Khoa học và Công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 10/1, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND thành phố Cần Thơ và Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Net Zero tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất trù phú và là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Đây là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất và những thay đổi cực đoan về thời tiết. Những thách thức này không chỉ đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và an ninh lương thực của cả nước.

Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương phối hợp các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia KC.16/24-30 nhằm phục vụ mục tiêu Net Zero. Đây là hành động cụ thể và kịp thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Chương trình Khoa học và công nghệ Net Zero là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dù mục tiêu đặt ra đầy thách thức, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn, với tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, chúng ta sẽ biến những thách thức này thành cơ hội. Vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không chỉ là vùng tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu mà còn là vùng có nhiều đổi mới, giải pháp về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

Chương trình Khoa học và công nghệ Net Zero là một trong những hành động kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng một chương trình quốc gia phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình này không chỉ song hành cùng các chương trình quốc gia hiện có mà còn tập trung vào các giải pháp đột phá, đặc biệt là công nghệ xanh và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Một điểm mới nổi bật của chương trình là phương pháp triển khai dựa trên “tiếp cận từ mục tiêu”, huy động tối đa nguồn lực và trí tuệ từ cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan nhà nước để giải quyết những mục tiêu quốc gia cụ thể.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Mặt khác, hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường, cân bằng sinh thái...

Là đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long cả về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt với định hướng phát triển xanh, nền kinh tế xanh trong khu vực. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái hướng đến phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0,… là những mục tiêu phát triển mà thành phố Cần Thơ hướng tới.

Tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg về quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của thành phố Cần Thơ xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2022. Mới đây, trong khuôn khổ chương trình OPCC 2023-2024 nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố và trao danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2024 cho thành phố Cần Thơ vì những nỗ lực không ngừng nghỉ mà người dân và chính quyền thành phố đã đạt được.

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, bảo đảm cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ngày càng bền vững, thành phố Cần Thơ đã chủ động cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn đến năm 2050; lồng ghép biến đổi khí hậu vào Kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực; nghiên cứu tiền khả thi về phát triển các giải pháp bảo hiểm rủi ro khí hậu cho thành phố Cần Thơ.

Với vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua thành phố đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái, tuần hoàn và hữu cơ, tập trung giảm phát thải khí metan, lồng ghép giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vào các ngành, lĩnh vực sản xuất. Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhân rộng các mô hình tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP; hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị nông sản địa phương, góp phần khẳng định vị thế không chỉ của Cần thơ, mà còn của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên bản đồ nông nghiệp xanh quốc gia và quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về điều kiện kinh tế-xã hội đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ mục tiêu Net Zero của khu vực nói chung và từng địa phương nói riêng.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục