Khẩn trương khôi phục lại sản xuất

- Với phương châm nước rút đến đâu khôi phục sản xuất đến đó, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương của tỉnh đang chỉ đạo, hướng dẫn người dân khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, dựng lúa bị đổ, cây lâm nghiệp đổ, phục hồi diện tích cây ăn quả... nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.

Người dân chủ động

Nước chưa rút hết, người dân tổ 3, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã ra ruộng tìm cách dựng lại diện tích lúa đổ do mưa lũ, ngập nước. Cảnh tượng xanh mướt vừa mới mấy hôm trước, hôm nay đã phủ đầy bùn đất, vàng cả cánh đồng hơn chục ha. Hơn 4 sào lúa đang chuẩn bị chín, 3 sào đang ngậm sữa của gia đình bà Trần Thị Loan đã vùi lấp trong bùn, nước. Bà Loan buồn rầu dựng những thân lúa ngập trong bùn, nước, chia sẻ: “Toàn bộ diện tích lúa đang ngậm sữa coi như mất trắng không thể khôi phục được do ngập 3 ngày rồi. Giờ chỉ dựng lại diện tích đã vào chắc này để cứu vớt thôi”.

Cạnh đó, bà Hoàng Thị Sắc cũng đang buộc lại diện tích lúa đã bị đổ. Bà Sắc bảo: “Nhà có 5 sào lúa, cấy giống lúa ĐT25 đang vào mẩy, sau bão rồi ngập, lúa đổ hết, không biết vụ này có được bằng nửa sản lượng vụ trước không. Giờ cả nhà tập trung dựng từng khóm lúa buộc lại để lúa không bị ướt nảy mầm và hạn chế lép hơn”.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân khôi phục chanh sau lũ.

Thiệt hại nhất ở Đội Cấn là một số hộ dân trồng chanh tứ quý ở tổ 1. Đang nhặt rác vương trên những cây chanh gần 2 năm tuổi trồng dọc diện tích soi bãi, chị Lâm Thị Hiểu cho hay: “Trong 3 ngày mưa lũ gia đình chị đổ hết 400 cây chanh đang cho quả. Xót xa lắm! nhưng biết làm sao được, thiên tai lũ lụt mà. Gia đình tập trung làm vệ sinh, sau đó phun thuốc khử trùng. Vài ngày nữa sẽ buộc phải cắt bỏ hết tán, dựng lại và thực hiện chăm sóc đặc biệt để phục hồi lại bộ dễ cho cây. Hy vọng cây chanh sẽ phục hồi”.

Ngay sau khi nước rút người dân xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã chủ động bơm nước rửa lá, quả cho diện tích bưởi, đặc biệt là quả bưởi da xanh để chuẩn bị cho vụ thu hoạch tháng tới. Ông Phạm Văn Vượng, thôn Soi Đát cho biết: “Gia đình ông có 500 gốc bưởi da xanh 6 năm tuổi, dự kiến vụ năm 2024 cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng. Sau 3 ngày bão lụt bưởi đã rụng khá nhiều, những quả còn lại thì lấm bùn. Hiện gia đình phải rửa từng quả, chống lại từng cây. Hy vọng không thất thu”.

Theo thống kê của UBND Xuân Vân, diện tích sản xuất toàn xã bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 và xả lũ là 33,5 ha lúa; 24,5 ha ngô và 364 ha bưởi. Đồng chí Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết: Ngay sau khi nước rút, chính quyền xã thống kê thiệt hại và có phương án bố trí các lực lượng cùng người dân ổn định lại nhà cửa, tuyên truyền, vận động người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục lại sản xuất. Đối với cây bưởi, cây đem lại thu nhập cho người dân nhiều năm qua, người dân đã chủ động rửa bùn đất trên cây, quả. Những ngày tới, chính quyền xã sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân xử lý môi trường, phun khử trùng, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây để cây tiếp tục có sức nuôi quả và sinh rễ thay thế.

Khôi phục sản xuất

Theo thống kê, cơn bão số 3 và xả lũ của thủy điện Tuyên Quang đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ ngày 8 đến ngày 12-9, toàn tỉnh có trên 5.000 ha lúa bị đổ, ngập; 1.800 ha ngô hoa màu bị ảnh hưởng; gần 700 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 645 ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; tràn bờ 488 ha ao, hồ; thiệt hại 118 lồng cá nuôi trên sông Lô. Cùng với đó, vỡ 10 m đê thuộc xã Quyết Thắng (Sơn Dương); công trình kè chống sạt lở bờ sông Gâm ngay sau hạ lưu Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang bị sạt lở hư hỏng nhiều vị trí; hư hỏng 4 công trình thủy lợi gồm: 3 trạm bơm dọc sông Lô trên địa bàn TP Tuyên Quang; 1 đập dâng huyện Na Hang và 829 m kênh mương bị đứt gẫy. Hiện còn nhiều tuyến kênh mương, trạm bơm, đập dâng, hồ chứa bị sạt lở và hư hỏng hiện đang tiếp tục thống kê… 

Huyện Sơn Dương bị đổ, gãy 360 ha rừng. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết: Công ty đã bị đổ, gãy 200 ha rừng keo, bạch đàn từ 1 đến 5 năm tuổi, thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tập trung khắc phục diện tích bạch đàn từ 1 đến 2 năm tuổi bằng cách dựng lại cây và buộc cọc chống đỡ. Còn đối với diện tích hơn 120 ha cây từ 4-5 năm tuổi phải chặt tận thu và tiến hành trồng lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu, thôn Hữu Vu, xã Đại Phú đang khắc phục đồi bạch đàn 2 năm tuổi chia sẻ: “Có một ngày bão mà đổ, gãy cả 4 ha rừng. 2 ha keo thì không phục hồi được, phải chặt bỏ để trồng mới. Hiện nay gia đình tập trung dựng lại 1 ha bạch đàn 2 năm tuổi và 1 ha keo một năm tuổi. Hy vọng sẽ vớt vát được”.

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời bổ sung các phương án chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ và khôi phục sản xuất. Sở đã thành lập các đoàn công tác, phối hợp các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, các công trình thủy lợi, hướng dẫn các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp; phục hồi các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn bị hư hỏng đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật; tham mưu, đề xuất phương án khắc phục và hỗ trợ kịp thời đối với các diện tích sản xuất, chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Bên cạnh đó, chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, các chi cục trực thuộc Sở cũng ra các văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão.

Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: Chi cục đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố phối hợp, tập trung chỉ đạo nông dân huy động tối đa nguồn lực để khôi phục sản xuất. Với những diện tích lúa đã chín, cần huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Diện tích lúa đổ thì dựng lại, cột thành khóm tạo điều kiện cho cây lúa tiếp tục sinh trưởng và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Cây ăn quả thì rửa bùn, bổ sung dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh… giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Cùng với đó, trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan sau đợt mưa lũ này, các địa phương cần tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết: Gia đình bà nuôi lợn nhiều năm nay. Đây là lần đầu tiên bị ngập chuồng trại do mưa lũ. Tuy nhiên do chủ động di chuyển nên thiệt hại không lớn, hiện nay gia đình đã rửa chuồng trại bị ngập, phun thuốc khử trùng, rắc vôi xử lý môi trường. Khi đảm bảo sẽ tái đàn ngay để chuẩn bị cung ứng thịt lợn dịp cuối năm.

Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản hiện tại chưa khắc phục được ngay do ảnh hưởng nguồn nước, lồng bè... cơ quan chức năng đang bám sát tình hình thực tế hướng dẫn các hộ dân xử lý khu vực nuôi và tái sản xuất khi các điều kiện đảm bảo.          

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục