Bức tranh đa sắc màu
Giữa không gian thiên nhiên yên bình của Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, gần 500 nghệ nhân, vận động viên, diễn viên và diễn viên quần chúng đến từ 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã quần tụ tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Ngày hội là chuỗi hoạt động bao gồm triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa các dân tộc Tuyên Quang”, Trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa truyền thống, Giới thiệu các món ăn ẩm thực dân tộc, Chương trình nghệ thuật Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số, Hội thi các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, đua mảng ngóc…
Không gian văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu (Sơn Dương) tại Ngày hội Văn hóa.
Văn hóa ẩm thực vẫn luôn được coi là “không gian văn hóa thu nhỏ” của mỗi dân tộc. Thông qua những món ăn, cách ăn, thời điểm ăn có thể khái quát được phong cách, đời sống tinh thần của từng dân tộc hoặc sự sẻ chia, hòa quyện của các dân tộc trong đời sống thường ngày. Bởi vậy, gian hàng ẩm thực tại các ngày hội văn hóa luôn là địa điểm thu hút du khách thập phương.
Đến với gian hàng ẩm thực của huyện Sơn Dương, du khách được dịp trải nghiệm nhiều món ăn truyền thống của bà con dân tộc Sán Dìu. Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai chia sẻ: “Trong mâm cỗ cúng truyền thống của người dân tộc Sán Dìu ngoài thịt lợn, gà, cá thì không thể thiếu những loại bánh truyền thống như bánh chưng gù, bánh lẳng, bánh dày, bánh con chan mật. Tùy thuộc vào lễ, Tết hoặc đặc trưng của từng lễ cúng mà có thêm oản nếp, bánh bẻng nhân vừng, xôi cuốn lá mít, xôi ngũ sắc với phần xôi đen lá lau xau… Mâm cỗ truyền thống còn có những món ăn đặc trưng từ xa xưa của bà con dân tộc Sán Dìu như cà ghém, rau sắn chua, trám vàng, trám đen, cháo hoa…”.
Du khách Nguyễn Quốc Cường đến từ thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết: “Độc đáo, lạ miệng và luôn mang hương vị đặc trưng của núi rừng là những gì mà tôi cảm nhận được khi ghé thăm những gian hàng ẩm thực tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số ở đây”.
Chấm sáp ong tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền.
Cùng chung với không gian văn hóa ẩm thực, các gian hàng còn trưng bày các mô hình, hiện vật, trang phục, nhạc cụ truyền thống, các đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Du khách cũng được chìm vào không gian văn hóa đặc sắc với chương trình trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa truyền thống như Trích đoạn Lễ Đại Phan, hát mời trầu, ru em của dân tộc Sán Dìu, múa gọi mùa, múa chuông của dân tộc Dao Đỏ, hát Páo dung, trích đoạn lễ Cấp sắc người Dao, trích đoạn đón dâu của người Dao… Đặc biệt, sự sôi động, cuốn hút của các môn thể thao dân tộc đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng Nhân dân và du khách thập phương.
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang năm 2024 được tổ chức bên hồ Ngòi Là xanh mát đã quy tụ nhiều câu lạc bộ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc với nhiều hạt nhân văn nghệ, thể thao tại địa phương. Lễ hội được tổ chức tại điểm du lịch cộng đồng và là một trong những nội dung thuộc “Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Tiếp nối những thành tựu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đề án của tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang năm 2024 đã tạo nên không gian văn hóa sôi động, hấp dẫn và đầy ý nghĩa. Qua đó tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, khích lệ toàn thể Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa truyền thống, từng bước xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có thu hút khách du lịch”.
Các món ăn truyền thống được bà con dân tộc giới thiệu đến du khách thập phương.
Mang tới ngày hội lần này, bà Đặng Thị Lây, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái (Na Hang) cùng các thành viên đoàn đem đến không gian văn hóa truyền thống của người Dao Tiền xã Hồng Thái. Bà cho biết: “Cùng với phát triển du lịch, người dân ở Hồng Thái còn duy trì nét văn hóa trong trang phục, món ăn truyền thống. Trong đó, kỹ thuật dệt vải, chấm sáp ong và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống được tái hiện thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm”.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang năm 2024 cũng là dịp để huyện Yên Sơn giới thiệu và quảng bá đến du khách thập phương Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Sơn (Yên Sơn), khai thác tiềm năng du lịch của hồ Ngòi Là xanh mát, thơ mộng gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, ngày hội là cơ hội để quảng bá và khai thác tiềm năng du lịch tại địa phương. Đồng thời khích lệ bà con trao đổi, học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác để phát triển thế mạnh du lịch trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân”.
Sự tụ hội sắc màu văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng, độc đáo của các dân tộc tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực sự đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu tại ngày hội. Qua đó góp phần bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết