Nhiều người kinh doanh online lơ mơ về nghĩa vụ thuế
Thời gian qua, cơ quan thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường thu thuế các tổ chức, cá nhân kinh doanh online hay có thu nhập từ mạng xã hội. Thế nhưng kết quả vẫn còn khá thấp so với thực tế. Lý do bởi bên cạnh những khó khăn về cách thu thuế qua mạng và các kẽ hở về quản lý thì hiện nhiều người kinh doanh qua mạng vẫn còn lơ mơ, chưa hiểu rõ về các quy định đóng thuế.
Thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 6/2023, cơ quan này đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo… nhưng nhiều cá nhân, tổ chức chưa kê khai doanh thu để nộp. Bên cạnh đó, hàng nghìn cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik Tok… vẫn chưa chủ động kê khai doanh thu và chủ động nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trên các diễn đàn về thuế, không ít người thắc mắc về nghĩa vụ nộp thuế của mình khi tham gia bán hàng online trên mạng xã hội. Chủ shop Cây Rơm Cosmetic đang kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử cho biết, với lợi thế không mất chi phí cửa hàng nên việc lựa chọn kinh doanh online khá phổ biến và đa phần doanh thu bán hàng đến từ việc livestream. Mặc dù bán hàng online gần 5 năm nay, nhưng shop vẫn thường xuyên cập nhập thông tin vì sợ sửa luật hay quy định nộp thuế nào đó mà mình không biết.
“Vừa qua, tôi thấy có nhiều người bán hàng online phạt vì không nộp thuế. Tôi đang rất lo lắng, dù đã đóng thuế thu nhập hằng năm đầy đủ nhưng không biết shop còn đóng thiếu hay quá hạn khoản nào không và nếu đã quá hạn nộp thì việc truy thu được quy định ra sao” – Chủ shop Cây Rơm Cosmetic chia sẻ.
Sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán từ năm sau
Chiều 29/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính. Đáng chú ý, Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế quy định từ ngày 1/1/2025, sàn thương mại điện tử, nền tảng số (trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán trên các nền tảng này.
Trường hợp không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay, người bán phải trực tiếp đăng ký, khai và nộp thuế. Hồ sơ, thủ tục, cách thức và trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử, nền tảng số sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
Đây là điểm mới khi hiện nay, các nhà bán hàng trên Shopee, Lazada, Tik Tok Shop... đều phải tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm. Các sàn thương mại điện tử chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.
Chủ shop Cây Rơm Cosmetic cho hay, “Đây là bước tiến giúp minh bạch hóa hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, người bán cũng cần chuẩn bị tâm lý rằng doanh thu thực nhận sẽ giảm đi do đã bị trừ thuế ngay từ đầu.”
Chia sẻ về việc thay đổi luật chủ shop Cây Rơm Cosmetic cũng cho biết, việc các sàn đóng thay người bán mang lại khá nhiều lợi ích cho các chủ shop kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Thông thường, các shop đăng ký kinh doanh cá nhân thường sẽ sử dụng ứng dụng eTax để tra cứu nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của bản thân và đóng theo yêu cầu chứ không rõ về cách tính. Tuy nhiên, với luật sửa đổi, dù có thể chi phí sàn tăng nhưng chủ shop không lo đóng thiếu.
Quy định mới không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng trong thu thuế, mà còn giảm thiểu tình trạng trốn thuế phổ biến trong kinh doanh online. Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định trong kinh doanh, các nhà bán hàng nên tính toán giá sản phẩm sao cho phù hợp với mức thuế phải đóng.
Với những thay đổi trong chính sách thuế, đây là lúc các nhà bán hàng trên TikTok Shop cần nắm rõ các quy định để thích nghi và phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết