Cần có giải pháp khai thác hiệu quả các giếng khoan nước vùng cao
HGĐT- Nước sạch phục vụ sinh hoạt luôn là vấn đề bức thiết đối với người dân Hà Giang. Đặc biệt, tại các huyện vùng cao núi đá phía Bắc thì nước sạch luôn quý hơn vàng! Chỉ những ai từng sống, làm việc tại vùng cao Hà Giang mới thấu hiểu nỗi khát khao về nước, nhất là khi mùa khô ngự trị. Vào những tháng cao điểm mùa khô, để có nước sinh hoạt, người dân phải dậy từ rất sớm, đi rất xa, hứng từng giọt nước tí tách thấm ra từ đá.
Thấu hiểu niềm khát khao của người dân nơi đây, hành trình tìm nước “giải khát” vùng đá được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngoài chương trình đầu tư, xây dựng hồ chứa nước trên Cao nguyên đá triển khai từ nhiều năm nay, với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng, cung cấp nước cho hàng nghìn người dân, thì từ năm 1996, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đã tiến hành khoan thăm dò, đánh giá nguồn nước dưới lòng đất tại nhiều địa phương của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án điều tra, đánh giá nguồn nước được hoàn thành như: Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Vị Xuyên, diện tích nghiên cứu 36km2; điều tra địa chất đô thị Hà Giang, diện tích nghiên cứu 136km2; đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Quản Bạ với diện tích 72km2, vùng Mèo Vạc với diện tích nghiên cứu 574km2; điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất các vùng Lũng Hồ - Đường Thượng (Yên Minh), Phố Cáo, Phố Bảng, Sủng Là, Tà Lủng, Sính Lủng (Đồng Văn) thuộc Dự án Điều tra, đánh giá nước dưới đất một số vùng trọng điểm thuộc 7 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc, diện tích nghiên cứu 216km2...
Kết quả điều tra, đánh giá của 8 dự án xác định được 42 lỗ khoan có nước đạt 0,5-14,23l/s, tổng lưu lượng khoảng 186 l/s, tương đương 16.120m3/ngày đêm. Cụ thể, đối với Dự án Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất thị trấn Vị Xuyên, các nhà khoa học đã tìm được 2 lỗ khoan có nước, với tổng lưu lượng 1.800m3/ngày đêm và đã xây dựng công trình cấp nước tập trung cho cả thị trấn. Những lỗ khoan ở các dự án khác cũng tìm ra nguồn nước, lưu lượng đạt từ vài trăm đến hơn nghìn m3/ngày đêm. Chất lượng phân tích nguồn nước ở các vùng điều tra, đánh giá cho thấy không có chất độc hại, đáp ứng đủ tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Tại khu vực huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, trong số 20 lỗ khoan được khảo sát, những chuyên gia tìm nước đã bơm thổi rửa và bơm thí nghiệm 10 lỗ khoan, tiến hành khoan kết cấu 2 giếng khai thác tại trung tâm thị trấn Đồng Văn. Kết quả khảo sát, đánh giá trữ lượng tại khu vực này cho thấy, tổng lưu lượng nước có thể khai thác được trong 5 giếng khoan đạt gần 2 nghìn m3/ngày đêm. Các lỗ khoan có lưu lượng nước tương đối giàu, chất lượng tốt, gần khu dân cư, cạnh các trường học, thế nhưng từ khi khoan xong chưa được đưa vào khai thác. Ngoài các lỗ khoan trên, tại khu vực này đã tiến hành khoan 2 lỗ, công suất khai thác 850m3/ngày đêm, cấp đủ nước cho thị trấn với quy mô dân số khoảng 1 vạn người. Từ kết quả đánh giá trữ lượng các giếng khoan và tiến hành khoan lại kết cấu thành giếng khai thác, khu vực thị trấn Đồng Văn đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch với hệ thống gồm giếng khoan, nhà trạm, hệ thống lọc xử lý nước sạch, hệ thống điện và đường ống dẫn nước cấp cho toàn bộ thị trấn nên đã chấm dứt tình trạng phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn quá ít giếng khoan được đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân. Tại nhiều vị trí, các giếng khoan vẫn chỉ tồn tại dưới dạng kết quả nghiên cứu, chưa được khai thác, trong khi nhu cầu nước của người dân rất lớn. Cụ thể như khu vực Mèo Vạc, tổng lưu lượng nước có thể khai thác từ 5 giếng khoan đạt 1.115m3/ngày đêm. Các lỗ khoan này được bố trí dọc theo một hành lang với khoảng cách phù hợp, đảm bảo khi đưa vào khai thác không bị can nhiễu, lượng nước tương đối giàu, chất lượng tốt. Để phát huy hiệu quả các lỗ khoan này, cần sớm đầu tư hệ thống trạm cấp nước tập trung và đường ống dẫn nước công suất 1 nghìn m3/ngày đêm, cấp đủ nước cho 12 nghìn người dân khu vực thị trấn Mèo Vạc. Tại khu vực trung tâm xã Niêm Sơn (Mèo Vạc), 1 lỗ khoan thăm dò cũng xác định được lưu lượng nước tương đối lớn, khả năng khai thác trên 345m3/ngày đêm. Hiện tại, khu vực này chưa có hệ thống cấp nước sạch, nguồn nước dùng sinh hoạt hàng ngày chủ yếu từ các nguồn phát lộ, chất lượng không ổn định. Lỗ khoan tại đây đạt yêu cầu về trữ lượng, chất lượng nên rất cần được khai dẫn, xây dựng trạm cấp đơn lẻ, cấp nước tại chỗ cho người dân.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước đang triển khai kế hoạch, đề xuất phối hợp Dự án Kawatec nghiên cứu, xây dựng trạm cấp nước tập trung công suất 1.000-1.500m3/ngày đêm tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc. Tại các vị trí khác có nguồn nước tương đối ổn định, cũng rất cần được đầu tư, hoàn thiện thành các giếng khoan cung cấp nước sạch cho người dân. Bên cạnh các chương trình, dự án cấp nước được đầu tư cho vùng cao thời gian qua, cũng rất cần triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu, đánh giá nguồn nước vào thực tế và đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giải “cơn khát” cho vùng cao Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc