…; tuyệt đối bảo đảm an toàn cho du khách; bảo đảm chất lượng, môi trường du lịch, thân thiện, hướng đến xây dựng điểm đến du lịch xanh.
Gửi phản hồi
In bài viết