Huyền tích núi Bầu
Hồ Hoa Lũng nằm dưới chân dãy núi Bầu. Hồ được hình thành từ 4 con suối lớn bắt nguồn từ núi Bầu đổ về. Núi Bầu, dãy núi gắn với truyền thuyết về bà chúa Bầu mà người dân trong vùng kể cho đời sau từ hàng nghìn năm trước. Chuyện kể rằng, ở vùng đất này có một bà cụ già trồng được một cây bầu rất lạ. Cây bầu lớn lên nhưng không thấy ra hoa kết quả, dây bầu cứ nở dài lan ra, lan mãi. Dây lan ra rất dài, bò lên cả núi đồi, cứ thế mà lan đến vùng đất Sơn Dương tới ngọn núi cao rồi ở đó. Từ đó dây bầu mới bắt đầu trổ hoa và kết thành một quả bầu. Rồi từ trong trái bầu ấy, nở ra một cô gái, chỉ vài ngày sau đã lớn thành một thiếu nữ. Cô gái lần theo dây bầu về đến gốc cây, gặp bà già trồng bầu, nhận bà làm mẹ. Mọi người thấy sự lạ, gọi ngay cô gái là cô Bầu. Và ngọn núi ở vùng đất Đại Phú cũng được gọi là núi Bầu.
Một góc hồ Hoa Lũng.
Hai mẹ con nuôi nhau qua ngày, được ít lâu thì bà cụ mất. Nàng Bầu đem mẹ lên sườn núi chôn. Khi đào đất để chôn mẹ, nàng nhặt được một cái chuông đã đem về nhà. Chuông tuy bé nhưng mỗi khi gõ vào thì tiếng kêu lên rất to và vang đi rất xa. Khi nghe tiếng chuông, lòng người ai nấy đều cảm thấy xốn xang, như có điều gì nung nấu ở bên trong. Khi đó Thái thú nhà Hán cai trị Việt Nam lúc đó là Tô Định rất tàn bạo mất lòng dân. Năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Phong Châu, nàng Bầu hay tin bèn gõ chuông lên. Nghe tiếng chuông, các thanh niên nam nữ trong vùng tất thảy đều bỏ dở công việc, sắm cung tên, giáo mác băng đèo lội suối đến bên cạnh nàng Bầu. Chỉ trong một ngày đã có tới mấy ngàn người có mặt quanh bà. Rồi mọi người nhất tề tôn phù nàng Bầu lên làm chủ tướng.
Nàng Bầu đem quân tới Phong Châu quy phục dưới cờ Hai Bà Trưng, được giao việc chống quân Tô Định. Bà lập được nhiều chiến công, đánh đuổi Tô Định, được Trưng Trắc phong làm công chúa. Vì vậy ai cũng gọi là bà Chúa Bầu. Năm 43, Trưng Vương bị thua trận, đội binh của bà Chúa Bầu cũng lâm nạn. Không chống cự nổi với thế giặc quá lớn, khi thấy không còn cách nào cứu vãn nổi tình thế, bà sai quân lính vứt chiếc chuông xuống vực, rồi tự mình cũng nhảy xuống đó, tự vẫn. Từ đó, các đời sau, mọi người trong vùng đã lập đền thờ tưởng nhớ công lao của bà ở những nơi xảy ra sự tích. Hiện cách hồ Hoa Lũng khoảng hơn 1 km thuộc thôn Thái Sơn Đông, xã Đại Phú vẫn còn đền thờ bà.
Tiềm năng phát triển du lịch
Trước đây khi chưa có hồ Hoa Lũng thì nơi này vốn là cánh đồng Gò Tống của xã Đại Phú thuộc các thôn Lũng Hoa, Tứ Thể, Đồng Giếng, Cây Thông và Vinh Phú. Cánh đồng này thường xuyên bị hứng chịu những trận lũ lụt bởi những con suối lớn đổ về. Vì thế, năm 1979 Nhà nước quyết định ngăn đập, chặn dòng nước của 4 con suối lại, biến nơi này thành vùng hồ tích nước để khai thác thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng của 10 thôn xã Đại Phú với diện tích gần 200 ha. Từ khi ngăn đập, nước dâng lên đã biến cánh đồng Gò Tống trở thành vùng hồ tuyệt đẹp. Mặt trước của hồ chạy dài theo thân đập. Đứng từ đây nhìn về phía núi Bầu, hồ nằm nghiêng soi những tán rừng, những quả đồi cao thấp. Những con suối lớn được nước dâng lên rộng ra rồi nhỏ dần len lỏi dưới những tán rừng tiến sâu về phía núi Bầu. Phía trên những con suối đó là những thác nước, những ang, vũng, chạy dài từ núi Bầu đổ về, đó là nguồn nước mát lành vô tận chảy về hồ quanh năm không bao giờ cạn.
Thác nước dưới chân núi Bầu.
Nhờ nguồn nước hồ Hoa Lũng tưới tiêu, đã tạo điều kiện cho vùng đất này trù phú đúng như cái tên Đại Phú. Năm 2017, xã Đại Phú là một trong những địa phương sớm hoàn thành xã nông thôn mới của huyện Sơn Dương. Trên địa bàn xã, đồng bào dân tộc Cao Lan còn bảo tồn nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt “đặc sản” của người Cao Lan là làn điệu Sình ca. Ở đây đã được nghệ nhân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa dày công sưu tầm và “truyền lửa” cho các thế hệ sau này. Đội văn nghệ do ông thành lập thường xuyên duy trì sinh hoạt suốt hơn 20 năm qua và cũng trở thành niềm tự hào của đồng bào Cao Lan ở Tuyên Quang khi liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các hội thi, hội diễn trong toàn quốc, khu vực và vinh dự được phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước. Dịp Tết đến, Xuân về, trong không khí sum họp của nhiều gia đình ở Đại Phú, làn điệu Sình ca ngọt ngào, say đắm lòng người lại rộn ràng cất lên.
Chúng tôi theo chân những cán bộ xã Đại Phú đi khám phá vùng lòng hồ Hoa Lũng. Ông Lại Tiến Sơn, người vốn đã có thâm niên nhiều năm gắn bó với hồ Hoa Lũng, hiện ông còn nuôi cá lồng trên hồ. Ông Sơn chia sẻ, cá tự nhiên trên hồ rất khó đánh bắt bởi có rất nhiều cá to. Ông Sơn đã từng mua rất nhiều loại lưới lớn để đánh bắt nhưng chỉ một vài lần thả xuống là lưới đã rách tan, bắt được những con cá nhỏ thì không đủ tiền mua lưới nên đành chịu. Trên hồ có nhiều thợ câu cá ở khắp vùng, thậm chí tận Hà Nội về đây câu. Những thợ câu thường chỉ bắt được những con cá tầm 20 kg nhưng phần lớn ra về trong hối tiếc bởi cần, cước không đủ kéo được những con cá lớn hơn. Nhiều người trong vùng đã từng nhìn thấy có cá lớn nổi lên to như tấm phản.
Vượt qua vùng lòng hồ, chúng tôi đi vào khu vực những con suối, mặc dù giữa trưa hè tháng 6 trời nóng như đổ lửa nhưng nước ở đây rất trong và mát. Tiến sâu hơn nữa suối bị chặn lại bởi những phiến đá lớn nhẵn bóng, tầng bậc, có chỗ suối thành những thác nước nhỏ, những ang vũng. Đến đây chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, không khí mát lịm cảnh vật thật hữu tình. Có rất nhiều người dân ở những thôn gần đó đến đây để thưởng thức không khí mát lành này, họ còn mang cả đồ ăn, thức uống ở đây từ sáng đến chiều mát mới về. Đám học sinh thì thoải mái mà tắm mát, chúng trèo lên vách đá rồi nhảy xuống ang nước dưới chân thác.
Thấy rõ tiềm năng biến hồ Hoa Lũng trở thành một địa danh du lịch, thời gian qua, huyện Sơn Dương đã đưa hồ Hoa Lũng vào quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát để đầu tư. Đây là địa điểm tương đối thuận lợi, kết nối với Khu du lịch lịch sử Tân Trào, với tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hà Nội để đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vừa qua, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang mong muốn được hợp tác với tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương tiến hành khảo sát và xin chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái tại hồ Hoa Lũng. Dự án thành công sẽ là điều kiện thuận lợi lớn góp phần để du lịch huyện Sơn Dương phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết