Trang phục của Vệ binh Hoàng gia Anh và các loại súng châu Âu trong khoảng thế kỷ XIX.
Hơn 50 năm đam mê sưu tầm vũ khí cổ
Bảo tàng Vũ khí cổ Vũng Tàu nằm tại số 98 đường Trần Hưng Đạo, phường 1 (thành phố Vũng Tàu). Đây là bảo tàng tư nhân do ông Robert Taylor (quốc tịch Anh) sáng lập và làm chủ. Những hiện vật ở đây nằm trong bộ sưu tập từ nhiều quốc gia của ông trong hơn 50 năm.
Ông Robert Taylor có đam mê sưu tầm vũ khí từ nhỏ. Lúc thiếu thời, được người bạn tặng một thanh kiếm cổ, ông vô cùng thích thú và đam mê những hiện vật “lạnh lùng” này một cách kỳ lạ. Sau đó, ông học và trở thành kỹ sư cơ khí. Trong quá trình làm việc, ông đã dành toàn bộ số tiền kiếm được cùng thời gian, công sức và đi các nước trên thế giới để sưu tầm, mua lại hiện vật của quân đội các nước, từ cổ, trung đến cận đại và hiện đại. Hơn 50 năm qua, ông sở hữu một bộ sưu tập vũ khí cổ đồ sộ. Cùng với đó, ông cũng dành thời gian để tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc, đặc tính của các loại vũ khí.
Năm 1996, Robert Taylor định cư tại Vũng Tàu và làm thủ tục đưa toàn bộ số hiện vật này về Việt Nam, bắt đầu thực hiện dự án trưng bày. Năm 2012, Robert Taylor đã thành lập Bảo tàng Vũ khí tại Vũng Tàu mang tên ông. Một thời gian sau, do vài trục trặc nên dự án bị dang dở, bộ sưu tập cũng bị mất mát ít nhiều, bảo tàng phải đóng cửa. Ông lao vào làm việc để kiếm tiền và bổ sung hiện vật. Năm 2015, chính quyền thành phố Vũng Tàu đã hỗ trợ, cho Robert Taylor mượn tòa nhà Pháp cổ làm bảo tàng. Nhờ đó, Bảo tàng Vũ khí cổ được mở cửa trở lại vào tháng 4-2016 và hoạt động đến nay.
Bộ sưu tập vũ khí cổ độc đáo
Bảo tàng Vũ khí cổ Vũng Tàu nằm trong một tòa biệt thự cổ được bao bọc bởi nhiều cây xanh, có diện tích trưng bày 1.500m2, gồm hơn 3.000 hiện vật được giới thiệu tại 5 phân khu theo trình tự thời gian. Không chỉ trưng bày hiện vật, nơi đây giống như một pho sử về chiến tranh thế giới với các vũ khí chiến đấu, quân trang, huy hiệu, giáp trụ... được thể hiện trên những hình nộm người với tỷ lệ 1:1. Tất cả đều được chú thích và thuyết minh rõ ràng.
Vào bảo tàng, du khách như lạc bước về quá khứ cả trăm, ngàn năm trước qua những trưng bày thời cổ đại tới trung đại. Ở đó có hình ảnh những chiến binh Hy Lạp, La Mã, các chiến binh Thập tự chinh châu Âu, các samurai Nhật Bản hay quân đội Mông Cổ... Thời kỳ cổ đại tới trung đại, các vũ khí chủ yếu là đao, kiếm, giáo, mác, cung, nỏ..., đặc biệt là thanh kiếm cổ của Hy Lạp có niên đại 2.000 năm. Thời kỳ trung đại, cùng với các loại vũ khí thô sơ đã xuất hiện các loại súng, pháo. Ở khu vực này, du khách sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về hệ thống vũ khí thời vua Napoleon Bonaparte - vị vua đã làm thay đổi lịch sử nước Pháp và thế giới với các cuộc chinh chiến liên miên. Tiếp đó, du khách sẽ di chuyển sang khu vực trưng bày vũ khí cận đại để tìm hiểu các loại vũ khí tối tân, những loại được dùng trong các cuộc chiến tranh thế giới I, II. Không gian trưng bày này có sự góp mặt của hình ảnh, hiện vật về quân đội nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Australia... với các quân binh chủng như bộ binh, pháo binh, hải quân, không quân, trong đó có hình ảnh quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh những hiện vật là vũ khí, quân phục, bảo tàng còn trưng bày nhiều tranh, tượng chân dung các tướng lĩnh kiệt xuất trong lịch sử nhân loại như Trần Hưng Đạo (Việt Nam), Napoleon Bonaparte (Pháp), Horatio Nelson (Anh)... và những bức tranh miêu tả những trận chiến nổi tiếng trong lịch sử, tiêu biểu là trận Waterloo giữa quân đội Anh - Pháp năm 1815...
Vũ khí Việt Nam cũng góp mặt trong bảo tàng, với số lượng khá khiêm tốn như cung, nỏ, gươm, súng thô sơ, súng thần công. Ông Robert Taylor bày tỏ: “Tôi có tình yêu lớn với vũ khí cổ và từng đến nhiều nước như Hà Lan, Mỹ, Đức để sưu tầm vũ khí cổ. Vì điều kiện, tôi vẫn chưa hoàn thiện phần vũ khí, quân trang trong lịch sử Việt Nam. Đó là một thiếu sót lớn, và tôi luôn mong được sự hỗ trợ của mọi người”.
Nhiều chuyên gia đánh giá Bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor là một bảo tàng có giá trị về chuyên môn, có số lượng và chất lượng vũ khí cổ lớn nhất Việt Nam, thậm chí có thể so sánh với nhiều bảo tàng trên thế giới. Du khách Nguyễn Thành Trung (đến từ Hà Nội) đã chia sẻ khi tham quan bảo tàng: “Đây là một trong những bảo tàng thú vị nhất mà tôi từng xem. Các không gian trưng bày rất sinh động. Từ nhỏ tôi đã thích đọc truyện, xem phim về chiến tranh nên khi tới đây, tôi có thể hiểu hơn về mảng đề tài này”.
Gửi phản hồi
In bài viết