Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, trong tuyên bố, Thủ tướng Ardern khẳng định trọng tâm của APEC vẫn là ứng phó và phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19 trong khu vực. Các nền kinh tế thành viên APEC đang cùng nhau duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng và hỗ trợ thương mại các vật tư y tế quan trọng như các bộ dụng cụ xét nghiệm, trang bị bảo hộ y tế và vắc xin.
Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh thông qua hội nghị, diễn đàn sẽ phát huy các kết quả đã đạt được cho đến nay bằng cách tiếp thêm năng lượng các nỗ lực phục hồi kinh tế, trung hòa khí thải carbon và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, không để lại ai ở phía sau.
Hội nghị cấp cao APEC 2021 là sự kiện cuối cùng trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2021 do New Zealand đăng cai tổ chức hoàn toàn theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuần lễ sẽ bắt đầu với Hội nghị cấp bộ trưởng kéo dài trong hai ngày 9, 10-11 (theo giờ địa phương) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Nanaia Mahuta và Bộ trưởng Thương mại và tăng trưởng xuất khẩu Damien O’Connor của New Zealand.
Tiếp sau sự kiện này là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021 vào ngày 11,12-11. Sự kiện sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo APEC, các giám đốc điều hành hàng đầu thế giới, các doanh nhân để trao đổi quan điểm về các vấn đề lớn mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt.
Trong khi đó, các đại biểu thanh niên sẽ gặp nhau tại sự kiện thanh niên hằng năm - Hội nghị Tiếng nói tương lai APEC 2021 - vào ngày 9,10-11 tới.
Thủ tướng New Zealand sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị này.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ có cuộc đối thoại thường niên với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) vào ngày 12-11 tới, do Thủ tướng Jacinda Ardern và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC 2021 Rachel Taulelei đồng chủ trì.
Với tư cách là Chủ tịch APEC 2021, New Zealand đã xác định một trong những ưu tiên của năm APEC 2021 là các vấn đề y tế, thương mại và kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Đầu năm nay, bộ trưởng thương mại các nền kinh tế thành viên đã cam kết đẩy nhanh công tác phân phối vắc xin và các mặt hàng chống dịch xuyên biên giới. Tại cuộc họp không chính thức vào tháng 7 vừa qua, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã tái khẳng định cam kết trong việc nỗ lực mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin Covid-19, hỗ trợ các nỗ lực chia sẻ vắc xin toàn cầu, khuyến khích tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, APEC có 21 thành viên, trong đó có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết