Hành trình của anh Dũng

Giám đốc doanh nghiệp này là anh Hoàng Văn Dũng, quê gốc ở Hưng Yên. Anh Dũng vốn là lái xe công trường. Bao năm mải miết ôm vô lăng, chạy khắp các công trường trong và ngoài tỉnh, nhiều lúc chùn chân mỏi gối, cũng muốn chọn lấy một công việc ổn định hơn để an cư lạc nghiệp. Đến khi lấy vợ, có con, anh Dũng quyết định nghỉ việc, tìm một kế sinh nhai ổn định, gần nhà để có thể đỡ đần được vợ con.

Thôn Oăng, cũng như các thôn của xã Đạo Viện nhiều năm nay được phủ xanh bởi cây lâm nghiệp. Là dân công trường, nhưng cũng là người có “hoa tay”, anh Dũng mở xưởng đóng đồ gỗ gia dụng. Bàn ghế, giường tủ, sập gụ… bất cứ món gì người dân quanh vùng đặt hàng, anh đều lên thành hình. Nhưng chỉ được vài năm, xưởng của anh không cạnh tranh được với các mặt hàng từ các làng nghề dưới xuôi chuyển lên, anh Dũng lại loay hoay tìm hướng đi mới.


Công đoạn bóc gỗ, dập máy tạo hình tại cơ sở của anh Hoàng Văn Dũng.

Câu chuyện bắt đầu khi sinh nhật con. Cắt chiếc bánh sinh nhật, bón con ăn bằng chiếc thìa nhỏ vẫn còn vương mùi nhựa mà cửa hàng bán bánh ngọt cung cấp sẵn, anh băn khoăn lắm. Thời điểm này, cuộc vận động hạn chế đồ dùng bằng nhựa đang được phát động tại nhiều địa phương, anh Dũng mày mò tìm kiếm những thông tin liên quan và khá hoảng hốt khi biết một chiếc dao nhựa, thìa nhựa mất đến hơn 200 năm để phân hủy. Ngày sinh, với mỗi người đều là ngày rất đặc biệt, nhưng hệ quả để lại sau mỗi lần cắt chiếc bánh ý nghĩa này lại tác động đến môi trường suốt 200 năm, lại là câu chuyện đáng để suy ngẫm.

Năm 2016, “cải tạo” lại xưởng đóng đồ mộc chuyển sang sản xuất thìa gỗ, dao gỗ cung cấp cho các cơ sở bán bánh sinh nhật trên địa bàn tỉnh, mô hình sản xuất các đồ dùng thân thiện với môi trường của anh Hoàng Văn Dũng bắt đầu hành trình chinh phục thị trường.

Công đoạn dập máy để tạo hình thìa, dĩa và sản xuất que kem tại cơ sở .

Anh Dũng chia sẻ, đây cũng là hành trình mình phải lò dò “đi nhặt tiền lẻ”, vì chưa làm chủ được kỹ thuật, chưa biết cách kết nối, tìm kiếm thị trường. 4 tháng đầu tiên được anh Dũng ví như thời gian thử nghiệm. Những chiếc dao, thìa không đảm bảo kỹ thuật bỏ đi đến 70 – 80%. Những chiếc đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng, anh tự tay đem đến từng cơ sở sản xuất bánh ngọt chào hàng, và được bạn hàng đồng ý mua… theo cân. Mỗi ki-lô-gam dao, thìa chỉ có giá 80 nghìn đồng. Nhưng anh Dũng không nản chí. Là bởi, quá trình tìm hiểu thị trường, anh biết, cơ sở của anh là cơ sở thứ hai trong cả nước, sau cơ sở đầu tiên ở Bắc Giang, sản xuất các sản phẩm này. Nhờ thế, sức cạnh tranh của các sản phẩm thân thiện với môi trường vô cùng rộng mở. Việc cần làm chỉ là làm sao nâng cao chất lượng và đa dạng các sản phẩm mà thôi.

Chinh phục được thị trường trong tỉnh và sản phẩm làm ra bắt đầu đảm bảo chất lượng, anh Dũng lại tự tay cầm từng sản phẩm đến chào hàng tại các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất lớn trong nước, từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Hà Nội. Anh Dũng cười chia sẻ, hành trình này còn khó khăn hơn nhiều. Vì nghe đến Tuyên Quang đã xa xôi rồi, nghe đến thôn Oăng ở Đạo Viện lại càng xa lạ. Nhiều bạn hàng không tin ở một xã miền núi vùng cao lại có thể sản xuất được sản phẩm mang tính “thời sự” như thế. Lợi thế là sản phẩm của mình có chất lượng tốt, sức cạnh tranh tốt, nên sự xa cách địa lý không phải là rào cản lớn.  

May mắn mỉm cười khi cơ sở ở Bắc Giang đặt hàng anh sản xuất một lô sản phẩm que kem, que khuấy cà phê… anh Dũng quyết định “chơi lớn”, mày mò sang Trung Quốc tìm kiếm các loại máy móc về phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động.

Sau 5 năm chinh phục thị trường, giờ xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng đã bắt nhịp tương đối ổn định. Hơn chục lao động trong xưởng đều là người nông dân trong xóm, trong xã với mức thu nhập hàng tháng từ 5- 6 triệu đồng/người. Cả nhà xưởng đã được đầu tư hệ thống máy móc trị giá hơn 2 tỷ đồng. Mỗi tháng, xuất bán ra thị trường gần 1 triệu sản phẩm các loại.

Ngoài các cơ sở bánh ngọt, các nhà hàng, khách sạn, các sản phẩm của Công ty TNHH Hải Đăng đã có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp sản xuất kem lớn trong nước như hãng kem Tràng Tiền, Việt Thái (Hà Nội); Bình Dung – Bình Dương (Hải Dương); Hoa Long (Bắc Ninh).  Đồng thời, đã bắt đầu nhận một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Ấn Độ. 


Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng (ảnh trên). Chị Hà làm việc tại xưởng đã 4 năm nay, mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng (ảnh dưới).
 

Ngoài các cơ sở bánh ngọt, các nhà hàng, khách sạn, các sản phẩm của Công ty TNHH Hải Đăng đã có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp sản xuất kem lớn trong nước như hãng kem Tràng Tiền, Việt Thái (Hà Nội); Bình Dung – Bình Dương (Hải Dương); Hoa Long (Bắc Ninh).  Đồng thời, đã bắt đầu nhận một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Ấn Độ.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, thị trường truyền thống của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng cũng bị thu hẹp lại. Anh Dũng chuyển sang tiếp thị và bán sản phẩm trên các nền tảng công nghệ số. Mạng xã hội như Zalo, Facebook được anh tận dụng triệt để. Các gian hàng trên các trang thương  mại điện tử như Shoppee cũng được anh tiếp cận để tìm kiếm các bạn  hàng mới. Tin vui khi giữa năm 2021, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hà Nội đã quyết định lựa chọn Hải Đăng để ký kết hợp đồng sản xuất dao, thìa, dĩa gỗ xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, Ấn Độ, Ăng gô la…


Một bộ sản phẩm dao, thìa, dĩa gỗ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng có giá bán 700 đồng và được các cơ sở sản xuất bánh ngọt trong và ngoài tỉnh đặt hàng.

Anh Dũng cười, ngày trước lái xe công trường, có bao giờ nghĩ mình thành giám đốc thời công nghệ số như này đâu. Giờ thì “nước chảy thuyền trôi”, mình cũng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, trở thành phiên bản tốt hơn và hiện đại hơn của chính mình. Chính những nền tảng số đã giúp tiêu thụ 40% lượng hàng hóa sản xuất ra của Công ty trong năm vừa rồi.

Hỏi về giấc mơ năm mới khi năm cũ đang dần khép lại, Giám đốc Hoàng Văn Dũng cười, mình đang bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của doanh nghiệp, để năm 2022 và những năm tiếp theo vươn mình ra thị trường lớn hơn, nhiều sức cạnh tranh hơn. Mong ước lớn nhất thời điểm này, chính là làm sao để có một mặt bằng sản xuất lớn hơn, để có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong thôn, trong xã.

Rời Oăng trong cái lạnh cuối năm se sắt nhưng tiếng lách cách máy móc như làm không khí thêm ấm lại, no ấm và đủ đầy hơn. Như cách nói của Giám đốc Hoàng Văn Dũng, nếu không muốn bị đào thải thì mình phải thay đổi để thích nghi. Huống hồ, sự thay đổi của mình phù hợp và đóng góp phần nào để bảo vệ môi trường sống khi cuộc chiến với rác thải nhựa đang ngày càng khốc liệt như hiện nay.  
 

Bài, ảnh: Trần Liên