Ảnh minh họa.
Do đó, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm sáu tháng đến hết ngày 31/12/2024 được đánh giá là sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trước diễn biến kinh tế thế giới, các khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong nước những tháng đầu năm 2023; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thời gian thực hiện đến hết ngày 30/6/2024.
Tuy vậy trên thực tế, sang đầu năm 2024, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, tín dụng tăng trưởng chậm.
Vì vậy, trước thực trạng khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp các bộ, ngành đánh giá và đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN thêm sáu tháng, đến hết ngày 31/12/2024. Được sự chấp thuận của Chính phủ, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm sáu tháng đến hết ngày 31/12/2024.
“Việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2024 sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, phù hợp chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế”, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc kéo dài thời gian thực hiện theo Thông tư 02 một phần hỗ trợ doanh nghiệp, cũng là hỗ trợ ngân hàng, “nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng quá”. “Bởi lẽ, chính sách cơ cấu nợ là đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.
Đây cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm sáu tháng nữa (thay vì dài hơn), hết năm 2024 sẽ đánh giá tiếp. Lúc đó, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì sẽ có cơ chế khác hỗ trợ”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ quan điểm. Trước mắt, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai Thông tư 06 vừa được ban hành nhằm hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Nhìn nhận về việc kéo dài Thông tư 02, Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh cũng cho rằng, quyết định này sẽ giải quyết được cơ bản các khó khăn của doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu cơ cấu trong giai đoạn tới. Đến hết năm 2024, kinh tế trong nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đi vào ổn định, cùng với giải pháp của ngân hàng, tôi tin tưởng khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Đồng quan điểm, thành viên Hội đồng quản trị OCB Nguyễn Đình Tùng nhận định, quyết định nêu trên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giúp giãn áp lực trả nợ cho khách hàng để họ có điều kiện phục hồi tốt hơn. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ quyết định này khi khách hàng hồi phục tốt, tăng khả năng trả nợ, giảm áp lực nợ xấu phát sinh tại ngân hàng.
“Thời gian qua, áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng, đến từ khó khăn trả nợ của khách hàng. Dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng do thanh khoản của thị trường bất động sản yếu cho nên việc thanh lý tài sản bảo đảm giai đoạn này rất khó khăn. Do đó, việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ cũng tạo điều kiện để ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, áp lực trích lập dự phòng rủi ro, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ cho khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tuy đến thời điểm này, các đơn hàng của doanh nghiệp đã cải thiện hơn, song chưa đồng đều ở các ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp sức khỏe còn yếu cần hỗ trợ về vốn. Nhưng nếu chỉ giảm lãi suất là chưa đủ mà phải tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và giãn, hoãn nợ là giải pháp phù hợp cải thiện vấn đề này.
Cũng theo nhiều ý kiến, việc tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2024 là đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận những chính sách như Thông tư 02 mang tính chất đặc thù, thời điểm, nếu duy trì quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thông lệ, quy chuẩn của ngân hàng.
Cụ thể ở đây là tiềm ẩn rủi ro hệ thống khi nợ xấu không được phản ánh một cách chính xác do tạm thời “ẩn đi”, cho nên tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế. Vì vậy, dù rất đồng tình với quyết định kéo dài thời gian cơ cấu nợ, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các ngân hàng cần đánh giá thật kỹ, phân loại đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Còn với các doanh nghiệp yếu kém rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” thì mạnh dạn xử lý, không cơ cấu nợ mà chuyển về nợ xấu.
Bởi nếu cố gắng cơ cấu những doanh nghiệp như vậy, đến khi Thông tư hết hiệu lực, doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Chung quan điểm nêu trên, Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn tới ngày 31/12/2024 là phù hợp nhưng sau thời gian này phải thể hiện đúng bản chất khoản nợ để có những điều hành phù hợp hơn, bảo đảm hệ thống hoạt động an toàn.
Sự cẩn trọng này là cần thiết vì sức khỏe hệ thống ngân hàng chưa đồng đều nên không phải ngân hàng nào cũng có tài chính “dư dả” để trích đầy đủ ngay các khoản nợ cơ cấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải đánh giá đúng doanh nghiệp có khả năng hồi phục, có khả năng trả nợ, đồng thời kiểm tra, giám sát cẩn thận doanh nghiệp trong quá trình được cơ cấu.
Gửi phản hồi
In bài viết