Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.
Phát biểu khai mạc cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân tử vong do thiên tai. Đây là cơn bão lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, thiệt hại do bão gây ra là rất lớn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành cơ quan liên quan báo cáo tình hình, đề xuất các giải pháp sớm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương, mặc dù đã được dự báo, cảnh báo sớm, Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, tránh, tuy nhiên cơn bão số 3 là cơn bão lớn nhất trong 30 năm trở lại đây, đạt cấp siêu bão và diễn biến rất bất thường.
Bão lớn đã làm 5 người chết; 186 người bị thương, 13 người mất tích. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…Về nông nghiệp ghi nhận 116.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại. Rạng sáng 8-9, tại tỉnh Hòa Bình cũng đã ghi nhận thêm 1 hộ dân bị đất sạt, vùi lấp 5 người.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tại Tuyên Quang, do ảnh hưởng bão số 3 đã gây mưa to, gió lớn làm hư hại nhiều công trình, nhà ở của các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến 8 giờ ngày 8-9, toàn tỉnh ghi nhận 44 nhà bị tốc mái. Trong đó nhiều nhất huyện Sơn Dương 41 nhà, còn lại thuộc các huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. Mưa lớn cũng gây ngập úng, gẫy đổ 200 ha lúa, cây màu; 22 ha cây lâm nghiệp bị đổ gây đổ gẫy. Ngoài ra còn mưa kèm gió lớn 8 cột điện 0,4 Kv bị gẫy.
Hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9-9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi đến 350mm.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp để khắc phục thiệt hại, trước mắt khẩn trương khắc phục sự cố điện, viễn thông để đảm bảo thông tin liên lạc. Song song với đó là huy động tối đa lực lượng để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với những nạn nhân mất tích, nạn nhân đang sống trong vùng nguy hiểm…
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công các đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra ngay các địa phương bị thiệt hại nặng, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, sớm ổn định đời sống người dân.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cơn bão số 3 rất nguy hiểm, phức tạp, bão liên tục tăng cấp, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn. Đồng chí đánh giá cao, ghi nhận công tác chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của các địa phương trong công tác phòng, chống bão; lực lượng vũ trang và các ngành liên quan ứng trực 100% lực lượng tham gia phòng, chống cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên do mức độ nguy hiểm của cơn bão quá lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đồng chí Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Mục tiêu đặt ra không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đồ dùng thiết yếu; học sinh thiếu trường, thiếu lớp. Bên cạnh đó là khẩn trương khắc phục sự cố về điện, viễn thông, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, bão đã rất nguy hiểm, hoàn lưu bão cũng không kém, các địa phương thông tin kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng, cách phòng chống, khắc phục để người dân nắm được; rà soát chặt chẽ các vùng xung yếu, triển khai các biện pháp phòng, chống sạt lở, ngập úng, sụt lún. Lực lượng chức năng ứng trực 24/24h đảm bảo ứng phó kịp thời khi xảy ra các sự cố về thiên tai. Đồng chí kêu gọi các địa phương, tổ chức doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trên tinh thần “Tương thân tương ái” hỗ trợ giúp đỡ các tỉnh bị thiệt hại.
Sau tổn thất to lớn từ cơn bão số 3 đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các địa phương cần phải rút ra bài học về lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, khẩn trương, phản ứng linh hoạt để giảm thiểu thiên tai. Cùng với đó là phải chủ động, sáng tạo, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai…giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết