Đầu đời vua Gia Long (1802) đến đầu đời vua Minh Mệnh vẫn giữ nguyên như thế. Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) mới đổi là huyện Hàm Yên”. Chữ Sóc Sùng có nghĩa là Khởi đầu đầy đủ, hoặc Sùng bái sự đầy đủ. Chữ Văn Yên có nghĩa là Văn minh thư thái; chữ Sùng Yên là An ninh trọn vẹn; chữ Phúc Yên là Hạnh phúc và Yên ổn. Chữ nào cũng có nghĩa tốt đẹp. Như vậy đến năm 2021 này danh xưng Hàm Yên đã có được năm 199, sang năm 2022 tròn 200 năm; còn tính từ thời Nhà Trần, năm 1225 đến năm 2021 thì danh xưng Hàm Yên đã có tới 797 năm.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng Hàm Yên ở cách phủ An Bình 37 dặm về phía Bắc. Đông Tây cách nhau 81 dặm, phía Đông đến địa giới châu Chiêm Hóa 52 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Sơn Dương tỉnh Sơn Tây 29 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Hùng Quan tỉnh Sơn Tây 29 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Vị Xuyên 37 dặm. Như vậy, Hàm Yên thời Minh Mệnh thứ 3 (1822) rất rộng, bao gồm toàn bộ huyện Yên Sơn, huyện Hàm Yên và TP Tuyên Quang ngày nay, chứ không chỉ là huyện Hàm Yên bây giờ. Hàm Yên năm 1868 đã có 10 tổng, 62 xã, phố, vạn, trại, đến đời vua Đồng Khánh (1885 - 1888) huyện Hàm Yên vẫn giữ 10 tổng, nhưng có tới 70 xã, phố, phường, vạn trại, đặc biệt là đã có ba phố là phố Tam Kỳ, phố Xuân Hòa, phố Khách, hai phường là phường Quảng Thị và phường Chử Thị.
Năm 1435 cách nay 586 năm, khi đất nước trong đó có miền Sùng Yên (Hàm Yên ngày nay) của Trấn Tuyên Quang sạch bóng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã dâng vua Lê Thái Tông cuốn sách Dư Địa Chí. Vua đã sai những người cùng thời với Nguyễn Trãi là Nguyễn Thiên Túng viết tập chú, Nguyễn Thiên Tích viết Cấn án và Lý Tử Tấn viết Thông luận. Trong chương 29, khi viết về sông Lô chảy qua Hàm Yên các ông đã viết thế này:
“Lô là tên sông lớn, phát nguyên tự Tam Giang, chạy đến Kiến Lộ hợp với sông Thao sông Đà”
Ta đều biết sông Lô từ Hà Giang chảy qua địa phận Hàm Yên. Sách Đồng Khánh địa dư chí viết “chỉ tính đoạn sông từ xã Nhân Thọ thuộc bản huyện, tức là thuộc tổng Yên Lũng giáp với xã Bình của huyện Vị Xuyên đến ngã ba Cường Nỗ hay gọi là Tam Kỳ của tổng Yên Lĩnh, tức là cửa sông, nơi sông Lô và sông Gâm gặp nhau dài tới 120 dặm, có không biết bao nhiêu ghềnh thác”( Đồng Khánh địa dư chí - trang 861- tập I NXB Thế giới 2003).
Trong phần phụ lục về Tuyên Quang trong Dư Địa chí của Nguyễn Trãi có những câu: “Tại Tuyên Quang có 4 đá thác gọi là đá “Trung viên phu phụ” (Thác vợ thác chồng) và đá “Tiên Thiềm mẫu tử” (Cóc mẹ cóc con). Có hai chỗ nước réo (hám thủy) gọi là “Hý tượng cảng” và “Tẩu Mã cảng”. Đá đứng chéo nhau, đường sông sâu hiểm, sông nổi cuồn cuộn, tiếng nước chảy réo nghe vang xa đến hơn nửa dặm, bè chở qua đấy, nếu chèo chống không khéo thì bị mắc vào trong hang đá. Khi Tĩnh Vương (chúa Trịnh Sâm) đi dẹp miền Tây (Tuyên Quang), sai lính bắn bốn hòn đá ấy, đá đều đổ xuống sông. Vài ngày sau, đá “Tiên Thiềm” lại nối đuôi nhau, đá “Trung viên” lại đội nhau như cũ. Lính sợ lắm đem việc ấy nói với Tĩnh Vương, Tĩnh Vương sai giết bò làm lễ những hòn đá ấy”. (Dư địa chí - trang 47 - NXB ĐHQG - TPHCM 2019).
