Trong tương lai, Việt Nam có thể áp dụng ETC vào việc thu phí nội đô - một giải pháp giúp kiểm soát lưu lượng xe trong thành phố.
Theo Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 2 năm thực hiện, Đề án 06 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, "tham nhũng vặt"; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đề án 06 đặt mục tiêu xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện cho việc chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Điều này cũng mở ra khả năng tích hợp dữ liệu về phương tiện, chủ sở hữu với các hệ thống quản lý giao thông hiện có.
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, các bộ ngành sẽ cùng xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm dữ liệu về đăng ký, quản lý phương tiện; đăng kiểm; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; xử lý vi phạm hành chính,... Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, xây dựng chính sách và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ở cấp độ quốc gia, theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương (Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore), hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đã tạo ra dữ liệu quý giá để tối ưu hóa việc quản lý giao thông, đồng thời cung cấp cơ sở cho các quyết định kinh tế chiến lược. Không chỉ dừng lại ở thu phí đường bộ, ETC còn được ứng dụng rộng rãi tại các bãi đỗ xe và sân bay, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và trải nghiệm người dùng.
Hiện nay, tại Việt Nam, 2 cảng hàng không quốc tế lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã thí điểm thành công ETC và dự kiến sẽ được triển khai đồng loạt tại tất cả các sân bay trên cả nước trong năm nay.
Có thể nói, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế số, ETC chính là “chìa khóa” mở cửa cho các ứng dụng công nghệ cao như IoT, Big Data và thanh toán không dùng tiền mặt. Dữ liệu từ hệ thống ETC không chỉ giúp dự báo và quản lý lưu lượng giao thông mà còn tạo nền tảng cho các dịch vụ thông minh khác, từ bảo hiểm xe cộ, quản lý phương tiện đến các giải pháp vận tải tiên tiến.
Dịch vụ ETC cũng ứng dụng nhanh chóng trong thu phí đỗ xe với hơn 100 điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội. Việc có thêm tính năng này vừa tạo thuận tiện cho khách hàng vừa nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường sự minh bạch cho doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp đầu tiên tham gia cung cấp dịch vụ ETC với công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) tại Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC đang là đơn vị tiên phong trong việc triển khai mở rộng các ứng dụng của nền tảng ETC vào các hoạt động phục vụ đời sống xã hội.
Hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đã tạo ra dữ liệu quý giá để tối ưu hóa việc quản lý giao thông, đồng thời cung cấp cơ sở cho các quyết định kinh tế chiến lược. Không chỉ dừng lại ở thu phí đường bộ, ETC còn được ứng dụng rộng rãi tại các bãi đỗ xe và sân bay, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và trải nghiệm người dùng.
Từ năm 2023, VETC đã phát triển tài khoản VETC nhằm giúp khách hàng nạp tiền, rút tiền trực tiếp ngay tại ứng dụng và có thể sử dụng mua xăng, chuyển tiền giữa các tài khoản giao thông và sắp tới là các dịch vụ phí hạ tầng đường bộ, bảo hiểm xe,…
Ngoài các ứng dụng trên, trong tương lai, Việt Nam có thể áp dụng ETC vào việc thu phí nội đô - một giải pháp giúp kiểm soát lưu lượng xe trong thành phố và tạo nguồn thu bền vững đầu tư hạ tầng giao thông mà chính quyền các đô thị đang hướng tới.
Việc tăng cường ứng dụng của ETC ngoài thu phí đường bộ cũng là giải pháp thúc đẩy các phương thức thanh toán không tiền mặt, góp phần xây dựng một nền kinh tế số toàn diện, minh bạch và hiệu quả hơn. Qua thực tế và những nghiên cứu mới nhất, ETC không chỉ là công nghệ giúp cải thiện giao thông, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự tham gia của khu vực tư nhân, ETC sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển không chỉ cho ngành giao thông mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Hệ thống ETC có khả năng thu thập một lượng lớn dữ liệu về phương tiện, người sử dụng, thời gian và địa điểm giao dịch. Khai thác tối đa giá trị từ ETC, kết hợp ứng dụng với các công nghệ hiện đại sẽ giúp Việt Nam không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn xây dựng một nền kinh tế thông minh và hiện đại, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.
Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 45,5 triệu xe máy và 6,5 triệu ô-tô đang lưu hành. Tính đến tháng 6/2024, tổng số phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí đạt gần 5,7 triệu phương tiện, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm khoảng 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc. Từ khi triển khai “thuần ETC” trên các tuyến cao tốc đến nay, đã có hơn 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống này.
Hệ thống ETC đã giúp các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, giảm ùn tắc; phát hiện và xử lý vi phạm giao thông; cung cấp dữ liệu cho việc hoạch định chính sách và các quy định về giao thông; đồng bộ hóa dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Thuế,… giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống trốn thuế. Cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy xuất thông tin về phương tiện vi phạm, bị mất cắp hoặc không đăng ký.
Cùng với đó, dữ liệu từ hệ thống ETC có thể sử dụng để kiểm soát phương tiện ra vào các khu vực hạn chế, các bãi đỗ xe; tạo điều kiện dễ dàng trong việc phát triển các tính năng như tìm kiếm bãi đỗ xe thông minh, đặt chỗ bãi đỗ trước,… Quyết định 19/2020/QĐ-TTg về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã đặt nền móng cho việc phát triển hệ thống ETC tại Việt Nam, nhưng chủ yếu mới tập trung vào thu phí đường bộ, chưa đề cập đến các dịch vụ giao thông khác.
Trong xu thế chung của ứng dụng giao thông thông minh, cơ quan quản lý Nhà nước và nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng của hệ thống ETC, đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng ETC để tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ giao thông thông minh như thu phí tại các cảng hàng không, cảng biển; thu phí bãi đỗ xe, phí kiểm định; thanh toán vé xe bus, tàu điện,… Hiện nay, VETC đã và đang tiên phong triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt, không dừng tại Hà Nội, sắp tới là Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu cho thấy kết quả tích cực.
Tuy nhiên, là đơn vị đi đầu về phát triển và vận hành thu phí đường bộ ETC, đại diện lãnh đạo đơn vị cũng chia sẻ mong muốn phát triển “hệ sinh thái” về giao thông toàn diện hơn, cùng kỳ vọng về một cơ chế mở từ cơ quan quản lý để có thể tích hợp đa dịch vụ vào trong 1 tài khoản duy nhất, không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc gửi xe.
Từ đó, dần tạo ra nhu cầu mới, góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng và thanh toán của người dân, hướng tới “giao thông thông minh” đúng nghĩa và nếp sống hiện đại, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết