EC công bố số liệu về việc áp dụng chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19

Theo thông báo ngày 8-6 của Ủy ban châu Âu (EC), trên 1 triệu người ở châu lục này đã nhận được "Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU" - một công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân Liên minh châu Âu (EU).

Nhật Bản đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng trong bối cảnh
Thế vận hội Tokyo 2021 đang đến gần.

Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 9-6, toàn thế giới đã ghi nhận 174.709.297 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 3.761.059 ca tử vong.

Châu Âu

"Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU" dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới sau khi được EP thông qua. Công cụ này đang được kỳ vọng sẽ trở thành "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế cho châu Âu, đặc biệt là ngành du lịch vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa hè 2020. 

"Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU" là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc có thể in ra giấy để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia.

Mã QR này sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan Covid-19 của khách du lịch, như họ đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không, hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này. Người sở hữu chứng nhận có thể được sử dụng để đi lại trong EU mà không cần phải trải qua thời gian cách ly hoặc tiến hành thêm xét nghiệm.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra cuối tuần này, gần 30 người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí và thể thao, từ nữ ca sĩ Katy Perry đến cầu thủ bóng đá David Beckham đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên G7 chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo.

Trong lá thư gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh G7, những người nổi tiếng nêu rõ, cuộc chiến của thế giới chống Covid-19 đã kéo dài một năm rưỡi, song dịch bệnh này vẫn đang hoành hành ở nhiều nước, với sự xuất hiện của những biến chủng mới có nguy cơ kéo thế giới quay lại vạch xuất phát. Do đó, họ kêu gọi G7 tại hội nghị sắp tới đưa ra cam kết cung cấp ít nhất 20% lượng vắc xin của mình, tương đương khoảng 150 triệu liều, cho các nước nghèo, từ tháng 6 đến tháng 8. 

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực và số lượng người dân được tiêm vắc xin gia tăng, Chính phủ Cộng hòa Séc đã lên kế hoạch mở cửa biên giới và tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người nước ngoài đang sinh sống tại nước này.

Theo kế hoạch, từ ngày 21-6 tới, người dân từ tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Serbia có thể đến Cộng hòa Séc mà không bị hạn chế, nếu họ đáp ứng các quy định tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc có xét nghiệm âm tính hoặc đã bình phục sau khi bị nhiễm bệnh 180 ngày.

Châu Á

Ngày 8-6, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 350.000 lên tới 351.309 ca, sau khi ghi nhận thêm 2.123 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 86.498 ca nhiễm mới trong một ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.996.473 ca. Đây là số ca nhiễm mới thấp nhất tại Ấn Độ trong hơn 2 tháng qua.

Cùng ngày, ông V.K.Paul, thành viên Ủy ban Cải cách thể chế quốc gia (Niti Ayog), cơ quan tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã đặt mua 250 triệu liều vắc xin Covishield và 190 triệu liều vắc xin Covaxin, và số vắc xin phòng Covid-19 này sẽ được cung cấp bắt đầu từ nay cho đến tháng 12-2021. 

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Campuchia khi tổng số ca bệnh tại nước này đã vượt ngưỡng 35.000 ca vào ngày 8-6, trong đó, 34.367 ca liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20-2". Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 678 ca nhiễm mới (bao gồm 49 ca nhập cảnh và 629 ca lây nhiễm cộng đồng), 12 người tử vong và 557 người khỏi bệnh. 

Bộ Y tế Lào cho biết, số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức thấp, với 2 ca lây nhiễm mới cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân cả nước tuân thủ chặt chẽ quy định phòng, chống dịch bệnh để có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 19-6 tới đây, giúp giảm tác động đối với nền kinh tế và đời sống của người dân. 

Tương tự, tình hình dịch Covid-19 ở Nhật Bản có dấu hiệu lắng dịu những ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản ghi nhận thêm 1.275 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong vì dịch Covid-19. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 từ mùa hè năm 2021, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nước này khi đi ra nước ngoài.

Để chuẩn bị cho việc cấp "hộ chiếu vắc xin", Chính phủ Nhật Bản đã lập nhóm công tác bao gồm các quan chức của các bộ ngoại giao và y tế. Dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato, hiện nhóm công tác đang cân nhắc những nội dung đưa vào giấy chứng nhận này như thời gian tiêm phòng và vắc xin do hãng nào sản xuất.

Châu Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa thông báo, từ nay đến cuối tháng 7, chính phủ nước này sẽ hoàn tất việc chia sẻ 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho thế giới.

Thông báo này đã được nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra ngày 7-6 (theo giờ Mỹ) khi phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện trong phiên điều trần về ngân sách và các ưu tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo ông A.Blinken, số vắc xin này sẽ được phân phối thông qua cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) hoặc dưới hình thức trực tiếp.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, những người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nếu có bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì sẽ có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với những người không được chủng ngừa trước đó. Nghiên cứu này càng củng cố thêm những cơ sở bằng chứng cho thấy tính hiệu quả vượt trội của vắc xin trong phòng, chống đại dịch.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8-6 ở thủ đô Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới, chẳng hạn như yêu cầu cách ly ở khách sạn, sẽ tập trung vào những khách nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, ông J.Trudeau không công bố khung thời gian để nới lỏng các biện pháp được áp dụng trong đại dịch này.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục