Muôn nỗi khó khăn
Nhìn lại câu chuyện về các ban, nhóm nhạc Việt với nhiều người giống như một thước phim quay chậm về thời thanh xuân của chính họ trong đời sống âm nhạc mà mỗi thời lại mang màu sắc khác nhau. Với khán giả thuộc thế hệ 7x, 8x và 9x, đó là những ban nhạc nhẹ mang phong cách thuần Việt như Con gái, Năm dòng kẻ, Tam ca áo trắng, Tam ca 3A, Tik Tik Tak, Ba con mèo, Quả dưa hấu, ban nhạc rock Bức tường... hay sau này là Mắt ngọc, Mây trắng, MTV...
Bước vào những năm 2000, khi làn sóng K-Pop tấn công giới trẻ, các ban nhạc hoạt động theo kiểu truyền thống dần tan rã. Thay vào đó, mô hình boyband, girlband theo kiểu Hàn Quốc mọc lên như nấm sau mưa. 1088 được coi là nhóm nhạc nam đầu tiên của Việt Nam đi theo mô hình của Hàn Quốc, có công ty quản lý chuyên nghiệp, ăn ngủ, đào tạo tập trung và gặt hái được nhiều thành công. Một số ban nhạc như 365, Vmusic, Monstar, YounQ... cũng đạt được những thành công nhất định khi hoạt động theo mô hình này. Tuy nhiên, ngay cả những ban nhạc được xây dựng theo mô hình "chuẩn Hàn" cũng không tồn tại được lâu. Hầu hết "đường ai nấy đi" sau vài năm hoạt động.
Ban nhạc Những đứa trẻ biểu diễn trong dự án LiveSpace Vietnam. Ảnh: Charly Carduner
Gần đây, đời sống âm nhạc có thêm màu sắc mới khi xuất hiện nhiều nhóm nhạc trẻ mang phong cách riêng, chú trọng tới yếu tố bản sắc. Đa số các ban nhạc mới này đều theo đuổi dòng nhạc Indie. Đặc tính chính của dòng nhạc này là tính độc lập, tự do. Các ban nhạc trẻ yêu thích dòng nhạc này bởi nó thể hiện được rõ cá tính, họ hầu như không bị giới hạn trong một khuôn mẫu nào. Hầu hết các nghệ sĩ Indie đều tự thân vận động trong tất cả các khâu, từ sáng tác, hòa âm, sản xuất đến phát hành, quảng bá. Đã có khá nhiều ban nhạc để lại ấn tượng với công chúng, như Ngọt - ban nhạc thuần Việt gây ấn tượng với nhiều ca khúc đi vào đời sống của giới trẻ một cách tự nhiên. Với 4 thành viên đều là những nghệ sĩ 9x, hoạt động âm nhạc một cách độc lập, thành công của Ngọt mang lại cảm hứng cho nhiều ban nhạc trẻ đi theo mô hình này, như Lộn xộn band, Oplus...
Nhìn vào sự xuất hiện rồi tan rã nhanh chóng của các nhóm nhạc, có thể dễ dàng tìm thấy nguyên nhân. Các ban nhạc tự thành lập trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước thường hoạt động trên nguyên tắc tình cảm, khi có sự bất đồng giữa các thành viên là nhóm tan rã. Các ban nhạc hoạt động theo mô hình K-Pop có thi tuyển thành viên, có công ty quản lý, nhưng lại không duy trì được sức nóng theo thời gian bởi khó tạo dựng phong cách riêng, các thành viên bỏ ra ngoài solo sau khi có danh tiếng... Các ban nhạc Indie hiện cũng đứng trước nguy cơ “sớm nở tối tàn” bởi những khó khăn rất riêng.
Trong buổi gặp gỡ báo chí trước dự án LiveSpace Vietnam - dự án tìm kiếm tài năng âm nhạc do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace tổ chức, đại diện một số ban nhạc tham gia như Limebócx, Những đứa trẻ và Chú cá lơ đã chia sẻ về nỗ lực tồn tại của họ. Một trong những khó khăn lớn nhất đó là vấn đề tài chính. Hoạt động âm nhạc không đủ để cho các nhóm chi trả nên họ phải làm thêm nhiều việc khác, thời gian dành cho âm nhạc không nhiều. Hải Hà, thành viên ban nhạc Chú cá lơ chia sẻ: “Các thành viên đều có công việc riêng. Rất khó để có được bản thu hoàn chỉnh bởi tất cả phải sắp xếp thời gian”.
Cùng chung tâm trạng đó, Nguyễn Bá Trường Sơn - thành viên ban nhạc Những đứa trẻ cho biết: “Khi mới chơi, chúng tôi chỉ có mối quan tâm duy nhất là âm nhạc. Nhưng giờ thì mọi người đã 25 - 26 tuổi, bắt đầu gặp nhiều áp lực hơn, phải lo cho cuộc sống của mình trước đã”. Mặc dù đã thành lập được 5 năm, có phần quen thuộc hơn với khán giả trẻ Hà Nội và từng có show diễn nhỏ “Mùa hè đến đây” nhưng doanh thu ít vẫn chưa đủ giúp Những đứa trẻ chi trả cho hoạt động âm nhạc.
Khó khăn nữa là các ban nhạc muốn tìm màu sắc âm nhạc riêng nhưng không có định hướng rõ ràng về cách hoạt động, hướng đi nên đến giờ vẫn còn loay hoay. Huy Tuấn - thành viên của Limebócx chia sẻ: “Mọi thứ, từ khâu sản xuất như master, mix... cần có sự hỗ trợ từ người chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi lại phải tự mày mò”. Chính vì mày mò nên nhiều sản phẩm có chất lượng tốt vẫn không được nâng tầm hay quảng bá đến công chúng một cách hiệu quả.
Tạo thêm cơ hội phát triển
Trong các ngành công nghiệp văn hóa, âm nhạc luôn được đánh giá là ngành có rất nhiều tiềm năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là âm nhạc dành cho giới trẻ. PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) đánh giá: “Ngành công nghiệp âm nhạc đem lại lợi nhuận lớn và hơn hết, nó tạo ra dấu ấn cho một xã hội đô thị hiện đại, từ đó tạo ra sự kiện quảng bá thương hiệu của một thành phố, thu hút du khách, thúc đẩy các lĩnh vực có liên quan phát triển”. Còn nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội khẳng định: “Đối tượng cần hướng đến của công nghiệp âm nhạc hiện nay là giới trẻ. Ở các nền công nghiệp âm nhạc trên thế giới, nghệ sĩ trẻ là lực lượng mang lại doanh thu lớn nhất".
Tuy nhiên, để các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là các ban nhạc trẻ có thể nắm giữ vị trí quan trọng như vậy thì cần rất nhiều điều kiện, trước mắt là tháo gỡ khó khăn để họ phát triển xứng với tiềm năng. Để tháo gỡ dần khó khăn, theo nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Dương Cầm, vấn đề quan trọng là phải tạo ra được cho họ những sân chơi, cơ hội tiếp cận công chúng. Chính vì vậy, anh đã tổ chức dự án Bandland - chuỗi chương trình dành cho những ban nhạc trẻ Việt Nam trên kênh YouTube Bandland Channel với kỳ vọng tạo "sân chơi" mới ươm mầm, phát hiện, phát triển các ban nhạc trẻ tài năng, triển vọng, đặc biệt là những ban nhạc Indie của Việt Nam. Cũng với hy vọng tạo ra sân chơi cho các ban nhạc tiếp cận công chúng nhiều hơn, Liên hoan các ban nhạc toàn quốc cũng đã được tái khởi động vào năm 2019 sau 27 năm gián đoạn, gameshow “Ban nhạc Việt” khởi động từ năm 2018 hay dự án LiveSpace Vietnam vừa được tổ chức... Tuy nhiên, gần như chưa có sân chơi nào thực sự gây tiếng vang, là bệ phóng tên tuổi cho các ban nhạc trẻ.
Định hướng về giải pháp được đề xuất trong Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đã xác định công chúng của công nghiệp âm nhạc là công chúng trẻ, chinh phục công chúng trẻ chính là các nghệ sĩ trẻ. Chính vì vậy, nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực này phải được chú trọng tạo điều kiện phát triển nhiều hơn nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết