Hoàn thổ sau khai khoáng: Giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường

- Theo quy định, sau khi hoàn thành, hết hạn khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường bằng cách hoàn thổ để đưa mỏ trở lại trạng thái an toàn.

Trả lại màu xanh cho đất

Nếu không có sự giới thiệu của Phó giám đốc Công ty cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang Lương Thị Hiệp, chúng tôi không thể nhận ra toàn bộ khu đồi đất rộng hàng chục ha tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) từng là công trường mỏ khai thác quặng thiếc Bắc Lũng. Màu xanh của rừng keo, bạch đàn và một số cây bản địa có đường vanh từ 20 - 30 cm đã phủ kín từng khu vực, lối vào. Như để chứng minh điều mình nói, vị Phó Giám đốc dẫn chúng tôi đi từng khu vực, dò tìm vị trí dấu vết của mỏ khai thác đến hồ xả thải… Năm 2013, doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác quặng thiếc. Là mỏ lộ thiên nên quá trình khai thác ít nhiều sẽ tác động đến hiện trạng đất và môi trường. Hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường, công ty đã thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng bảo vệ, quan trắc thường xuyên kịp thời phát hiện những sự cố từ đó điều chỉnh hoạt động khai thác. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cũng thực hiện chủ trương khai thác đến đâu, phục hồi môi trường luôn đến đó bằng cách san gạt trả lại hiện trạng đất và trồng rừng trên chính khu vực đã khai thác.

Rừng đã được phủ xanh trên khu vực mỏ quặng thiếc Bắc Lũng (Sơn Dương).

Bà Lương Thị Hiệp khẳng định, từ năm 2013 chính thức được Bộ Tài nguyên cấp phép khai thác đến 2021 thời hạn đóng cửa mỏ là bằng đó năm công ty thực hiện vừa khai thác vừa trồng rừng. Chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng, công ty giao trách nhiệm cho các tổ đội sản xuất quản lý theo dõi. Theo báo cáo đánh giá của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023 trước khi hoàn tất thủ tục đóng cửa mỏ tại khu vực mỏ thiếc Bắc Lũng, toàn bộ khu vực mỏ đã được hoàn thổ, tỷ lệ thành rừng đạt trên 90%.

Ông Trần Quang Hệ, thôn Đoàn Kết, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, bà con ở đây rất mừng khi doanh nghiệp có trách nhiệm, khai thác đến đâu, hoàn thổ, trả lại màu xanh cho đất đến đấy. Vì lẽ đó, ông Hệ và đông đảo người dân tại tổ dân phố Đoàn Kết rất ủng hộ, tham gia giữ gìn bảo vệ diện tích rừng trồng trên khu vực mỏ đã khai thác.

Tại điểm mỏ quặng sắt thôn Cây Vầu, thuộc xã Thành Long (Hàm Yên) những dấu vết khai thác mỏ cũng đã không còn, thay vào đó là màu xanh của rừng. Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang - đơn vị được cấp phép khai thác mỏ quặng sắt Cây Vầu trước đây cho biết - chủ động trong việc bảo vệ môi trường đất sau khai khoáng, ngay khi hết hạn khai thác doanh nghiệp đã báo cáo đánh giá tác động môi trường và lập đề án đóng cửa mỏ đồng thời thực hiện nghĩa vụ trồng trên 30 ha rừng trên khu vực khai thác.

Phục hồi môi trường

Khai thác khoáng sản là hoạt động liên quan đến sử dụng đất tạm thời, do vậy sau khi kết thúc quá trình khai thác mỏ, cần tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác và cải tạo, trả lại diện tích đất cho xã hội để phục vụ các mục tiêu phát triển tiếp theo.

Những khu vực khai thác quặng thiếc của Công ty Kim loại màu Tuyên Quang đã được phủ xanh cây rừng.

Đồng chí Phạm Văn Tính, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mục tiêu chung của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường là đảm bảo sự an toàn về môi trường và sức khỏe của người dân địa phương tại khu vực khai thác khoáng sản. Đối với mỗi khu vực và loại hình khai thác khoáng sản khác nhau, sẽ có những mục tiêu cụ thể về hoàn thổ, phục hồi môi trường khác nhau như: Hoàn trả lại diện tích đất với điều kiện tự nhiên có đầy đủ các giá trị môi trường như ban đầu; tái tạo lại các giá trị sinh thái và việc sử dụng đất gần giống với trước khi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản; xây dựng các mục đích sử dụng hoàn toàn khác so với hiện trạng sử dụng đất ban đầu trước khi khai thác; chuyển đổi các khu vực có giá trị năng suất cây trồng thấp thành các khu vực an toàn và ổn định hơn.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản sau khi hết thời hạn khai thác, lập đề án đóng cửa mỏ đều đã thực hiện đúng trách nhiệm hoàn thổ, phục hồi môi trường theo đúng quy định. Đồng chí Phạm Đức Tính khẳng định, thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở kiểm tra, giám sát công tác hoàn thổ sau khai khoáng, tránh tình trạng doanh nghiệp “bỏ quên” trách nhiệm sau khi hết hạn cấp phép khai thác.  
 

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục