Hội chữ xuân năm nay nhấn mạnh vào khía cạnh hiếu nghĩa, hiếu học, trọng chữ, trọng thầy, với chủ đề “sư đạo tôn nghiêm”; đồng thời tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp, nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về thư pháp trong cộng đồng.
Xin chữ là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
50 “ông đồ” sẵn sàng tham gia Hội chữ xuân
Là hoạt động được tổ chức thường niên mỗi dịp Tết đến, xuân về, Hội chữ xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành “điểm hẹn văn hóa”, món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng và du khách. Đáp lại sự yêu mến của người dân, Hội chữ xuân năm nay hứa hẹn trở lại với sắc màu tươi mới, rực rỡ hơn, thông qua hàng loạt chương trình, hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Điểm nhấn của Hội chữ xuân 2023 chính là không gian “xin, cho chữ”, quy tụ hơn 50 “ông đồ” đến từ các câu lạc bộ thư pháp trên mọi miền đất nước. Đây là những người đã vượt qua kỳ khảo tuyển của Ban Tổ chức, bảo đảm yêu cầu, điều kiện Hội chữ xuân đề ra. Đó là, bên cạnh việc viết và cho chữ, còn cần giới thiệu về phong tục “xin, cho chữ” đầu xuân của người Việt; giải thích ý nghĩa mỗi chữ viết, cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thư pháp.
Hội chữ xuân năm nay lấy chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” làm thông điệp xuyên suốt, khẳng định “sự học mà không có tâm cung kính, không giữ tôn nghiêm, thì sự học sẽ không thành”. Thư pháp gia Lê Trung Kiên, Câu lạc bộ Thư pháp Nhân Mỹ học đường Hà Nội bày tỏ: “Trong đời sống, mỗi người như một tế bào tạo nên xã hội. Cần luôn học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân để xã hội thêm văn minh, phát triển. Trên hành trình ấy, việc rèn đức cần đi trước luyện tài, để thành nhân trước khi thành danh. Ở đó, đạo của người thầy được tôn nghiêm thì tri thức mới được quý trọng, sự học mới tốt đẹp. Với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, chúng tôi muốn tôn vinh những người thầy. Họ là những đại diện tiêu biểu đã và đang góp phần trao truyền tri thức, vun đắp nhân cách cho các thế hệ học trò”.
Điểm đến văn hóa hấp dẫn và ý nghĩa
Sau thời gian dài “ngắt quãng” vì dịch bệnh, Hội chữ xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám đánh dấu sự trở lại dịp đầu xuân mới bằng hàng chục sự kiện, hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa trải dài trong không gian di sản. Theo đó, tại khu vực Hồ Văn, trung tâm của Hội chữ xuân, có các hoạt động: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống với cảnh lều chõng, tháp canh, nhà thập đạo...; mô phỏng khung cảnh làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố; triển lãm các tác phẩm thư pháp xuất sắc;… Xen kẽ các không gian này là những tiểu cảnh nghệ thuật sắp đặt, gợi nhớ khung cảnh làng quê Bắc Bộ, chợ hoa ngày Tết…, cho người tham dự cảm giác như lạc vào bức tranh xuân sinh động và đẹp mắt. Cũng tại đây, lần đầu tiên khu vực gò Kim Châu trên Hồ Văn được khai thác như một sân khấu mở, với các chương trình diễn xướng dân gian: Hát chèo, quan họ, ca trù, múa rối nước…
Theo nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị (phường rối Đào Thục, huyện Đông Anh), tham gia biểu diễn tại Hội chữ xuân, phường rối Đào Thục sẽ trình diễn từ ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, với các tích trò cổ tái hiện cảnh ông Đồ dạy học, sĩ tử đi thi, hoạt động vinh quy bái tổ…, nhằm lan tỏa tới mọi người về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Đến nay các thành viên đều rất hào hứng với hoạt động ý nghĩa này, đã có sự chuẩn bị kỹ càng để đem đến cho công chúng phần trình diễn tốt nhất.
Cùng với các hoạt động kể trên, trong suốt thời gian diễn ra Hội chữ xuân (từ ngày 15 đến 29-1) còn có các hoạt động tôn vinh, quảng bá sản phẩm thủ công làng nghề, giới thiệu nghệ thuật làm giấy dó, các không gian ẩm thực truyền thống, trải nghiệm trò chơi dân gian…, tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến văn hóa. Có nhiều năm tham quan, trải nghiệm Hội chữ xuân, bà Nguyễn Bích Hồng (phố Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình) bày tỏ niềm vui khi sự kiện được tổ chức trở lại. “Hội chữ xuân là điểm đến yêu thích trong lịch trình du xuân của gia đình tôi. Đến đây, được hòa mình vào không khí Tết cổ truyền của dân tộc, với các hoạt động vui xuân bổ ích, là cách khởi đầu một năm mới đầy ý nghĩa”, bà Hồng chia sẻ.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, đến giờ các hoạt động chuẩn bị cho Hội chữ xuân đã hoàn tất, sẵn sàng mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm hấp dẫn và bổ ích trước thềm năm mới. “Là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, tục cho chữ đầu xuân mang ý nghĩa tôn sư trọng đạo, đề cao trí tuệ, hiền tài. Hội chữ xuân tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám kỳ vọng góp phần tiếp nối truyền thống trong dòng chảy thời đại, giúp công chúng hiểu hơn về quá trình tiếp biến ngôn ngữ của dân tộc”, ông Lê Xuân Kiêu bày tỏ.
Gửi phản hồi
In bài viết