Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Linh Khoa Nguyên)
Theo đó, các đại biểu Quốc hội khẳng định: Trong hơn 2 năm qua, nhất là trong năm 2022, cả nước ta đã nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm, quyết liệt vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhờ vậy, kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ; được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Những kết quả đáng khích lệ nêu trên trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo. Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; công tác giám sát có hiệu quả cao của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và những hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Đề cập nội dung quan trọng này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định: Quốc hội, Chính phủ cũng như các cấp, các ngành đã thực hiện hàng loạt giải pháp, trong đó có nhiều nội dung Quốc hội chủ động, kịp thời phối hợp Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách trong đời sống. Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường, các Phiên họp bất thường, qua đó quyết định những vấn đề quan trọng, liên quan quốc kế dân sinh, các quyết sách kịp thời này đã lan tỏa tác động, hiệu ứng thực tế mạnh mẽ, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo ra chuyển biến nhanh chóng ngay trong quá trình tiến hành thực hiện.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, của các cơ quan liên quan ngày càng được nâng cao về chất lượng, qua đó góp phần tháo gỡ nhiều “nút thắt” về thể chế, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Quan trọng hơn, những văn bản luật được Quốc hội ban hành đã đi vào thực tiễn đời sống, đáp ứng được nhu cầu của người dân - đối tượng chịu tác động của luật.
Lạc quan, tin tưởng vào những thành tựu đã đạt được trong khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Năm 2023, đất nước sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức, trở ngại rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó, như: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp; sản xuất kinh doanh, “sức khỏe” doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền, giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao; sản xuất nông nghiệp, sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức, lượng khách quốc tế giảm…
Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục chú ý các yếu tố rủi ro gây suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu, như: dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ; bất ổn thương mại, thị trường tài chính toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực; rủi ro nghĩa vụ nợ quốc gia do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá của các nước trên thế giới và trong nước…
Trong khi đó, những bất cập nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện. Trong đó, thực trạng quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhập khẩu đầu vào. Chúng ta chưa có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; chất lượng lao động, năng suất lao động chưa cao. Kết quả đổi mới, phát triển khoa học-công nghệ, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu.
Đáng chú ý, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế; hỗ trợ lãi suất, giảm lãi vay chưa đạt mục tiêu đề ra; thủ tục của một số chính sách bất cập, chưa rõ ràng, khó tiếp cận. Thực trạng chậm giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia… vẫn diễn ra.
Để có thể đưa đất nước tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, từ đó đề xuất giải pháp đột phá. Trong đó, Chính phủ cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát diễn biến tình hình để bảo đảm tính thực tế, khả thi của các quyết sách. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi. Chú trọng phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối các nguồn lực.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh và một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Cần theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, từ đó kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Bám sát tình hình thực tế để công tác dự báo chính xác hơn; chuẩn bị nguồn lực cho những biến động kinh tế, thiên nhiên để có khả năng phản ứng kịp thời, đưa ra các giải pháp phù hợp. Tiếp tục phân bổ vốn Chương trình phục hồi, vốn đầu tư công trung hạn; kiên quyết thu hồi kế hoạch vốn dự án chậm triển khai, điều chuyển cho dự án có khả năng giải ngân,... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia. Hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách…
Gửi phản hồi
In bài viết