Hai thác đá và hai Hám thủy (chỗ nước réo) ấy đều thuộc đất Hàm Yên. Nếu bạn đã lên đền Thác Cái ở xã Yên Phú huyện Hàm Yên ở cây số 68 đến 70 ngay vệ đường Quốc lộ số 2, bạn nghe sẽ thấy tiếng voi gầm (Hý Tượng cảng), tiếng ngựa Hý (Tẩu Mã cảng) rồi sẽ thấy có cả Thác Thút, dân quen gọi là Thụt, và Thác Cái, Thác Vàng... Trong 173 thác ghềnh trên sông Lô của Tuyên Quang thì đoạn sông Lô chảy qua địa phận Hàm Yên là nhiều thác ghềnh nhất. Cây Sui trên 500 tuổi và đền Thác Cái là những vật chứng sống về những thác ghềnh nguy hiểm bậc nhất trên đất Hàm Yên giờ vẫn sống, cao vút, soi bóng cây, bóng đền xuống dòng sông Lô.
Từ “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đến “Tuyên Quang tỉnh Phú” của Đặng Xuân Bảng, Tuyên Quang trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, đến “Đồng Khánh địa dư chí” và “Đại Nam nhất thống chí”, đều thấy viết về huyện Hàm Yên, bởi vì đây từng là Trung tâm của trấn Tuyên Quang thời Lê và thời Nguyễn!
Trong miền cổ tích Hàm Yên có một chuyện rất thật, đó là Hàm Yên có một Tiến sĩ Nho học duy nhất của cả Trấn Tuyên Quang trong suốt thời kỳ phong kiến từ 1075 đến năm 1919. Sách Đại Nam Nhất thống chí, tập IV trang 419 quyển 23 viết rằng, Đời Lê có “Tạ Thông người xã Yên Hưng, huyện Sùng Yên (nay là Hàm Yên) lúc bé có tiếng thần đồng, đỗ Đồng Tiến sĩ thời Hồng Đức, làm quan đến Phó Đô Ngự sử”. Theo Từ điển Chức quan Việt Nam của PGS Đỗ Văn Ninh thì Đô ngự sử là chức quan trong Ngự Sử Đài, Phó Đô ngự sử là chức Trưởng quan của cơ quan này, trật Chánh tam phẩm, vinh danh Tư chính thượng khanh. Đây là cơ quan chuyên giữ phong hóa pháp độ của Nhà Lê.
Sách Các nhà Khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919 do NXB Văn học xuất bản năm 2006 viết rằng, trong số 1.004 các nhà khoa bảng thời Lê Sơ, có một người tên là Tạ Thông, trong danh sách tiến sỹ thời Lê Sơ ông mang số 338. Sách này viết “Tạ Thông người xã Yên Hưng, huyện Sùng Yên (Hàm Yên), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) đời Lê Thánh Tông, có tiếng thần đồng”. Trong bia số 5 đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám “Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1475)” có viết “Nước Hoàng Việt đổi niên hiệu Hồng Đức đến năm thứ 6, đúng lúc mở khoa thi lớn, sĩ tử tới Kinh Đô dự thi đông đến trên 3000. Qua bốn trường, lấy trúng cách 43 người”, trong đó Tạ Thông xếp thứ 22 trong số 27 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tạ Thông đã làm vẻ vang cho đất Sùng Yên, Tuyên Quang xưa và Hàm Yên ngày nay vì chỉ có mình ông trong suốt 844 năm từ thời Lý 1075 đến hết khoa thi Hán học cuối cùng năm 1919 là người duy nhất đỗ Đệ tam đồng tiến sĩ xuất thân trong làng khoa bảng Việt Nam.
Chuyện xa xưa là như thế, chuyện trước 1954, huyện Hàm Yên một thời đã được nâng lên thành Phủ, phủ này có tên gọi là phủ Toàn Thắng. Phủ này gồm các xã Bạch Xa, Bằng Cốc, Bình Xa, Đức Ninh, Hùng Đức, Minh Dân, Minh Hương, Minh Khương, Nhân Mục, Phù Lưu, Tân Thành, Thái Hòa, Thái Sơn, Thành Long, Yên Lâm, Yên Phú, Chiêu Yên, Lang Quán, Phúc Ninh, Thắng Quân, Tứ Quận và thị trấn Tân Yên. Phủ Toàn Thắng này tồn tại cũng không lâu, do tỉnh Tuyên Quang thời kháng chiến đặt ra. Tên Phủ Toàn Thắng, nghĩa là không bao giờ thua, một lần nữa lại nhắc ta nhớ đến mảnh đất HÀM YÊN địa đầu ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, nó nhắc ta luôn nhớ không bao giờ được quên Tuyên Quang là PHÊN DẬU THỨ BA, là THÀNH ĐỒNG ở phía Tây của đất nước, muôn đời là cửa ngõ che chắn cho thủ đô của nước Việt như dân ta vẫn truyền tụng “TUYÊN THÀNH VẠN CỔ ÁN THĂNG LONG!”
Gửi phản hồi
In bài viết