Phiềng Ly là thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Hà. Thôn có 118 hộ dân, trong đó 99% là người dân tộc thiểu số. Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng khi triển khai làm đường giao thông nông thôn được bà con đồng tình hưởng ứng. Thôn vừa hoàn thành bê tông hóa 190m đường giao thông, nâng tổng số đường thôn đã bê tông hóa trên 1,5 km. Tuyến đường trên, thôn đã đăng ký làm từ năm trước, tuy nhiên, đến năm nay mới được cấp xi măng để làm. Bí thư Chi bộ Phiềng Ly Bàn Văn Nhất cho biết, bê tông hóa tuyến đường trên, bà con không phải đóng một đồng kinh phí, do công nhân dân tự làm, tiền được trích từ nguồn bảo vệ rừng của thôn. Lý giải điều này, anh Nhất cho hay, hằng năm, thôn được cấp một khoản kinh phí bảo vệ rừng, ngoài trả công cho các thành viên đi tuần tra bảo vệ rừng, thôn thống nhất trích 50% số tiền đó để xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó có việc làm đường giao thông nông thôn. Đây là cách làm hay, sáng tạo, thể hiện tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân Phiềng Ly trong xây dựng nông thôn mới.
Người dân thôn Nà Dầu, xã Trung Hà làm đường bê tông nông thôn.
Theo Bí thư Nhất, được đầu tư làm đường là sự mong mỏi của người dân, bởi vậy, khi thôn được cấp xi măng, nhân dân rất vui và đồng tình ủng hộ. Ví như, đường cũ chỉ rộng 3m, thiết kế đường mới rộng 5m. 3 hộ dân đã hiến hơn 50 m2 đất, trên đất có nhiều cây to cùng hoa màu để thôn làm đường. Hay chuyện thôn đăng ký cấp xi măng bê tông 160 m đường nông thôn. Quá trình xây dựng còn thừa kinh phí, thôn đã thống nhất tự mua xi măng, đổ bê tông thêm 30m đường.
Còn tại thôn Nà Dầu, phong trào làm đường giao thông cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng, nhất là việc hiến đất làm đường. Đầu năm 2021, xã Trung Hà xây dựng tuyến đường hơn 1 km vào nghĩa trang của xã, đi qua thôn Nà Dầu. Tuyến đường từ 3 m mở rộng lên 6 m, bởi vậy, rất nhiều hộ dân phải hiến đất. Trong đó, Nà Dầu có 9 hộ, với tổng diện tích hiến 1.120 m2. Bên cạnh những hộ tích cực ủng hộ, vẫn còn có 1, 2 hộ chưa đồng tình hiến đất với lý do, đường Nhà nước đầu tư xây dựng phải có đền bù. Ngoài các cuộc họp thôn tuyên truyền, vận động, cán bộ thôn phối hợp cán bộ xã đến từng nhà tuyên truyền, thuyết phục bà con. Cùng với sự gương mẫu của các gia đình đảng viên có đất liên quan tiên phong hiến trước để nhân dân noi theo. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, 9/9 hộ thôn Nà Dầu đều đồng thuận hiến đất. Điển hình một số hộ có diện tích hiến nhiều như gia đình ông Cư Seo Chính, 176 m2; ông Lương Văn Chăng 167,5 m2; ông Giàng Seo Hòa 150 m2...
Cán bộ thôn Phiềng Ly cùng các hộ dân 2 bên đường kiểm tra diện tích đất hiến để làm rãnh thoát nước tuyến đường mới xây dựng.
Ông Cư Seo Chính là hộ dân tộc Mông, gia đình có 8 khẩu nhưng cũng chỉ có khoảng 2 ha đất rừng, 3 sào ruộng. Thế nhưng, khi nhà nước đầu tư tuyến đường mở rộng đi qua vườn keo 4 năm tuổi của gia đình ông, ông đã tự nguyện chặt cây, giải phóng mặt bằng để nhà nước làm đường. Ông Chính cho biết, bao đời người dân vất vả vì đường giao thông đi lại khó khăn. Nay được nhà nước có chủ trương xây dựng, gia đình tôi đã quyết định hiến 176 m2 đất vườn góp cùng nhà nước hoàn thiện tuyến đường. Với lại, mình là đảng viên phải gương mẫu cho bà con học tập.
Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà chia sẻ: là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, thế nhưng khi triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thôn bản, nhất là đường giao thông nông thôn... đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ sự đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường bê tông nông thôn đã hình thành. Những tuyến đường mới đã tăng kết nối giữa các thôn với thôn, thôn với xã. Ý nghĩa hơn là đã có sự gắn kết của bà con dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa, hy vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tin rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ giúp Trung Hà sớm hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới năm 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết