Gồng mình chống lũ

- Theo Báo cáo của Đài Khí tượng và Thủy văn, mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đã lên trên mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm). Thời  tiết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, mưa nhiều ngày, mưa to diện rộng cùng với thủy điện Tuyên Quang xả lũ  khiến cho lũ trên hệ thống sông, suối vẫn tiếp tục lên. Đảm bảo an toàn cao nhất về người, Quân đội, Công an, các địa phương đã huy động tối đa lực lượng đưa người dân ra khỏi khu vực bị ngập.

Nhiều khu vực đã bị nước lũ nhấn chìm

Tại huyện Na Hang, theo phản ánh của các hộ dân tại thị trấn Na Hang từ ngày thủy điện được xây dựng đây là lần đầu tiên xuất hiện lũ lớn như vậy. Chị Đoàn Thị Tú Linh, tổ dân phố 8, thị trấn Na Hang cho biết, tầng 1 nhà chị đã bị ngập từ chiều ngày 9, rạng sáng ngày 10-9 nước tiếp tục lên. Hiện nước đã kịch trần, cứ tình hình nước lên như hiện nay chị và nhiều hộ dân trong tổ sẽ tiếp tục phải di chuyển để giữ an toàn.

Lực lượng quân sự đưa người dân đến nơi an toàn.

Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa khu vực thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vinh Quang, Yên Nguyên, Hòa Phú... cơn đại hồng thủy cũng nhấn chìm nhiều nhà dân, lúa mùa, cây màu, công trình. Ông Lưu Duy Phong, tổ dân phố Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, bắt đầu từ sáng ngày 9-9 nước lũ dâng lên rất nhanh, khiến gia đình không kịp trở tay, toàn bộ hàng hóa đã ngâm trong nước. Theo ông Phong, không chỉ gia đình ông bị thiệt hại, hàng trăm hộ dân trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc cũng bị thiệt hại do lũ.

Đồng chí Lê Thiện Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết: Đến 9h sáng ngày 10-9, đã có gần 1.000 nhà bị ngập; 4 nhà bị cuốn trôi cùng rất nhiều tài sản giá trị khác.

Trên địa bàn Yên Sơn, Tp Tuyên Quang và Hàm Yên nước lũ cũng trắng trời. Đồng chí Đào Quang Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Thành cho biết, phường có 328 hộ bị ngập, thuộc các tổ 1, tổ 2, tổ 3, tổ 4. Nếu nước tiếp tục dâng cao, số hộ dân trên địa bàn phường bị ngập, cô lập sẽ còn tăng.

 Theo báo cáo của UBND thành phố Tuyên Quang, tại các xã An Khang, An Tường, Thái Long, Đội Cấn, Hưng Thành, Nông Tiến, Tràng Đà... đều đã ghi nhận nhà dân bị ngập, hệ thống điện cũng gặp sự cố, mất điện ở nhiều khu vực. Người dân đang gồng mình chống lũ. Bà Vũ Thị Nhung, tổ 1, phường Hưng Thành cho biết: Cả đêm ngày 9-9 vợ chồng và các con bà không ngủ, thức trắng canh nước để di chuyển đồ đạc lên cao.

Tại vùng rốn lũ của khu vực huyện Sơn Dương, Yên Sơn hàng nghìn hộ dân cũng đã chìm trong biển nước, chưa kể nhiều khu vực còn bị cô lập do nước lũ. Theo lãnh đạo 2 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, nhiều điểm ngập kéo dài hàng chục giờ khiến cho cuộc sống của người dân rất vất vả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, mưa lớn khiến mực nước trên các sông dâng cao. Tại sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang ghi nhận đạt đỉnh trên 26,30m, trên mức báo động 3 là 0,30m. Hàng loạt các tuyến đường bị ngập nặng. Theo các chuyên gia Khí tượng và Thủy văn, đợt mưa lần này diễn biến nhanh, lũ trên các sông Lô, sông Gâm đạt mức báo động 3, khiến nhiều người dân “trở tay không kịp”, thiệt hại nhiều tài sản. Phản ánh của các địa phương nước lũ dâng cao, cấp ủy, chính quyền, người dân đang gồng mình để phòng, chống lũ.

Đảm bảo yêu cầu cao nhất về người, tài sản

Trước tình hình thiên tai nguy cấp, đêm 9-9,  UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đồng thời ra Công điện khẩn cấp yêu cầu: Lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội) dân quân các địa phương triển khai các lực lượng xuống cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đá, chủ động di dời sơ tán dân đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để người dân không có chỗ ở và thiếu đói khi phải di dời đến nơi an toàn. Tiếp tục tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Thiếu tá Nguyễn Duy Long, Đội CSGT đường thủy hỗ trợ người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại Trạm Công an Giao thông đường sông thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng, xuồng máy, ca-no tuần tra, kiểm soát tất cả các tuyến, điểm xung yếu để đưa người dân đến nơi an toàn. Thiếu tá Đỗ Duy Long cho biết: Suốt từ ngày 9-9, anh em đồng đội đã túc trực 24/24 để hỗ trợ di chuyển người dân trong vùng cô lập ra nơi an toàn. Bà Nguyễn Thị Tuyên, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) xúc động nói: Nước lũ lên nhanh trong đêm khiến gia đình bà không kịp trở tay, rất may các chiến sĩ công an đã ứng cứu kịp thời, các thành viên của gia đình đều được an toàn.

Không riêng lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng ứng trực sẵn sàng triển khai lực lượng hỗ trợ nhân dân.

Quân sự tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố triển khai tối đa lực lượng hỗ trợ các địa phương di chuyển người dân đến nơi an toàn. Tại Bộ chỉ huy 2 đơn vị trực chiến với gần 100 chiến sĩ cùng 20 xe cơ giới cùng phương tiện, áo phao, phao bè sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần.

Báo cáo sơ bộ đến 10 giờ ngày 10-9, trên 2.100 hộ dân đã được di chuyển đến nơi an toàn, không có thiệt hại về người.

Đảm bảo an toàn tính mạng người dân, lực lượng chức năng cũng đã hỗ trợ di chuyển tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Ông Lương Duy Toản, Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản cho biết, hiện tại chuồng trại, đàn bò của trang trại vẫn cơ bản ổn định, duy chỉ có máy móc, trang trại cũng đã nhận được sự hỗ trợ để kê cao tránh ngập úng hư hỏng.

Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó

Ghi nhận của phóng viên, đến sáng 10-9, lũ trên sông Gâm tại Na Hang xuống trên báo động 3. Một số tuyến đường của thị trấn Na Hang nước đã rút cùng với đó thủy điện Tuyên Quang cũng đã đóng 2 cửa xả đáy, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đường sá, sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng chức năng chốt chặn tại các điểm không để người dân đi vào khu vực bị ngập sâu.

Trên địa bàn huyện Sơn Dương, nước cũng đã rút ở một số vị trí. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh sau lũ, huyện đã yêu cầu các địa phương thực hiện đúng phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh ngay đến đó đồng thời triển khai ngay các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Nước đang rút dần, xã đã yêu cầu công an, quân sự, dân quân hỗ trợ các hộ dân bị ngập vệ sinh, sắp xếp lại tài sản. Những xác động vật chết cũng được thu gom, chôn, lấp theo đúng quy định hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.

Chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa lũ đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đến từng huyện, thành phố, yêu cầu các địa phương cần tập trung theo dõi, đặc biệt là chú ý nguy cơ cao sạt lở đất tại các khu vực miền núi, cần có phương án đề phòng sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Theo dự báo, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai phương án giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, tuyệt đối không để người dân thiếu đói; phòng trừ dịch bệnh; bảo đảm an toàn tại khu vực xung yếu, nơi nguy cơ xảy ra sạt lở.                  

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục