Để hiện thực hóa mục tiêu, ngày 30-3, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng”.
Hội thảo “Định vị xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết vùng”.
Hành trình của cảm xúc
Hà Giang là tỉnh cực Bắc của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch khi sở hữu tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo của 19 dân tộc.
Năm 2023, Hà Giang là điểm đến trong nước được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google, trở thành Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; được bình chọn là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; xếp thứ 25/52 điểm đến tuyệt vời cho khách du lịch toàn cầu; nhiều điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch Hà Giang đạt thương hiệu ASEAN…
Hẻm Phong Lưu - địa điểm mới của tuyến du lịch Cao Bằng - Hà Giang.
Hà Giang có nhiều điểm đến đã ghi dấu trong lòng du khách như: Cao nguyên đá gắn với các điểm đến Cột cờ Lũng Cú, nhà vua Mèo, đèo Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, phố cổ Đồng Văn… Bên cạnh đó, Hà Giang có nhiều sản vật đặc trưng: Mật ong bạc hà, cam sành, dược liệu quý, chè san tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh…
Thông tin về du lịch Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, từ năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, đây là nền tảng hình thành nên thương hiệu du lịch Hà Giang thông qua việc khai thác di sản quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5 triệu lượt vào năm 2030.
Khẳng định sức hút của du lịch Hà Giang trong phát triển liên kết vùng Đông - Tây Bắc và cả nước, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, du lịch Hà Giang là hành trình của cảm xúc, rất hấp dẫn với cả khách trong nước và quốc tế. Du lịch đang giúp Hà Giang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng thêm sức hấp dẫn lớn với toàn vùng Đông - Tây Bắc.
Cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng quan điểm, sức hấp dẫn nổi bật của du lịch Hà Giang là thiên nhiên hùng vĩ, sự độc đáo về địa chất của cao nguyên đá, văn hóa dân tộc bản địa còn nguyên bản, ẩm thực hấp dẫn. Tuy nhiên, du lịch Hà Giang hiện vẫn chủ yếu dựa vào truyền thông mạng xã hội và khách lẻ nên doanh thu du lịch chưa cao.
Đoàn khảo sát của Liên chi hội Lữ hành Việt Nam phối hợp hai tỉnh Cao Bằng, Hà Giang khảo sát cứ điểm Đông Khê (Cao Bằng) trong hành trình xây dựng tour liên kết Cao Bằng - Hà Giang, diễn ra từ ngày 26 đến 30-3.
Trước bài toán định vị và phát triển du lịch Hà Giang để phát triển bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, với nguồn lực hiện có, Hà Giang cần xác định du lịch là ngành kinh tế chủ lực, từ đó có định vị và kế hoạch phát triển rõ ràng, với chính sách đầu tư riêng.
“Xu hướng du lịch của khách quốc tế đã thay đổi. Bên cạnh việc tập trung cho chuyển đổi số, Hà Giang cần tập trung chuyển đổi xanh để phát triển du lịch bền vững. Điều cốt lõi là phải giữ được bản sắc dân tộc, sinh thái”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm này, ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng đề xuất 4 nhóm giải pháp cho du lịch Hà Giang, trong đó gợi ý, Hà Giang cần xây dựng giá trị cốt lõi của điểm đến dựa trên sự thân thiện, mến khách của cộng đồng doanh nghiệp, các dân tộc. Bên cạnh đó, Hà Giang cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng, nên nhấn mạnh việc Hà Giang là một cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam.
Để du lịch Hà Giang phát triển mạnh, mang lại doanh thu lớn, góp phần tăng sức hút cho du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị, tỉnh Hà Giang cần có sự kết nối với cộng đồng doanh nghiệp cả nước; phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong phát triển du lịch.
“Hà Giang xác định lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hóa, phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững; tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trong liên kết vùng”, ông Tạ Quang Đông đề nghị.
Gửi phản hồi
In bài viết