Ông Ma Đình Tặng, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình) cho biết, trước đây gia đình ông dẫn nước ở khe núi về hứng vào xô, chậu để dùng dần. Tuy nhiên mùa khô rất ít nước, gia đình chưa có bể chứa nên mùa mưa dù nhiều nước nhưng cũng không đủ nước để dùng. Nay được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình giải ngân cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, ông đã mua ống dẫn nước và xây được bể chứa phục vụ sinh hoạt của cả gia đình. Ông rất vui vì từ nay không còn lo thiếu nước sinh hoạt nữa.
Được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gia đình ông Ma Đình Tặng, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình) có nước sạch sử dụng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn chị Mùng Thị Chiến, thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình) phấn khởi nói, được vay vốn tín dụng chính sách 20 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của gia đình, chị đã khoan giếng, mua téc nước và đầu tư xây dựng thêm công trình vệ sinh. Nhờ vậy, gia đình đã có nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sinh hoạt hàng ngày đảm bảo, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Toàn huyện Lâm Bình hiện có 1.886 hộ được vay vốn với tổng dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 32,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch cho biết: Nguồn vốn đã giúp cho các hộ ở nông thôn xây dựng và sửa chữa được 1.858 công trình nước sạch và 1.872 công trình vệ sinh. Các công trình đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa của huyện.
Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang, tổng dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt hơn 487 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là huyện Sơn Dương 105 tỷ đồng, huyện Yên Sơn là hơn 104,5 tỷ đồng, các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên lần lượt là 91,5 và 93,3 tỷ đồng… Tổng số công trình nước sạch được xây dựng là 3.272 công trình, công trình vệ sinh được xây dựng là 3.234 tỷ đồng.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tuyên truyền tới người dân về chính sách cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Những kết quả đạt được của chương trình cho thấy việc ban hành chính sách tín dụng chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường là cần thiết, đảm bảo tính phù hợp, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Ngoài ra, được sử dụng nước hợp vệ sinh, người dân giảm bớt nỗi lo bệnh tật từ nguồn nước; có các công trình vệ sinh đạt chuẩn, ý thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân cũng được nâng lên, chung tay góp sức xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn mới tại địa phương.
Để chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền về lợi ích cũng như ý nghĩa của chương trình, đồng thời lồng ghép kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Gắn việc cho vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu chính góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường huy động vốn, chuẩn bị tốt nguồn vốn đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của người dân trong năm 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết