Giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên

Văn hóa Tây Nguyên đa dạng, phong phú và giàu bản sắc; trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng hiện nay, văn hóa lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là tín ngưỡng truyền thống.
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: LÝ HOÀNG LONG)
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: LÝ HOÀNG LONG)

Trong các lễ thức của người Tây Nguyên, lễ bỏ mả (Pơthi) là lễ thức lớn, quan trọng và độc đáo nhất, diễn ra trong một tuần hoặc cả tháng tùy theo từng gia đình (gia đình càng có điều kiện thì lễ bỏ mả càng lớn và càng kéo dài thời gian). Trong lễ bỏ mả phải có trâu, bò, lợn, gà, rượu, gạo…; người dân ở các làng đến đánh cồng, chiêng tiễn biệt người mất, mỗi làng đem theo rượu và một bộ cồng, chiêng. Bỏ qua các yếu tố hủ tục như thời gian kéo dài, tốn kém, lễ bỏ mả thực ra chính là một cuộc trình diễn nghệ thuật lớn, phong phú và cũng mang tính tổng hợp nhất của người Tây Nguyên. Trong đó nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian được thể hiện một cách thuần thục, mang tính biểu tượng cao.

Một yếu tố quan trọng nữa trong lễ bỏ mả là nhà mồ và nghệ thuật đẽo tượng gắn chung quanh nhà mồ. Không phải ai hoặc bất cứ lúc nào cũng có thể làm tượng, mỗi làng chỉ có vài ba người có khả năng. Các sản phẩm làm ra phụ thuộc vào sự thăng hoa cảm xúc của nghệ nhân cho nên tượng nhà mồ rất sống động, dù thể hiện thần thái, tình cảm hay những hoạt động đời thường của con người.

Theo báo cáo của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, hiện nay toàn huyện có 13 xã, 2 thị trấn và 20 dân tộc anh em cư trú với 77.031 người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 50% số dân, đông nhất là dân tộc Gia Rai và Ba Na (trong đó người Ba Na chiếm 8,23%; Gia Rai chiếm 43,77%). Đây là hai dân tộc sinh sống lâu đời nhất tại Chư Păh.

Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số mà chủ yếu là người Gia Rai đã không còn phù hợp hoặc trở thành gánh nặng kinh tế đối với người dân. Sự mai một và suy giảm vai trò của hệ thống tín ngưỡng đa thần truyền thống đã khiến một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Gia Rai thiếu vắng điểm tựa tâm linh, trở thành lý do khiến một bộ phận người dân tìm đến với các tôn giáo khác. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền chia sẻ, khi các tộc người ở Tây Nguyên thay đổi tín ngưỡng thì niềm tin vào Yàng núi, Yàng sông,... về Mẹ lúa sẽ không còn. Kèm theo đó, hàng loạt lễ thức, sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng trong đó có lễ bỏ mả (Pơthi), mà trung tâm là nghi thức trình diễn cồng chiêng cũng bị loại bỏ. Khi không còn lễ bỏ mả và tập tục tín ngưỡng cổ xưa thì sẽ không có tục đẽo tượng ở nhà mồ và nghệ thuật trang trí dân gian cũng không còn.

Văn hóa Tây Nguyên đa dạng, phong phú và giàu bản sắc; trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng hiện nay, văn hóa lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là tín ngưỡng truyền thống.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Păh Nguyễn Minh Đức cho biết, chi phí cho một lễ bỏ mả hiện nay khoảng hơn 100 triệu đồng, với hộ gia đình khá giả thì không sao, nhưng đối với những hộ hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì sau lễ bỏ mả lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến đồng bào dân tộc Gia Rai không còn mặn mà với giá trị tín ngưỡng truyền thống. Ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh hiện chỉ còn hai làng Bui và Jruăng vẫn lưu giữ được các giá trị văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của dân tộc.

Một thách thức khi các phong tục tập quán truyền thống mang đậm chất anh hùng sử thi Tây Nguyên không còn, là sự thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ. Khi các giá trị hiện đại tràn vào và trở thành ưu tiên, các phong tục cổ truyền có thể không còn được coi trọng như trước. Do đó, việc giữ gìn nhà mồ và các phong tục liên quan đòi hỏi sự nỗ lực từ các cấp chính quyền, cộng đồng người Gia Rai và các tổ chức văn hóa.

Thời gian qua, huyện Chư Păh đã phục dựng thành công một số lễ hội truyền thống tiêu biểu, như: các lễ cúng nhà mới, cầu mưa, cúng bến nước, Lễ Pơ thi... Theo ông Nguyễn Minh Đức, các nghi lễ - lễ hội này được phục hồi đã thật sự trở thành ngày hội của cộng đồng, thắt chặt thêm tình đoàn kết, nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, để các tín ngưỡng truyền thống của người Tây Nguyên thật sự “sống” trong không gian diễn xướng của họ thì cần đánh thức tình yêu, niềm tin, niềm tự hào về văn hóa tín ngưỡng hơn là “thành tích hóa” hoặc “sân khấu hóa” trong các dự án bảo tồn, liên hoan hay hoạt động du lịch.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục