Tận dụng thế mạnh tự nhiên
Với lợi thế có những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nhiều hang động kỳ thú; những thác nước tự nhiên thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên huyền ảo, khí hậu trong lành và nhiều phong tục văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... Trải dài cả 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Thủy điện Tuyên Quang thu hút nhiều du khách đến tham quan và check-in.
Chị Nông Thị Thu Diệu, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết, đến với khu bảo tồn, du khách chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội đi thuyền trên hồ thủy điện Tuyên Quang với diện tích mặt nước hơn 8.000 ha trải dài từ huyện Na Hang, huyện Lâm Bình đến tận huyện Bắc Mê (Hà Giang). Du khách có thể đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây.
Những cánh rừng nguyên sinh có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Anh Trần Đức Tiến, khách du lịch đến từ Hà Nam ngỡ ngàng khi đến với Khu du lịch sinh thái Na Hang bởi cảnh đẹp, vẻ hoang sơ, thuần khiết của những cánh rừng nguyên sinh, những dòng thác đổ xuống bọt trắng xóa, khí hậu mát mẻ, dễ chịu và trong lành. Anh còn được tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của đồng bào, đây thực sự là trải nghiệm rất khó quên khi đến với Na Hang.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Huyện Na Hang hiện có 12 dân tộc, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng. Ông Hoàng Minh Đằng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, những năm gần đây, Na Hang luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huyện đã xây dựng kế hoạch khôi phục những làng nghề truyền thống về dệt thổ cẩm, nhất là những thôn, xã đã có nghề dệt như Đà Vị, Thượng Nông, Yên Hoa, Hồng Thái...
Tại các xã có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng như Hồng Thái, Thanh Tương, Năng Khả, Đà Vị… Chính quyền các địa phương đã xây dựng các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân tộc thường xuyên tập luyện các tiết mục văn nghệ dân gian như hát Páo dung của người Dao; hát Then, Cọi của người Tày; múa Khèn của người Mông. Các địa phương tái hiện lại những nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (Lễ Cấp sắc, Lễ hội nhảy lửa...), các trò chơi dân gian của đồng bào (bắt cá bằng tay, đánh pao, tung còn...) để du khách đến Na Hang được trải nghiệm.
Mùa hoa lê ở Hồng Thái đã trở thành đặc sản thu hút du khách gần xa.
Chị Đàng Thị Hà, chủ Homestay Hoàng Hà, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái chia sẻ, bản thân là người Dao Tiền, khi bắt tay làm dịch vụ Homestay, chị đặc biệt chuẩn bị, trang trí Homestay bằng những sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Tới đây, chị sẽ thiết kế các khung dệt trong không gian Homestay, tập hợp một số phụ nữ biết dệt thổ cẩm đến thực hành và trực tiếp hướng dẫn du khách trải nghiệm. Không chỉ riêng sản phẩm dệt thổ cẩm, nhiều khách du lịch thích thú, chủ động tìm mua những sản phẩm khác như thực phẩm, vật phẩm trang trí của đồng bào về làm kỷ niệm.
Xã Thượng Nông hiện có trên 70% dân số là người dân tộc Tày. Để khôi phục những điệu hát cổ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập 10 câu lạc bộ dệt thổ cẩm và hát Then, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa phục vụ làm du lịch. Theo đồng chí Hoàng Văn Cướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông, thành viên các CLB của xã chủ yếu là người trẻ, từ 14 đến 40 tuổi. Các câu lạc bộ thường xuyên tham gia giao lưu tại các lễ hội, phục vụ biểu diễn trên thuyền tại lòng hồ và các Homestay trên địa bàn xã.
Trong định hướng phát triển du lịch, đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang phấn khởi cho biết, địa phương hiện có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, trong năm 2024 đã thu hút trên 450.000 lượt khách du lịch, đạt 128,6% kế hoạch, doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Na Hang tập trung triển khai xây dựng đề án 3 làng văn hóa du lịch gồm: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thông minh thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bản Bung, xã Thanh Tương và Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nà Khá, xã Năng Khả. Địa phương thành lập nhiều đoàn khảo sát, lựa chọn một số thôn, bản để xây dựng địa điểm phục vụ du lịch, trong đó có các điểm quan sát, check-in, điểm cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng, điểm du lịch mạo hiểm, leo núi, khám phá rừng nguyên sinh, hang động, thác nước... ưu tiên đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Gửi phản hồi
In bài viết