Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Tiến sỹ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tá, Tiến sỹ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an, Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân; đại diện lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, lãnh đạo Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo Phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Quân khu 2…
Về phía tỉnh Tuyên Quang, dự Hội thảo có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố…
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp với vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến.
Hội thảo khoa học “Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang với chiến thắng Điện Biên Phủ - những giá trị lịch sử” góp phần giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về những giá trị lịch sử, tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ; thấy rõ vai trò, vị trí và những đóng góp của Tuyên Quang cho thắng lợi chung của cả dân tộc…
Đồng chí đề nghị ngay sau hội thảo cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; vai trò của Thủ đô Kháng chiến và những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; các trường học vận dụng đưa vào quá trình giảng dạy, học tập; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng…
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận: “Tuyên Quang nơi ra đời của những quyết sách quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn (Từ năm 1947-1954)”; vai trò của Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; những đóng góp của bộ đội địa phương tỉnh Tuyên Quang với chiến thắng Điện Biên Phủ; vận dụng những kinh nghiệm về công tác tuyên truyền trong chiến dịch Điện Biên Phủ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng hiện nay…
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Hội thảo đã tổ chức Toạ đàm bàn tròn với 5 khách mời, trao đổi các chủ đề: những đóng góp với vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến của quân dân Tuyên Quang góp phần chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ; hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tại chiến khu Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp; những quyết sách trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã có ảnh hưởng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng; kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ của chiến sỹ Điện Biên.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Kết luận hội thảo, đồng chí Đỗ Thu Hương, Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh nhấn mạnh, hội thảo đã đưa ra nhiều tham luận, nội dung trao đổi có ý nghĩa lịch sử quan trọng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Đây là tài liệu quan trọng, có ý nghĩa để Trường Chính trị tỉnh bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện kỷ yếu hội thảo. Đồng thời nghiên cứu, phục vụ trong công tác giảng dạy đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng hiện nay…
Giang Lam
Kinh nghiệm quý giá về công tác tuyên truyền trong chiến dịch
Tiến sỹ Đoàn Văn Báu
Vụ Trưởng Vụ Lý luân chính tri, ̣Ban Tuyên giáo Trung ương
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá có giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác tuyên truyền trong tình hình mới.
Trước hết đó là việc chủ động nắm bắt thực trạng công tác tư tưởng, xây dựng nội dung tuyên truyền, cổ động thiết thực, bám sát với thực tiễn chiến đấu, gắn với từng đối tượng cụ thể phục vụ tốt cho nhiệm vụ của các chiến dịch. Đồng thời, sử dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền, cổ động trong điều kiện chiến tranh phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Song hành với đó, chúng ta cần kiên trì, tích cực, chủ động, thực hiện đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền...
Do đó để vận dụng những bài học kinh nghiệm nêu trên trong tình hình hiện nay chúng ta cần chú trọng thực hiện có hiệu quả một số giải pháp như: tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; gắn vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đồng thời, đa dạng nội dung và cách thức công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử, có cơ chế, chính sách thu hút những người có năng lực, có trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác…
Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang có vai trò quan trọng trong đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật
Phó Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam
Từ khi Lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đ̣ấu tranh giành độc lập dân tộc, Tuyên Quang cùng các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Thái Nguyên thuộc khu Việt Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng, rồi từ năm 1946, nơi đây trở thành Thủ đô Kháng chiến trong suốt 9 năm cho tới khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng vào mùa Thu năm 1954. Trong 6 tỉnh thuộc Khu Việt Bắc, Tuyên Quang không chỉ là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, các ban, bộ, ngành đóng nhiều nhất, mà còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, mang tính quyết định đến đường lối và sự thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Viêt Nam. Tuyên Quang xứng đáng và đã làm tròn vai trò là Trung tâm của Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam.
Tuyên Quang có nhiều đóng góp quan trọng
Đại tá Nguyễn Văn Thìn
Trưởng phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Quân khu 2
Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với quân và dân cả nước, lực lượng bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có những đóng góp quan trọng chi viện đắc lực cho chiến dịch toàn thắng.
Thứ nhất, bộ đội địa phương tỉnh Tuyên Quang đã bảo vệ An toàn khu căn cứ địa, An toàn khu của Trung ương, trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch.
Thứ hai, tích cực xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang vững mạnh, bảo đảm vừa chiến đấu bảo vệ địa phương, vừa bổ sung lực lượng cho các đơn vị chủ lực. Vào năm 1953-1954, tỉnh Tuyên Quang đã kiện toàn, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị, xây dựng được một tiểu đoàn gồm 4 đại đội và 1 trung đội trợ chiến; mở một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về nghĩa vụ tòng quân trong toàn tỉnh, công tác tuyển quân được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 1953 đã tuyển chọn và huấn luyện được 500 tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Năm 1954, thực hiện nhiệm vụ tuyển tân binh bổ sung cho các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ đặc biệt, đã tuyển 481 tân binh.
Thứ ba, bảo đảm giao thông, vận tải thông suốt trong mọi tình huống.
Thứ tư, cung cấp đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Bước vào thời điểm quyết định của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tuyên Quang đã huy động gần 2 triệu ngày công với tổng số trên 56 nghìn người, chiếm 43% dân số toàn tỉnh. Dưới bom đạn, quân và dân Tuyên Quang vẫn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đảm bảo thông đường, thông phà trong thời gian ngắn nhất… Bộ đội địa phương Tuyên Quang sẵn sàng cung cấp đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Phong trào "đi dân công là yêu nước" diễn ra sôi động, các đoàn dân công được biên chế theo tổ chức quân sự nối nhau lên đường ra phía trước. Quân và dân các dân tộc trong tỉnh chắt chiu một lòng cho kháng chiến thắng lợi, đã đồng lòng, tự giác cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến.
Phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ, khơi dậy khát vọng trong thanh niên Tuyên Quang
Đồng chí Dương Minh Nguyệt
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn
Trong xu thế đổi mới và hội nhập, tinh thần chiến thắng Điện Biên phủ đã khơi dậy trong tuổi trẻ hôm nay khát vọng vươn mình bằng bạn bè năm châu, thế giới, khát vọng cống hiến, vươn lên xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, hòa nhịp với khí thế, với tinh thần, ý chí của tuổi trẻ cả nước, phát huy truyền thống hào hùng, thanh niên trên quê hương Cách mạng Tân Trào lịch sử đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, tích cực học tập, lao động, xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp sức tích cực vào những kết quả nổi bật của địa phương.
Thanh niên Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng thanh niên đi trước, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, xung phong tình nguyện, xung kích đi đầu, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện tốt các phong trào, các chương trình hành động cách mạng cụ thể của Đoàn trên các lĩnh vực. Qua đó phát huy mạnh mẽ tinh thần Điện Biên Phủ, khơi dậy, thúc đẩy khát vọng cống hiến và lẽ sống tốt đẹp cho thanh niên trong việc hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh, quyết tâm xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển.
Lực lượng dân công Tuyên Quang đóng góp quan trọng vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Ths. Nguyễn Văn Đức
Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang
Đóng góp vào những hoạt động của lực lượng dân công cả nước, hàng ngàn dân công tỉnh Tuyên Quang đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Thực hiện lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đảm bảo huy động cao nhân, vật lực, tài lực cho cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết định, năm 1953 tỉnh đã huy động 3 đợt dân công với 9.762 người đi phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, cả năm huy động 1.021.738 ngày công. Năm 1954 huy động 1.854.360 ngày công. Trong suốt cuộc kháng chiến, chỉ tính riêng việc phục vụ cho các chiến dịch và kiến thiết cầu, đường, phà, Tuyên Quang đã huy động tới 6.519.000 ngày công. Với số dân 13 vạn người, năm 1954 tỉnh đã huy động tới 56.196 lượt người đi dân công (chiếm 43% dân số). Con số đó thể hiện sự cố gắng phi thường, hy sinh lớn lao của nhân dân Tuyên Quang đối với kháng chiến, với cách mạng. Lực lượng dân công tỉnh đã vận chuyển 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh... của tỉnh tới chiến trường để phục vụ chiến dịch. Không chỉ trực tiếp chi viện cho tiền tuyến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lực lượng dân công của tỉnh còn tham gia thực hiện công tác hậu phương quân đội góp phần tạo thêm sức mạnh cho kháng chiến.
Gửi phản hồi
In bài viết