Trao giải cho đội đoạt Giải quán quân Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023.
Theo phương pháp tính toán của Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số thương vụ đầu tư mạo hiểm thuộc trụ cột "Trình độ phát triển của thị trường". Số thương vụ đầu tư mạo hiểm càng nhiều thì điểm số và thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu càng cao.
Các chuyên gia về đổi mới sáng tạo đánh giá, thứ hạng chỉ số đầu tư mạo hiểm cao chứng tỏ cấu trúc kinh tế thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình tăng trưởng nhanh, lợi nhuận lớn, phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khi đó, nguồn lực sẽ phân tán, chuyển sang đầu tư cho mô hình tăng trưởng mới. Đó cũng là xu thế của thời đại.
Thực tiễn thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Lotte Ventures Việt Nam cho rằng, việc số thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng 27 bậc cho thấy nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhận thấy tiềm năng phát triển của các start-up, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử và giải pháp số.
Tương tự, báo cáo của Bain & Company cũng nhận định, Việt Nam dẫn đầu về khả năng thu hút các nhà đầu tư trong dài hạn ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát cho thấy, các nhà đầu tư nhận định hoạt động đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2025-2030 sẽ tăng 83% so với hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tăng số thương vụ đầu tư mạo hiểm khẳng định môi trường đầu tư được cải thiện. Ông Phạm Ngọc Huy nhận định, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là Nghị định số 38/2018/NĐ-CP với những quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đã tạo động lực cho sự ra đời và phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy số lượng thương vụ.
Theo thống kê của Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, hiện có khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa được thành lập theo Nghị định số 38 với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Số lượng "nhà đầu tư thiên thần" tuy không quá lớn nhưng cũng đang tăng dần.
Việc số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc lên vị trí 44/133 quốc gia không chỉ phản ánh số lượng mà còn chứng tỏ chất lượng của các start-up được cải thiện. Nhiều công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh rõ ràng, đội ngũ sáng lập mạnh mẽ và khả năng thích ứng tốt với xu hướng thị trường. Mặt khác, chỉ số này cũng cho biết các start-up Việt Nam ngày càng được kết nối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp họ nhận được vốn và học hỏi được kinh nghiệm quý báu từ những thị trường phát triển hơn.
Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có khoảng 3.800 start-up, trong đó 11 start-up được định giá hơn 100 triệu USD và 3 start-up được định giá hơn 1 tỷ USD, gồm: Momo, VNG và VNLife. Việt Nam hiện là trụ cột thứ ba trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á (cùng với Singapore và Indonesia), được đánh giá có sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu cùng một văn hóa khởi nghiệp vốn có, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng, chỉ số đầu tư mạo hiểm cải thiện là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, việc đồng bộ triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg đã góp phần quan trọng trong nâng cao thứ hạng và chỉ số về đầu tư mạo hiểm. Thông qua đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách, đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 25.000 cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái, hỗ trợ khoảng 2.000 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kết nối, hợp tác về khởi nghiệp sáng tạo với hàng chục đối tác quốc tế lớn như ADB, UNDP, World Bank,... thu hút đa dạng nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế, "đầu tư thiên thần" cho hệ sinh thái.
Các chính sách phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy các xu hướng đầu tư vào công nghệ xanh, tổ chức các sự kiện khởi nghiệp sáng tạo, nhất là Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest)… đã góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư "xanh" vào một loạt các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Điển hình có BUYO Bioplastics-start-up đoạt Giải nhất tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023 với sản phẩm nhựa sinh học phân hủy được làm từ chất thải hữu cơ; AIRX CARBON đoạt Giải nhì với giải pháp kinh tế tuần hoàn sử dụng chất thải nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp để tạo ra nhựa sinh học.
Dự báo về xu hướng đầu tư mạo hiểm trong tương lai, ông Phạm Ngọc Huy nhận định, thật sự là "giai đoạn vàng" cho các start-up và nhà đầu tư tại Việt Nam, khi thị trường đang mở ra nhiều cơ hội mới. Nhận thấy tiềm năng này, quỹ đầu tư Lotte Ventures đã được thành lập tại Việt Nam, trở thành quỹ đầu tư đầu tiên có vốn nước ngoài được thành lập theo Nghị định số 38 của Chính phủ. Lotte Ventures kỳ vọng sẽ trở thành trường hợp điển hình cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư vào Việt Nam tham khảo. Xu hướng này hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp khởi nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
"Nếu tiếp tục cải thiện chỉ số về đầu tư mạo hiểm, Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư mạo hiểm ở khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế đổi mới và sáng tạo. Sự gia tăng đầu tư mạo hiểm sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ hơn, với sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mới, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khác", ông Phạm Ngọc Huy nhấn mạnh.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số đầu tư mạo hiểm thời gian tới, theo ông Phạm Hồng Quất, bên cạnh việc đẩy mạnh các chính sách, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cần tiếp tục cải thiện trụ cột "Thể chế", trong đó ưu tiên thống nhất, đồng bộ hóa và luật hóa các vấn đề như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, quy định rõ khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, điều kiện, tiêu chí,... đối với việc thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, gia hạn thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ (Đề án số 844) hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2030.
Theo bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley, cần khuyến khích, hỗ trợ khối tư nhân thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm để có thể tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực này và kéo được các nguồn vốn từ nước ngoài về.
Gửi phản hồi
In bài viết