Độc đáo món bánh giày nhân vừng đen của đồng bào Tày

Bánh giày nhân vừng đen từ lâu đã trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng của đồng bào Tày. Qua đó không chỉ thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ, mà còn thể hiện sự thành kính với tổ tiên trong các dịp lễ, Tết.

Hội LHPN huyện Lâm Bình tham gia Hội thi làm bánh giày do huyện tổ chức.

Để làm món bánh giày nhân vừng đen mất khá nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Chị Ma Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, trước tiên phải chọn gạo nếp ngon đem ngâm, rồi đồ xôi. Xôi chín được đem ra giã nhuyễn, rồi nặn ra từng vắt bột dẻo, mịn. Dàn đều nắm bột rồi cho thêm nhân vừng đen vào vê tròn lại.

Vừng đen cũng phải được rang chín, đem giã nhuyễn rồi trộn với đường cho đủ ngọt, sau đó pha chút nước cho tan đường. Độ ngọt của nhân tuỳ vào sở thích của người thưởng thức, nhưng thường ngọt vừa, để cảm nhận được vị thanh mát khi thưởng thức món bánh giày. Bánh được gói bằng lá chuối sau khi đã rửa sạch, lau khô, để bánh giữ được độ mềm, mặt bánh không bị se lại.

Bánh giày nhân vừng đen hay còn gọi là “pẻng đéc” (tiếng Tày) không thể thiếu trong các dịp lễ cưới, hỏi, ma chay, lễ cúng cầu may… của đồng bào Tày. Đặc biệt, khi gặt lúa mới, mỗi gia đình sẽ làm món bánh truyền thống này để dâng lên tổ tiên, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng được tốt tươi, việc lao động sản xuất được thuận lợi. Đồng thời mong muốn vụ mới tiếp tục được mùa, để cuộc sống khấm khá hơn.

Nghề làm bánh giày nhân vừng đen còn được đồng bào Tày ở nhiều địa phương trong tỉnh duy trì để phục vụ nhu cầu người dân và du khách. Bà Ma Thị Ngấn, thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình) đã hơn 10 năm nay làm bánh giày nhân vừng đen chia sẻ, trung bình mỗi ngày bà làm từ 60 – 80 cái bánh để bán cho các cháu học sinh, người dân tại địa phương, khách du lịch. Ngoài ra, khi có khách đặt số lượng lớn để làm quà, hoặc sử dụng trong lễ ăn hỏi, lễ cưới… bà thường dậy sớm để làm cho kịp thời gian. Bánh được bà làm hoàn toàn thủ công, gạo nếp để làm bánh là loại gạo ngon do nhà tự trồng cấy, nên bánh thơm, dẻo, được mọi người rất yêu thích và tin tưởng.

Bánh giày nhân vùng đen không thể thiếu trong Lễ cúng giải hạn của đồng bào Tày.

Đặc biệt, bánh giày còn được bà con làm với nhiều màu sắc bắt mắt được tạo nên từ các loại lá, quả, vừa thơm, ngon, vừa an toàn cho người sử dụng. Chẳng hạn như màu tím từ lá cơm tím, màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ nghệ… Bà Nguyễn Thị Tuyết, du khách từ Hà Nội cho biết, đi du lịch tại huyện Na Hang, Lâm Bình bà rất thích món bánh giày nhân vừng đen. Lần nào đi bà cũng đặt mua bánh về làm quà cho người thân. Bánh có nhiều màu sắc, các cháu của bà đều rất thích.

Ngày nay, món bánh giày nhân nhân vừng đen cùng với nhiều món ăn truyền thống độc đáo khác đã trở thành món quà ý nghĩa đối với du khách mỗi khi đến với các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, hướng đi đúng của các địa phương trong phát triển du lịch, đó là luôn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống.                                                                          

  Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục