Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn người dân xã Đại Phú (Sơn Dương) duy trì chăm sóc đàn bò.
Vay ngân hàng 200 triệu đồng mua 10 con trâu, bò và đầu tư hệ thống chuồng, trại khá hoàn chỉnh, thế nhưng hơn một năm nay, gia đình anh Sàn Văn Hin, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) đang phải nuôi cầm chừng đàn gia súc này. Anh Hin chia sẻ, đáng lý ra, số trâu, bò này đã được bán, vì đã đủ trọng lượng và thời gian nuôi, nhưng hiện giá trâu bò thương phẩm xuống thấp, bị ép giá, khiến gia đình chưa thể bán mà cố gắng nuôi với hy vọng giá cả thời gian tới có thể nhích lên.
Với 24 hộ liên kết chăn nuôi gần 230 con trâu, bò, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Nghiệp Thành đang phải nuôi cầm chừng do giá trâu thịt hơi trên thị trường giảm mạnh. Anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX chia sẻ, trước đây, đối với trâu thịt vỗ béo có giá khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg, bán 1 con thu về từ 50 đến 60 triệu đồng. Tuy nhiên, trong năm 2022, giá trâu giảm mạnh chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg, giá bò còn 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Như vậy, trung bình một con trâu sẽ lỗ 20 - 30 triệu đồng, bán đi chỉ đủ bù tiền mua con giống ban đầu. Với giá thành thấp, các thành viên trong HTX đều không muốn bán trâu vào thời điểm này vì sợ lỗ. Hơn nữa việc chăn nuôi trâu vỗ béo tiêu thụ lượng thực phẩm lớn, nếu đến thời điểm mà không xuất chuồng sẽ gây ra nhiều áp lực đối với người nông dân. Bởi chi phí cho nguồn thức ăn cũng không hề nhỏ.
Tại huyện Yên Sơn, HTX Nông nghiệp Yên Vân, xã Chiêu Yên hiện chăn nuôi 20 con trâu sinh sản cũng không mấy khả quan, khi giá 1 con nghé đang từ 25 triệu giảm xuống chỉ còn 12 - 13 triệu đồng. Ông Phạm Đức Mạnh, Giám đốc HTX cho biết, không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò còn không có đầu ra vì nhu cầu tiêu thụ trong nước rất chậm. 2 năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ trâu, bò có chững lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng đầu ra của sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhu cầu trong nước rất chậm. Giết thịt bán cũng khó tiêu thụ vì giá thịt bán tại chợ vẫn giữ nguyên như cũ dù giá thu mua tại chuồng đã giảm mạnh. Vì vậy, người dân không thể xuất đàn và vẫn phải duy trì chăn nuôi.
Thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi Nghiệp Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên) chăm sóc đàn trâu, bò.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm hiện tại, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh hiện có gần 129.400 con, trong đó, trâu có hơn 90.000 con, bò có gần 39.400 con. Đây là nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay. Với mức giá như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của người dân.
Đồng chí Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, nguyên nhân của việc trâu, bò rớt giá, khó tiêu thụ là do thị trường tiêu thụ chính của trâu, bò trên địa bàn là xuất bán sang Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ năm 2021 đến nay, phía Trung Quốc đóng biên, dẫn đến không xuất bán được, chỉ tiêu thụ nhỏ giọt tại thị trường trong nước nên giá giảm mạnh và sức tiêu thụ thấp.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, người chăn nuôi trâu, bò cần tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không có để bán; tập trung phòng, chống dịch cho tốt để không bị thiệt hại do dịch, bệnh; thay đổi khẩu phần ăn, tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò.
Các hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ cần tận dụng lợi thế các vùng đồi gò trồng các loại cây ngắn ngày để sử dụng làm thức ăn, nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần làm tăng thu nhập. Ngoài ra, cần tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò. Đồng thời, để chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất chăn nuôi; khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lớn vào liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết