Kiến trúc kỳ dị, độc đáo của Crazy House Đà Lạt.
Trở về với thiên nhiên
Crazy House là một công trình đặc biệt, được xây dựng trên một khuôn viên rộng gần 2.000m2, gồm có nhà ở, nhà khách, quán cà phê, phòng trưng bày nghệ thuật... Kiến trúc của công trình có sự khác biệt so với những công trình thông thường ở Việt Nam và thế giới. Từ khi ra đời, tòa nhà này đã được công nhận bởi kiến trúc độc đáo và là tòa nhà kỳ dị nhất Việt Nam, được nhắc đến trong các sách hướng dẫn du lịch và được xếp vào nhóm 10 tòa nhà kỳ lạ nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Pháp Peoples Daily.
Crazy House được xây dựng dựa trên ý tưởng thiết kế là đưa con người trở về với thiên nhiên. Công trình được phát triển trên những hình khối được tạo bằng những đường cong và mặt phẳng tự do, không lệ thuộc vào nguyên tắc bố cục hình khối bằng những đường thẳng và mặt phẳng như thường lệ. Đặc biệt, nơi đây còn sử dụng các không gian mở về bốn phía của gian phòng để tạo sự phong phú cho tầm nhìn. Ở đây, người ta có thể liên tưởng những không gian kiến trúc, những tuyến giao thông là những cánh rừng, hang động, núi đá, gốc cây, những con thú... Tất cả đều khác thường và tạo ấn tượng đến kinh ngạc.
Chủ nhân của công trình là Tiến sĩ, kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Liên Xô, bà về Việt Nam năm 1972 và làm việc ở Hà Nội. Bà chuyển vào sống và làm việc ở Đà Lạt từ năm 1980. Với tình yêu Đà Lạt, bà quyết định sống ở đây đến cuối đời. Crazy House ra đời bởi sự đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc, thể hiện mơ ước đóng góp điều gì đó cho Đà Lạt của bà. Đặng Việt Nga là người trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công xây dựng công trình này từ năm 1990 đến năm 2010. Công trình được thiết kế như một ngôi nhà ở của chính chủ nhân, kết hợp với khách sạn cho khách thuê phòng, và cũng là một điểm tham quan đầy lôi cuốn.
Những trải nghiệm khó quên
Bắt đầu hành trình tham quan, du khách đi qua một chiếc cổng được thiết kế như một hang động dẫn đến các khối kiến trúc được kết nối bằng các tuyến giao thông đặc biệt. Có 4 khối kiến trúc chính, mỗi khối mang một dáng vẻ khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là... kỳ dị, được bố trí xen lẫn cùng vườn cây xanh. Tất cả là một phức hệ như mê cung, nhưng tỉ mỉ trong chi tiết. Phức hệ mang trường phái kiến trúc biểu hiện này có tới 100 mái và hàng chục không gian, hành lang, cầu thang, hiên, sảnh... không giống nhau, không lặp lại. Tất cả thể hiện cảm hứng sáng tạo dựa vào thiên nhiên.
Khi tham quan, du khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có khi đang đi trên hành lang thoáng đãng lại chui vào một không gian tối om, kỳ bí. Khi leo trên những bậc thang thì tất cả bỗng sáng bừng vì đã ở trên mái nhà, hoặc tới một “nút giao thông” mà du khách không biết rẽ theo ngả nào. Khi di chuyển, du khách liên tục gặp những gốc cây, cành cây cổ thụ, phiến đá, ô cửa sổ kỳ quái hay tượng người, tượng thú, mạng nhện khổng lồ... Khám phá công trình này cũng là sự thách thức về thể lực và sự gan dạ với du khách bởi có những cầu thang bậc rất cao, chênh vênh và không dành cho người yếu tim.
Có 3 không gian được định danh trong Crazy House. Đó là vườn Thiên đàng, vườn Địa đàng và vườn Thủy cung. Mỗi không gian đều có ý tưởng và sự biểu hiện riêng theo tên gọi. Trong quần thể kiến trúc này còn có 2 gốc cây khổng lồ bằng bê tông, đó là Khách sạn gốc cây và Lâu đài mạng nhện. Đây là khu lưu trú với 10 phòng được thiết kế tiện nghi như khách sạn. Mỗi phòng có một hình thù và nội thất khác nhau, được đặt tên theo ý tưởng trang trí, như phòng Quả bầu, phòng Kangaroo, phòng Gấu, phòng Khỉ, phòng Ong... Du khách sẽ có trải nghiệm đặc biệt khi ở trong những căn phòng này. Ở đây, có thể cảm giác như ở trong hang động nơi rừng rậm thời tiền sử và ban đêm có thể ngắm cả bầu trời sao.
Crazy House cũng là nơi ở của chủ nhân. Trừ phòng ngủ, du khách có thể tham quan khu nhà ở với phòng khách, phòng tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (thân sinh kiến trúc sư Đặng Việt Nga), phòng lưu giữ ký ức - kỷ niệm, phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật... Nếu có duyên, du khách có thể trò chuyện với chủ nhân để hiểu thêm về công trình đặc biệt này, cũng như tình yêu thiên nhiên và Đà Lạt của bà.
Có ví von rằng, Đà Lạt là một “bảo tàng kiến trúc châu Âu” thu nhỏ, bởi nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị qua năm tháng. Crazy House, dẫu không phải là một công trình cổ nhưng có lẽ cũng là “hiện vật” thú vị, "độc lạ" của bảo tàng đó. Hiện tại, mỗi năm Crazy House đón khoảng 100.000 lượt khách tới tham quan, là một điểm đến đầy sức hút của thành phố ngàn thông.
Gửi phản hồi
In bài viết