Cơ duyên
Anh Thành kể, bất kỳ người nào chăn nuôi cũng chỉ để ý đến con giống, trọng lượng, giá trị khi xuất bán, nhưng đấy mới là thành công một nửa, phải biến nốt chất thải chăn nuôi thành hàng hóa mới là thành công.
Năm 2013, sau khi về thôn Lũng, xã Mỹ Bằng khởi nghiệp, anh chạy vạy nhiều nghề, kinh qua nhiều địa phương để buôn bán nhưng không hiệu quả. Năm 2015 bén duyên với nghề buôn bán trâu, bò qua các cửa khẩu, đến năm 2018, anh Thành quyết định đầu từ hơn 500 triệu đồng tiền vốn để khởi nghiệp bằng nuôi trâu bò vỗ béo theo hướng liên kết nhiều vùng để mở rộng thị trường.
Do nắm vững kỹ thuật, chịu khó học hỏi, đến năm 2019, anh có trong tay 150 con trâu, bò trị giá gần 4 tỷ đồng, ngày đó nuôi vỗ béo cứ 2 tháng sẽ cho lãi khoảng 5 triệu đồng mỗi con. Nhưng chăn nuôi nhiều, anh bắt đầu nhận thấy sự ô nhiễm của chất thải, thông thường sẽ rất khó có người tiêu thụ, mà số lượng cũng rất ít, giá bán cũng rẻ mạt.
Cuối năm đó, qua sự giới thiệu của người bạn, anh tham quan mô hình nuôi giun trùn quế để phân hủy chất thải chăn nuôi, sau đó bán phân hữu cơ của trùn để trồng cây mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Mê mẩn với mô hình mới, anh Thành bắt tay ngay vào làm, anh đầu tư 100 triệu đồng mua 5 tấn giun giống về để nuôi ngay phía sau mô hình chăn nuôi của gia đình.
Anh Dương Văn Thành.
Giun trùn quế có đặc điểm rất dễ nuôi, là loài giun đất có khả năng phân hủy chất hữu cơ thành phân bón giàu dinh dưỡng, chuyên ăn các chất hữu cơ như lá cây, rơm rạ, thức ăn dư thừa, nói cách khác là biến đổi thức ăn từ phân gia súc, gia cầm… thành phân trùn quế. Năm đầu tiên nuôi thử, do chưa nắm vững kỹ thuật, anh gặp thất bại, đàn giun bị hao hụt nhiều hoặc không phát triển, số lượng phân hữu cơ được giun tạo ra cũng không đáng là bao.
Mất nhiều ngày nghiên cứu quy trình, anh Thành tự mày mò, đầu tư đào ao hơn 500 m2, toàn bộ chất thải chăn nuôi chảy thẳng xuống ao và tự lắng, bên trên mặt nước anh sử dụng trồng bèo tây che kín để xử lý mùi. Máy bơm được sử dụng hút bùn từ đáy lên rồi cho giun ăn. Với cách làm sáng tạo, cuối năm 2020, anh thu được 500 tấn phân trùn quế thương phẩm, lãi được gần 400 triệu đồng.
Hiện nay, mỗi năm gia đình anh thu đều đặn 3 lần phân trùn quế, dao động từ 500 đến 700 tấn. Anh còn chủ động con giống tại các bể nuôi nên mô hình lúc nào cũng có sản phẩm để bán ra thị trường khi có yêu cầu.
Tạo giá trị lớn từ những điều nhỏ
Chính vì có phân trùn quế nên sau đợt bão giá trâu bò năm 2020 - 2021, nhiều gia đình chăn nuôi quy mô lớn lâm vào cảnh nợ nần thì kinh tế gia đình anh Thành vẫn đứng vững do thị trường ổn định với giá bán trung bình khoảng 1.600 đồng/kg. Đàn vật nuôi tuy có giảm nhưng không xảy ra tình trạng bán tháo như nhiều hộ gia đình.
Tự làm và thấy có hiệu quả, tháng 7-2021, anh Dương Văn Thành cùng 6 cá nhân có chung niềm đam mê chăn nuôi đã thành lập HTX Chăn nuôi Thành Lâm. Mục đích là chăn nuôi, nuôi giun trùn quế và bán sản phẩm hữu cơ sạch ra thị trường. Anh Nguyễn Văn Hải, Tổ dân phố 7, phường Mỹ Lâm (TP. Tuyên Quang) kể, gia đình anh trước đây là hộ cận nghèo, kinh tế chỉ trông vào 2 ha chè, mỗi năm thu hoạch được khoảng 5 tấn. Sau khi nhận lời tham gia HTX, sẵn có 2 con trâu, anh được chuyển giao một phần con giống giun quế, nuôi thử trên diện tích 10 m2, toàn bộ sản phẩm từ trùn anh dùng để bón cho cây chè.
Anh Dương Văn Thành hướng dẫn công nhân cách chăm sóc giun quế đúng quy trình.
Năm 2022, anh thu được 10 tấn chè búp tươi, năng suất cao gấp đôi, do mẫu mã đẹp nên giá bán ổn định khoảng 50.000 đồng/kg, thu nhập được 100 triệu đồng. Anh Hải phấn khởi nói, nuôi trùn quế vừa sạch môi trường lại có hiệu quả, năm 2024 anh dự định sẽ đầu tư 50 triệu đồng xây thêm bể mở rộng diện tích lên khoảng 100 m2 và có sản phẩm bán ra thị trường.
Để nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm vật nuôi của HTX, anh Thành còn chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đối tác. Anh khoe, mới ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi và Công nghệ nông nghiệp miền Bắc ở Bắc Giang. Khi đưa vào sản xuất theo quy mô, toàn bộ quy trình chăn nuôi của các thành viên sẽ đạt quy chuẩn, đảm bảo hàng hóa đạt yêu cầu.
Trao đổi với đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Bằng được biết, mô hình chăn nuôi trâu, bò kết hợp giun trùn quế của anh Dương Văn Thành là mô hình điểm về cách chăn nuôi khép kín của xã. Ngoài chăn nuôi giỏi, anh Thành cũng là hội viên có nhiều sự đóng góp trong phát triển nông nghiệp, nhất là việc cải tạo nguồn gen giống bò vàng bản địa bằng việc anh chăn nuôi bò đực nhập khẩu và cho nhiều hộ dân cải tạo đàn bò của gia đình. Ngoài ra mô hình chăn nuôi của gia đình anh Thành cũng tạo được việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.
Trước khi chia tay, anh Thành kể, các đối tác ở Sơn La, Hà Nội đang muốn đặt mua của anh vài nghìn tấn phân viên nén và hàng nghìn lít dịch trùn quế để xuất khẩu. Anh thỏ thẻ, thực ra biết là làm phân viên nén sẽ có thị trường ổn định, nhưng mình mới bắt đầu nên vẫn sợ không đủ kinh nghiệm, nhân lực. Bởi sản phẩm muốn đứng vững lâu dài phải có giá trị thật, ngoài chất lượng còn là bao bì, nhãn mác, nhận diện thương hiệu.
Anh Thành chia sẻ, mong tương lai cũng sẽ có thêm nhiều đơn vị hợp tác cùng HTX để nâng tầm các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp sạch đang ngày càng lên ngôi như hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết