Thiếu kỹ năng bơi đang là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, bởi hầu hết các vụ tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong, nạn nhân đều không biết bơi. Còn một số rất ít học sinh biết bơi nhưng vẫn thiệt mạng thường do thiếu kỹ năng xử lý tình huống dưới nước. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc đưa môn bơi vào trường học là một trong những chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, phòng ngừa những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Tuy nhiên để triển khai bộ môn này vào chương trình giáo dục hiện nay vẫn là việc làm khó khăn với các trường trên địa bàn tỉnh vì đòi hỏi trường học phải có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, kinh phí đầu tư, giáo viên chuyên trách, thời gian qua việc áp dụng đưa môn bơi vào giảng dạy đã tạo những hiệu ứng tích cực trong một số trường học trên địa bàn toàn tỉnh, khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục và các nhà trường.
Tiết thể dục dạy bơi tại Trường THPT Nguyễn Văn Huyên, TP. Tuyên Quang giúp trang bị kỹ năng
phòng chống đuối nước cho các em học sinh.
Là giáo viên thể dục có nhiều năm kinh nghiệm dạy bơi, cô giáo Trịnh Thị Phương, Tổ trưởng Tổ thể dục - Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) chia sẻ, việc đưa môn bơi vào giảng dạy theo chương trình 20 tiết tự chọn của bộ môn thể dục đã tạo nhiều hứng khởi trong học sinh, giúp các em trang bị những kỹ năng cần thiết trong xử lý các tình huống đuối nước, hay giúp đỡ người bị đuối nước trong cuộc sống. Khi tham gia học bơi, học sinh sẽ được giáo viên phụ trách hướng dẫn các kỹ thuật khởi động, tập thể, các động tác bơi lội đơn giản đến phức tạp, với thời gian tiếp cận đủ lâu sẽ giúp các em thuần thục kỹ năng, đảm bảo kết thúc môn học 100% học sinh sẽ biết bơi. Tính chung bình mỗi năm nhà trường đào tạo được trên 500 em học sinh khối 10 thành thục các kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống dưới nước an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 trường THPT đã đưa môn bơi vào giảng dạy gồm trường: THPT Chuyên Tuyên Quang, THPT Nguyễn Văn Huyên, THPT Tân Trào (TP. Tuyên Quang); THPT Hà Lang (Chiêm Hóa); THPT Xuân Huy (Yên Sơn). Ngoài ra còn có Trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Tuyên Quang) đang chuẩn bị khánh thành bể bơi 180m2 vào năm học 2022- 2023. Đây thực sự là con số ít trong tổng số các trường học trên địa bàn tỉnh đưa môn bơi vào giảng dạy... Theo thầy giáo Đoàn Việt Dũng, giáo viên môn thể dục, Trường THPT Hà Lang (Chiêm Hóa), từ những vụ đuối nước thương tâm xảy ra đối với học sinh trong thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường nhận thấy việc đưa môn bơi vào chương trình học là rất cần thiết đối với học sinh. Ngoài việc giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, thì bơi là môn học tự chọn được nhà trường chú trọng đầu tư để các em học sinh tăng cường kỹ năng sống nhằm thích nghi với môi trường tự nhiên của địa phương. Mỗi năm nhà trường cũng đào tạo khoảng trên 300 học sinh khối 10 thành thục kỹ năng bơi lội, đảm bảo an toàn.
Hướng dẫn các em các kỹ thuật bơi từ đơn giản đến phức tạp khi ở dưới nước tại giờ thể dục
của Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP. Tuyên Quang).
Em Đỗ Lan Anh, lớp C1, Trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn) lúc còn nhỏ rất sợ xuống nước. Từ khi học bơi, được thầy dạy cách đẩy tay gạt nước và cách thở dưới nước, em đã dạn dĩ hơn khi xuống hồ bơi. Bây giờ thì em đã có thể bơi thành thạo. Hay như em Bùi Trung Kiên, lớp C1, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP. Tuyên Quang) lúc đầu sau khi học bơi trong giờ thể dục, em đã từ chối không tham gia theo diện kiến tập, nhưng sau khi được xem các bạn học, được thấy nhiều bạn đã học và tự bơi được, chính em chủ động xin thầy cô được tham gia học bơi. Em đã khóc khi vượt qua được chính mình và hiện đang là tay bơi cừ khôi trong lớp.
Phần lớn các trường công lập hiện nay đều không có điều kiện xây dựng hồ bơi để dạy bơi cho học sinh ngay trong trường học. Chính vì vậy, việc phổ cập môn bơi cho học sinh là câu chuyện còn nhiều khó khăn, đó cũng là nguyên nhân chính khiến học sinh thiếu kỹ năng dễ bị tai nạn đuối nước. Hơn nữa, để đầu tư một hồ bơi dạng lắp ghép cũng mất chi phí trên 400 triệu đồng, chưa kể chi phí vận hành, thay nước, vệ sinh... Do vậy, để phổ cập môn bơi trong các trường THPT là bài toán còn nhiều khó khăn. Để giúp các em học sinh có điều kiện tiếp cận môn bơi, gần đây một số trường trong tỉnh đã tính đến việc liên kết với các trung tâm để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đơn cử như mới đây Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) được hỗ trợ từ Quỹ phòng chống đuối nước và an toàn cho trẻ em và Quỹ đối ứng của UBND thành phố số tiền 900 triệu đồng để xây dựng bể bơi. Dự kiến giữa tháng 5 sẽ đưa vào vận hành và tổ chức giải bơi cho các em học sinh, đồng thời khảo sát để đưa vào chương trình của năm học tới. Do vậy về lâu dài đưa môn bơi vào được các trường học cần sự nỗ lực rất lớn từ phía các nhà trường.
Gửi phản hồi
In bài viết