Hành trình đến với dược liệu thuận tự nhiên

- Làm nông nghiệp sạch chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng, thậm chí rất gai góc. Đặc biệt việc trồng dược liệu thuận tự nhiên còn nhiều điều mới mẻ, khó khăn. Thế nhưng lâu nay núi rừng Lâm Bình lại có sức hút kỳ lạ để bao người gửi gắm trọn vẹn giấc mơ ấy. Từ mảnh đất này đã chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị về người trẻ theo đuổi hành trình bền lâu, đầy tính nhân văn này.

 “Chàng Robinson” đến từ Sài Gòn

Nhiều người ví trang trại của lương y Hoàng Quốc Thanh tựa như 1 khu resort độc lạ trên đỉnh núi ở Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình). Ở đó có căn nhà sàn nằm cheo leo, dáng hình nhỏ xinh, trang trí rất nghệ thuật. Bên cạnh là chòi lợp lá cọ đặt trọn giữa ao cá nhỏ, nơi khá thi vị để vừa chuyện trò vừa thưởng thức trà. Ngoài ra còn có võng, bồn tắm, bể bơi được thiết kế rộng rãi. Trang trại biệt lập với thế giới bên ngoài và ai muốn đến đây phải mất 30 phút leo bộ lên đỉnh núi.

- Khi lên được nơi này, đứng chỗ này nè, nhà mình phải buông bỏ những bận tâm để hòa vào thiên nhiên đấy nha!

Chất giọng miền Nam, lương y Hoàng Quốc Thanh tự tin, hài hước là hướng dẫn viên trong suốt cuộc hành trình dẫn chúng tôi vượt núi, băng rừng. Anh thông thạo đặc điểm từng loại cây, tất cả được truyền đạt lưu loát và tràn đầy năng lượng.

Cuối năm 2020, lương y Hoàng Quốc Thanh từ TP Hồ Chí Minh phồn hoa tìm đến với Lâm Bình để thực hiện Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng thuận tự nhiên. Anh thành lập Công ty TNHH một thành viên Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình. Đầu năm 2021, qua khảo sát địa hình, chất đất, anh lựa chọn khu rừng tại Bản Thàng, xã Phúc Yên để làm trang trại trồng thảo dược.

Đặt chân lên trang trại của Robinson Hoàng Quốc Thanh mới thấy được sự quy mô và khoa học. Đó là 5 ha cây thuốc được trồng theo phương pháp nông nghiệp tự nhiên và nông nghiệp cộng sinh. Anh lý giải, nông nghiệp thuận tự nhiên được xem là một phương pháp thiền trong nông nghiệp. Ở đó hướng đến cách phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ hệ sinh thái và người nông dân tiến hành trồng và để cây phát triển theo bản năng của riêng nó. Trong quá trình làm cần hạn chế cải tạo đất, hạn chế việc can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của cây trồng. Nói đúng hơn đây là cách làm “không làm gì cả”:  không cày xới, không bón phân, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Lương y Hoàng Quốc Thanh (thứ 3 từ trái qua phải) giới thiệu cho du khách miền Nam
về mô hình trồng dược liệu thuận tự nhiên.

Hiện nay tại trang trại, lương y Thanh đã trồng được 5 ha các loại dược liệu, một số loại cây được trồng dưới tán rừng hay cạnh bìa rừng. Điển hình như nhung khôi, hương thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích... Tất cả đều được anh Thanh thiết kế, kiến trúc lại để các loại cây tương sinh, tương hỗ cho nhau. Anh luôn nhấn mạnh rằng, mỗi loài cây đều sinh trưởng theo cách của chúng, chứa đựng những vai trò nhất định, hoặc nuôi dưỡng hoặc khắc chế lẫn nhau. Nếu hiểu hết tâm tính từng loài cây, người nông dân sẽ như một “kiến trúc sư” sắp xếp lại vị trí, chỗ ở của từng loại thảo dược để chúng cùng tương hỗ sinh trưởng, phát triển.
Với kinh nghiệm trồng và quản trị kinh doanh dược liệu nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Kon Tum, Yên Bái, Lào Cai... lương y Hoàng Quốc Thanh tự tin với mô hình của mình. Với cách làm này cây thuốc nâng cao được dược tính đồng thời góp phần bảo vệ môi trường xanh, không can thiệp hệ sinh thái, hòa hợp với tự nhiên. Từ đó là điểm đến của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Mô hình này hiện tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ, mô hình của lương y Hoàng Quốc Thanh được chính quyền, địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Hiện nay tại địa bàn xã Phúc Yên, 7 hộ dân cũng đang triển khai trồng dược liệu, tương lai sẽ thành lập vườn rừng dược liệu sạch. Đây là một trong những mô hình được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham quan khi đến Lâm Bình vào cuối tháng 3-2022.

“Hết rừng già, hết thuốc người Dao”

Hàng trăm năm nay, người Dao đỏ xã Bình An (Lâm Bình) vốn nổi tiếng với những bài thuốc nam gia truyền chữa các loại bệnh về gan, thận, phổi, thuốc lá tắm... Trước đây các ông lang, bà mế người Dao thường lên rừng tìm lá thuốc, qua thời gian nguồn tài nguyên đó dần cạn kiệt. Và người khởi phát trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng thuận tự nhiên không ai khác là những người trẻ nơi đây.

Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm thuốc nam, anh La Văn Dũng hiểu rằng trên rừng có chứa hàng nghìn cây dược liệu, vốn được coi là kho thuốc quý. Thế nhưng lâu nay việc gìn giữ “kho báu” này chưa được chú trọng khiến nhiều cây thuốc có nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tiệt chủng. Do đó cần có cách làm để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý. Nỗi trăn trở đó khiến chàng trai trẻ tự học hỏi rồi mày mò trên sách báo, mạng xã hội, tham khảo một số mô hình của người Dao ở Lào Cai, Sơn La... Và mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã mở ra hướng đi mới cho bà con nơi đây.

Các thành viên Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An thu hái thuốc dưới tán rừng.

Anh Dũng chia sẻ, năm 2020, gia đình anh tiên phong thực hiện trồng những cây thuốc như: cây mật gấu, cây bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, kim tuyến... dưới những tán rừng. Đây là mô hình trồng trên đất tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón. Hiểu được cách làm này sẽ mang đến nguồn dược liệu sạch, phát huy được tối đa dược tính, thế nên ngay khi mới triển khai nhiều hộ người Dao ở thôn Tân Hoa đã đồng tình để thực hiện trồng thử nghiệm.

Đây cũng là động lực để đầu năm 2021, Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An ra đời. Hợp tác xã có 13 thành viên, do anh La Văn Dũng làm Giám đốc. Sau một thời gian triển khai, hiện nay Hợp tác xã đã trồng được hơn 20 ha dược liệu thuận tự nhiên.

Bà Triệu Thị Tâm là một trong những lang y nổi tiếng mát tay. Bà là hội viên Hội đông y huyện Lâm Bình từ năm 2014. Bà chia sẻ: “Từ xa xưa người Dao thường nói rằng “hết rừng già, hết thuốc người Dao” và để câu nói đó luôn đúng thì ngay từ bây giờ chúng tôi phải có trách nhiệm. Theo kinh nghiệm, dược liệu quý thường sinh trưởng dưới tán rừng, thế nên để gìn giữ “kho báu” này thì phải trồng, nhân giống. Hiện nay chúng tôi đã khôi phục được khoảng 10 cây thuốc quý có nguy cơ tiệt chủng như cây hoàng liên ô rô, hoàng đàng, chọp diếu, cây trâu cổ...”.

Đến thăm trụ sở Hợp tác xã mới thấy được sự tất bật bận rộn của các ông lang, bà mế. Sau khi hái thuốc, người sơ chế, người sấy, đóng gói, tư vấn bán hàng... Lương y trẻ Phan Thừa Thuận, thành viên Hợp tác xã chia sẻ, thuốc chữa bệnh trước hết phải sạch thì mới điều trị được bệnh. Và việc trồng thuận theo tự nhiên, không cần chăm sóc, cây thuốc tự sinh tồn. Ngoài ra, trồng xen canh các loại cây thuốc phát huy tác dụng tương hỗ nhau. Ví dụ như những cây chùm ngây, hoàn ngọc có thân gỗ sẽ vươn lên cao hơn che chở cho cây tầm thấp là đinh lăng, xạ đen, bồ công anh... Rau ngót nhật, mướp đắng, sài đất sẽ bò lan dưới mặt đất. Các cây họ đậu được trồng như cây phân xanh bổ sung đạm cho đất... Các sản phẩm tròn đầy chất và vị bởi được kết tinh đủ thời gian cùng nắng, gió... Đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường rừng, độ ẩm, côn trùng có lợi...

Hiện nay, Hợp tác xã có khoảng 15 ha diện tích thuốc đã được khai thác phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Đồng chí  Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ, Lâm Bình là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng trong phát triển cây dược liệu quý hiếm. Việc phát triển dược liệu thuận tự nhiên dưới tán rừng là hướng đi hiệu quả. Qua quá trình triển khai thực hiện các mô hình vừa giúp bảo tồn cây dược liệu trong tự nhiên, vừa tận dụng được không gian dưới tán rừng, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh. Từ đó tạo sinh kế cho người dân, vươn lên làm giàu từ chính tri thức bản địa của dân tộc mình.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục