Vì thế, các triển lãm thu hút rất đông người xem, nhiều tranh được bán hết ngay tại triển lãm… Điều này được kỳ vọng góp phần thay đổi suy nghĩ về đóng góp của trường phái này trong mỹ thuật hiện nay.
Khách tham quan triển lãm của nhóm Hiện thực tại Hà Nội.
Tài năng và sáng tạo
Được cho là những người khuấy động phong cách sáng tác này những năm gần đây, nhóm Hiện thực ra đời từ năm 2014, vừa có triển lãm thứ 5 ở Hà Nội hồi cuối tháng 11, để lại ấn tượng sâu đậm với công chúng yêu nghệ thuật. 9 năm qua, nhóm duy trì hoạt động đều đặn bằng các cuộc triển lãm nhóm và nhiều triển lãm cá nhân. Mỗi lần xuất hiện, các họa sĩ lại cho thấy sự vững vàng hơn trong nghề và mang đến cảm xúc mới cho người xem từ những tìm tòi, phát triển của mình.
Cùng đi sâu khai thác về đề tài miền núi, khắc họa chân dung đồng bào dân tộc thiểu số, họa sĩ Lê Cù Thuần chọn lối vẽ cổ điển, nhưng lần này, nét mơ màng với nguồn sáng kỳ ảo trong tranh của anh đem đến nhiều khác biệt. Còn họa sĩ Lê Thế Anh không chỉ vẽ về em bé dân tộc có đôi mắt trong veo, đôi má ửng đỏ mà còn làm nổi bật sự gắn bó giữa người và động vật... Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy thường vẽ những góc bình yên quen thuộc ở làng quê, song gần đây, anh lột tả tối đa sự tĩnh lặng, khiến người xem cảm thấy lắng đọng, tĩnh tại.
Nguyễn Toán - họa sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt giải màu nước quốc tế tại Mỹ do Tạp chí Watercolor Artist tổ chức, nay cho thấy sự chắt lọc tinh tế để gửi gắm nhiều ý tưởng hơn qua những bức tranh rất thực. Họa sĩ Nguyễn Văn Tới tiếp tục khai thác đề tài Phật pháp, nhưng anh lựa chọn hình thức tươi trẻ, dễ xem hơn trước. Thủ pháp vẽ lụa kết hợp với cắt dán, thêu làm tranh của anh thêm độc đáo. Họa sĩ Lưu Tuyền giới thiệu bộ tranh về bề mặt nứt vỡ của đồ gốm cổ. Sự khiếm khuyết, ngổn ngang lại đem đến cảm giác nhẹ nhõm cho người xem. Sau những tác phẩm về những người phụ nữ đầy lo âu và cô đơn trước đây, họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh khắc họa họ ở thời điểm này với nét tự tin và duyên dáng, rất đáng xem.
Tuy không nằm trong nhóm Hiện thực, nhưng họa sĩ Bùi Văn Tuất đã khẳng định được tài năng và định danh với những tác phẩm đề tài miền núi, nhất là chân dung em bé dân tộc, mà người xem phải thốt lên: “Sao giống thật thế!”. Triển lãm mới nhất - “Nhìn lại” của họa sĩ đang diễn ra tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tạo dấu ấn trong làng mỹ thuật khi toàn bộ tranh được bán hết chỉ sau 2 ngày trưng bày.
Hướng đi rộng mở, phong phú
Dù gọi chung là hội họa hiện thực (realism), nhưng mỗi họa sĩ theo đuổi những hướng khác nhau. Có người vẽ rất thực (superrealism), có người vẽ cực thực (hyperrealism) hoặc vẽ như ảnh thực (photorealism). Bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, các họa sĩ thu hút được khán giả yêu thích tranh hiện thực, khiến cho họ cảm thấy gần gũi, chân thật, muốn chạm vào từng “nhân vật” trong tác phẩm. Vẽ hiện thực đòi hỏi tay nghề, kỹ năng của họa sĩ cực kỳ tốt cùng sự tỉ mỉ, chi tiết. Vì thế, có ý kiến cho rằng, hội họa hiện thực đang làm thay công việc của nhiếp ảnh. Họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, thành viên nhóm Hiện thực lý giải, tranh và ảnh hoàn toàn khác nhau. Nếu ảnh chỉ là khoảnh khắc tức thời thì hội họa là cả một quá trình họa sĩ thực hiện tác phẩm, đặt tâm tư, tình cảm vào từng nét cọ. Hơn nữa, ảnh chỉ sử dụng chất liệu in ấn, trong khi hội họa được thể hiện bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước, chì…
Cùng chung quan điểm, họa sĩ Phạm Bình Chương, người có hơn 20 năm theo đuổi hội họa hiện thực, Trưởng nhóm Hiện thực khẳng định, điều đặc biệt của tranh khác ảnh đó là bút pháp. Những chuyển động của vệt bút trên toan là sự truyền đạt rung động từ trái tim đến tay người họa sĩ. Họa sĩ Phạm Bình Chương cho rằng, thách thức đối với người vẽ hiện thực trong thời đại số là sáng tạo tác phẩm mà thậm chí người xem trên các thiết bị điện tử cũng có thể phân biệt được tranh và ảnh cũng như thấy được nét riêng của từng họa sĩ. Lý giải sâu hơn, họa sĩ, dịch giả kỳ cựu Trịnh Lữ cho biết, vẽ hiện thực là họa sĩ trình bày lại cuộc sống bên ngoài vào trong tranh bằng nhận thức, văn hóa, tài năng. Vì vậy, 100 họa sĩ cùng đứng trước một sự vật, hiện tượng nhưng tạo nên những bức tranh khác nhau và người xem đọc, cảm được từng câu chuyện của mỗi người vẽ gửi gắm.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận, hội họa hiện thực đang bước đi trên con đường thênh thang phản ảnh đời sống Việt, tâm hồn Việt và cảm xúc của họa sĩ trước hiện thực cuộc sống. Điều đáng mừng là phong cách hiện thực không cạnh tranh với các phong cách trừu tượng, ấn tượng, biểu hiện, lập thể… mà cùng tạo nên các dòng chảy phong phú, đa dạng trong phản ánh cuộc sống, đem lại những tác phẩm giá trị cho công chúng, góp phần đánh dấu sự đổi mới của mỹ thuật Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết