Những năm gần đây, các bảo tàng đã có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức trưng bày, thu hút đông đảo khách tham quan, thực sự trở thành nguồn lực phát triển văn hóa, du lịch.
Du khách trải nghiệm tour du lịch đêm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Hút khách bằng công nghệ
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian qua, nhiều bảo tàng đã đẩy mạnh số hóa, đưa công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày, tham quan, như: Thuyết minh tự động, công nghệ thực tế ảo, bán vé điện tử... Những hình thức này đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho khách tham quan.
Đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày phải kể đến là Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Không chỉ giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm thú vị, công nghệ này còn có khả năng lưu trữ lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngay cả khi trưng bày đã kết thúc.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan, với việc đưa ứng dụng công nghệ, du khách có thể truy cập vào website của bảo tàng, tìm hiểu hiện vật trên nền tảng 3D. Ngoài ra, trên phần mềm này, du khách có thể truy cập vào phần tra cứu thông tin hoặc tương tác với nhà sử học để tìm hiểu thông tin sâu hơn.
Sau thành công của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hàng loạt bảo tàng cũng đẩy nhanh công cuộc số hóa các hoạt động. Trong đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đưa ứng dụng thực tế ảo vào một số khu trưng bày. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan. Ứng dụng này cho phép du khách khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu bằng hình thức trực tuyến với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Italia. Ngoài ra, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sử dụng hệ thống bán vé tự động, giúp du khách mua vé từ xa.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ, bằng việc áp dụng công nghệ và các ứng dụng tự động, bảo tàng có thể tương tác với du khách trên khắp thế giới bằng nhiều hình thức. Đây là xu thế tất yếu để hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn.
Đa dạng hình thức trải nghiệm
Không chỉ đẩy mạnh việc số hóa trong hoạt động trưng bày, các bảo tàng trên địa bàn Hà Nội cũng nỗ lực đổi mới hình thức trải nghiệm để hấp dẫn du khách. Không ít hoạt động trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Điển hình như Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra mắt tour đi bộ kết nối với nhiều điểm di tích của Hà Nội; tour du lịch caravan kết nối từ bảo tàng tới nhiều điểm đến trong cả nước.
Cuối năm 2022, Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp với Công ty Du lịch bền vững Việt Nam S.T.I.D lần đầu tiên giới thiệu tour đêm "Du lịch văn học chữ “Tâm” và chữ “Tài”", mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dân và du khách khi tìm hiểu kho tàng văn học đồ sộ của nước nhà. Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ, việc triển khai tour đêm tại đây đã mở ra tiềm năng mới cho hoạt động trải nghiệm, trưng bày trong việc hấp dẫn du khách, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm cho Thủ đô.
Tiếp nối tour đêm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng gây ấn tượng bằng sản phẩm tour đêm “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. Chương trình do đạo diễn Lê Quý Dương thực hiện, sử dụng nghệ thuật sân khấu truyền thống kết hợp với công nghệ 3D hiện đại, tái hiện hình ảnh Tiểu đội Anh hùng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ, cùng với hệ thống trưng bày cố định, chương trình này góp phần tăng thêm tính kết nối và bổ sung vào hoạt động tương tác, tăng cường trải nghiệm cho công chúng và khách tham quan.
Các bảo tàng được xem là những điểm tham quan hấp dẫn, không thể bỏ qua của du khách khi tìm hiểu văn hóa, truyền thống của một thành phố hay quốc gia. Trên địa bàn Hà Nội, hiện có khoảng 20 bảo tàng và nhiều không gian trưng bày. Đây là nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật, thậm chí là các bảo vật quốc gia và là nguồn tài nguyên văn hóa rất lớn để phát triển du lịch văn hóa độc đáo.
Để nguồn tài nguyên này trở thành tài sản, mang lại nguồn thu lớn, thực sự là nguồn lực cho phát triển văn hóa, du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Du lịch bền vững Việt Nam S.T.I.D Phùng Quang Thắng cho rằng, ngoài việc số hóa, xây dựng sản phẩm, các bảo tàng nên kết nối với các đơn vị lữ hành để quảng bá rộng rãi, đưa khách đến trải nghiệm.
Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, cần xây dựng, kết nối tour, tuyến tham quan bảo tàng với nhiều điểm văn hóa khác để tạo thành sản phẩm du lịch bền vững và hấp dẫn.
Gửi phản hồi
In bài viết