Hoạt động của Đề án thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại

07:50, 15/07/2008

(HGĐT)- Ngày 26.5.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Đề án TBT).


Qua gần 3 năm thực hiện, có thể khẳng định rằng, việc thực thi cam kết đối với Hiệp định TBT được Việt Nam triển khai nghiêm túc và có bài bản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế.


Năng lực và tổ chức mạng lưới TBT

Cơ cấu của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về TBT gồm: Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (gọi tắt là Văn phòng TBT Việt Nam) đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp cấp bộ về TBT đặt tại các Bộ: Công thương, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Thông tin và truyền thông, Tài nguyên và môi trường, Lao động - thương binh và xã hội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa, thể thao và du lịch; cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp về TBT của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Điểm TBT địa phương) đặt tại các Sở KH&CN. Hiện nay, Điểm TBT địa phương đã được thành lập ở tất cả các địa phương trong cả nước, trong đó, phần lớn trực thuộc các Chi cục TCĐLCL, số còn lại trực tiếp thuộc Sở KH&CN. Một số tỉnh đã thành lập ban (tổ) liên ngành về TBT, hoặc ban hành quy chế phối hợp giữa các sở/ban/ngành về vấn đề TBT.


Năng lực cán bộ: Nhìn chung, cán bộ tham gia mạng lưới TBT là các cán bộ trẻ có trình độ ngoại ngữ và tin học nhất định, song kiến thức về TCĐLCL và TBT còn hạn chế. Một số cán bộ có tuổi đời cao hơn thường giữ cương vị lãnh đạo, thời gian dành cho nhiệm vụ TBT hạn chế...


Hạ tầng kỹ thuật: Các Điểm TBT trong cả nước đã được quan tâm đầu tư về trang thiết bị văn phòng (máy tính cá nhân, điện thoại, fax) và công nghệ thông tin (đường truyền Internet). Có 20 Điểm TBT đã xây dựng được trang Web riêng hoặc duy trì phần TBT trong các trang Web sẵn có của cơ quan chủ quản. Đối với các Điểm này, việc trao đổi, cập nhật và khai thác thông tin với các Điểm khác, cũng như các kênh thông tin khác được diễn ra thường xuyên, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ theo chức năng.


Cơ chế hoạt động (phối hợp, trao đổi thông tin…): Về nguyên tắc, cơ chế trao đổi thông tin đã được quy định trong Quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày 4.5.2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Quy trình thông báo và hỏi đáp của cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về TBT. Năm 2007, Hướng dẫn số 1 về Quy trình xử lý thông báo của các thành viên WTO đã được xây dựng và áp dụng...


Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án TBT từ 2005 đến 2008, nhận thấy những điểm thuận lợi như: Nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các bộ và địa phương nên việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án TBT nhìn chung đã phù hợp với tiến độ xây dựng kế hoạch về hoạt động KH&CN; sự phối hợp giữa các bộ, địa phương và giữa các cơ quan trong hệ thống TBT đồng bộ và thông suốt hơn. Bộ KH&CN đã thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc tích cực phối hợp với các bộ và địa phương tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án TBT. Các bộ và địa phương đã chủ động hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án và phối hợp với Bộ KH&CN khi cần thiết, do đó bước đầu đã thực hiện được nghĩa vụ, cam kết đề ra. Đã có sự phối hợp tốt giữa Phái đoàn của Việt Nam tại Giơnevơ (Thụy Sỹ) và các cơ quan trong nước, tranh thủ được sự hỗ trợ của Ban Thư ký WTO khi cần thiết.


Một số khó khăn và hạn chế trong hoạt động

Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp của các bộ cũng như Điểm TBT địa phương đều mới được thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm nên hoạt động chưa đồng đều, một số Điểm TBT còn lúng túng trong định hướng và các hoạt động tác nghiệp. Các Điểm TBT chưa có sự liên kết, chia sẻ thông tin, nghiệp vụ chặt chẽ. Việc phối hợp giữa các cơ quan (đặc biệt giữa các cơ quan trung ương và địa phương) còn những hạn chế nhất định do những hạn chế về phương tiện thông tin và cơ chế phối hợp.


Các vấn đề liên quan đến WTO nói chung và TBT nói riêng còn mới đối với nhiều cán bộ, chuyên viên. Việc hiểu rõ để áp dụng và triển khai Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về TBT của các đơn vị hiện nay hầu hết là kiêm nhiệm, đa số chưa được đào tạo sâu về nghiệp vụ, năng lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, Tổng cục TCĐLCL và Văn phòng TBT Việt Nam chưa tổ chức được nhiều khóa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; phương thức đào tạo, tập huấn còn nặng về lý thuyết; cổng thông tin điện tử quốc gia về TBT chưa kết nối được với các Điểm TBT nên hạn chế trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến nghiệp vụ thông báo và hỏi đáp.


Hoạt động triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án TBT ở các địa phương chủ yếu là chuẩn bị các điều kiện để hoạt động (trang bị cơ sở vật chất, kết nối mạng…), việc thực hiện tuyên truyền về hoạt động TBT chưa được chú trọng. Một số Điểm TBT chưa chủ động do thiếu định hướng và khả năng tổ chức công việc. Sự hiểu biết cũng như quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động TBT tại địa phương chưa kịp thời, do vậy, chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.


Nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nước về TBT còn khá mơ hồ, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến TBT và các hoạt động liên quan, cũng như chưa nhận thức đúng mức độ ảnh hưởng của việc Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định này. Do đó, khi Văn phòng TBT Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, đối tượng là các doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, hoặc tham gia nhưng chỉ mang tính hình thức.


Những giải pháp chiến lược

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án TBT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương theo đúng pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp, duy trì hoạt động mạng lưới thông suốt, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề sau: Tăng cường việc đào tạo, tập huấn về kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tin học... cho các cán bộ làm công tác TBT. Hoàn thiện cơ chế hoạt động, trong đó chú trọng tăng cường phối hợp trong mạng lưới thông qua sự chỉ đạo từ Văn phòng TBT Việt Nam với sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ thông tin (Cổng thông tin TBT...). Đồng thời, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các Điểm TBT trong mạng lưới, tạo điều kiện tham quan, khảo sát học hỏi kinh nghiệm từ các Điểm TBT của các nước thành viên khác. Đẩy mạnh quảng bá về hoạt động của các Điểm TBT, công tác quan hệ công chúng (PR) để cơ quan, doanh nghiệp hiểu biết về hoạt động TBT. Tăng cường đầu tư, xây dựng năng lực kỹ thuật (cơ sở dữ liệu, trang Web, thiết bị văn phòng...) cho các Điểm TBT để hoạt động được thông suốt, đồng bộ và đem lại kết quả cao nhất.


Đức Duy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Viettel đạt 20 triệu khách hàng
(HGĐT)- Chiều 26.6, Chi nhánh Viễn thông Quân đội tại Hà Giang (thuộc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội) tổ chức Lễ công bố mạng di động Viettel đạt 20 triệu khách hàng.
29/06/2008
Một số cách thức đưa các dự án phát triển nông thôn miền núi về các tỉnh miền núi
(HGĐT)- Về một số vấn đề chung cần lưu ý trong CGCN cho khu vực nông thôn miền núi.Trước hết, để công nghệ được chuyển giao sớm phát huy tác dụng và đưa lại lợi ích kinh tế-xã hội (KT-XH) thiết thực cho người dân, các kênh CGCN cần đặc biệt lưu ý xem xét/ thẩm định “tính phù hợp” của công nghệ.
28/06/2008
Windows XP được hỗ trợ đến 2014
Microsoft quyết định gia hạn cho hệ điều hành XP do có quá nhiều yêu cầu từ phía khách hàng, đồng thời khẳng định Windows 7 sẽ có mặt vào đầu năm 2010.
27/06/2008
Cả thế giới đang dùng hơn 1 tỷ PC
Theo hãng nghiên cứu Gartner, với mức tăng trưởng mạnh tại các thị trường mới nổi, con số đó sẽ là 2 tỷ vào năm 2014. Hiện nay, các thị trường đã trưởng thành chiếm 58% trong con số 1 tỷ PC đầu tiên, nhưng họ sẽ chỉ chiếm 30% trong 1 tỷ thứ hai, Gartner cho biết.
25/06/2008