Đưa lợi thế của ngành công nghiệp khai khoáng thành thế mạnh trong phát triển kinh tế
HGĐT- Hà Giang đang có 4 lợi thế để phát triển kinh tế địa phương là: Rừng - thủy điện - khoáng sản và du lịch sinh thái. Những lợi thế đó đang góp phần thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp còn non trẻ của tỉnh nhà lên tầm cao mới, tạo ra những giá trị vật chất tiềm tàng, đưa Hà Giang phát triển toàn diện, trong đó khoáng sản là một lợi thế.
Theo xác định địa chất, Hà Giang hiện có gần 150 mỏ, điểm mỏ. Có rất nhiều mỏ thuộc các loại khoáng sản quý, đặc biệt quý hiếm và không thể thay thế được trong sản xuất công nghiệp như: Ăng ti mon kim loại, vonfram, măng gan, chì, kẽm... với trữ lượng lớn đủ để hình thành một ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo “chiều sâu” tạo thành những giá trị vật chất lớn có tính “dữ trữ và tích lũy” để đầu tư cho các lĩnh vực khác, thúc đẩy nó phát triển toàn diện. Lợi thế đó hiện nay đang được đầu tư, khai thác mang lại giá trị cao cho các doanh nghiệp, nộp vào ngân sách địa phương những khoản đóng góp đáng kể thông qua thuế và tạo việc làm cho người lao động. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 9 tháng năm 2008, ngành Công nghiệp khai thác mỏ đạt giá trị sản xuất trên 80 tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi thế của ngành công nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản của tỉnh là rất lớn, nếu chúng ta đầu tư thỏa đáng để nó phát triển thành một ngành công nghiệp có tính “động lực” của nền kinh tế địa phương. Kế hoạch xuất khẩu, khai thác, chế biến khoáng sản cả năm 2008 của tỉnh đề ra là 155.800 tấn các loại. Trong đó: Măng gan là 30.000 tấn, chì kẽm 15.000 tấn, quặng sắt 45% là 110.000 tấn, Ăng ti mon kim loại 800 tấn. Nhưng qua 9 tháng, ngành công nghiệp này mới khai thác, chế biến và xuất khẩu được 40.153 tấn, bằng 46% kế hoạch năm và đang đi “chậm” so với kế hoạch của năm đề ra. Hiện nay, ngành công nghiệp khai khoáng đang phát triển chậm lại và chưa tương xứng với lợi thế vốn có của nó. Nghĩa là chưa trở thành thế mạnh để lôi kéo nền kinh tế phát triển theo đúng nghĩa của nó. Nghị quyết số 06 ngày 9.4.2007 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khoáng sản đến năm 2010, tính đến 2020 là đưa 4 loại khoáng sản: Quặng sắt, chì kẽm, măng gan, Ăng ti mon kim loại vào chế biến theo “chiều sâu” công nghiệp tại tỉnh, nhằm tạo ra giá trị hàng hóa cao để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh. Mục tiêu là phải khai thác 1,5 triệu tấn quặng sắt để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy luyện gang thép quy mô 300.000 tấn/năm. Khai thác 300.000 tấn quặng chì kẽm nguyên khai để cung cấp cho việc luyện chì phôi quy mô 5.000 tấn/năm. Khai thác 300.000 tấn quặng man gan đạt tiêu chuẩn 35% măng gan, làm cơ sở xây dựng nhà máy luyện Ferô man gan 4.000 tấn/năm...
Làm thế nào để hoàn thành và đạt mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra? Lấy công nghiệp khai khoáng tạo đà cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển đang đặt ra cho ngành công nghiệp khai khoáng nhiệm vụ hết sức nặng nề. Bởi lẽ, khai khoáng phải tạo ra giá trị lớn để tích lũy phát triển, đầu tư vào các lĩnh vực khác. Là ngành công nghiệp còn non trẻ, mới phát triển trong vài năm gần đây. Nhưng bước đầu khai khoáng cũng đã khẳng định vị trí và vai trò của mình trong lĩnh vực phát triển kinh tế địa phương. Cùng các lĩnh vực kinh tế chủ lực khác, công nghiệp khai khoáng đã đóng góp vào ngân sách địa phương bình quân trên 23% GDP/năm, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Qua 9 tháng năm 2008, khai khoáng phát triển chậm lại và đang phải đối mặt với sự gia tăng lạm phát, gia tăng giá nguyên vật liệu như: Xăng dầu, than, các phụ gia chế biến công nghiệp và cả thị trường xuất khẩu bị hạn chế, bắt buộc tuân thủ theo quy định mới của Bộ Tài nguyên Công văn số 08 ngày 18.6.2008, về việc hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản (Thông tư 08/2008 của Bộ Tài nguyên & Môi trường). Theo thông tư trên thì việc xuất khẩu khoáng sản trong địa bàn tỉnh bắt buộc tuân thủ và xiết chặt trong các khâu từ: Khai thác đến chế biến “đạt” tiêu chuẩn quy định mới được phép xuất khẩu. Đồng thời, Thông tư 08/2008 cũng quy định rõ thêm về thủ tục “bắt buộc” đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng ở từng cấp độ, góc độ được xuất bán đối với từng loại khoáng sản khác nhau, độ chuẩn sau tuyển, sau chế biến để được xuất khẩu. Hạn chế tối đa và không cho phép xuất khẩu thô nguyên liệu khoáng sản ra ngoài. Cho nên bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, dà soát lại thủ tục hành chính, dẫn đến tiến độ sản xuất chậm lại so với kế hoạch đề ra. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm xác nhận: Việc chậm và chưa đưa ngành công nghiệp khai khoáng lên thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo ra ưu thế thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh được bởi nó còn quá non trẻ. Cạnh đó là quá trình đầu tư “sơ bộ” trước đây, hiện nay “bắt buộc” phải đầu tư lại. Tuy chậm, nhưng ngành khai khoáng đang đi “đúng hướng” để tạo ra “chất mới - lượng mới” thúc đẩy ngành khai khoáng phát triển theo “chiều sâu”. Tức là phải thay đổi công nghệ cao, đầu tư chế biến sâu và hoàn tất các bước trong thủ tục hành chính đến hoàn chỉnh... lúc đó ngành công nghiệp khai khoáng mới thực sự tạo ra bước tiến mới trong sản xuất công nghiệp, cho giá trị kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy KT - XH trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian không còn xa nữa. Tin tưởng, đến năm 2010, ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh sẽ vươn lên thành ngành công nghiệp chủ đạo, góp phần khai thác lợi thế sẵn có của địa phương, tạo ra thế mạnh thúc đẩy nền KT - XH toàn tỉnh phát triển vững chắc.
Ý kiến bạn đọc